Hà Nội mở rộng kênh phân phối, hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt
Trong những tháng cuối năm và mùa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, UBND TP Hà Nội, sở Công Thương Hà Nội cũng đang tích cực triển khai nhiều nhóm giải pháp để hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh, giữ ổn định giá cả hàng hóa thiết yếu và tăng khả năng mua sắm của người dân.
Mở rộng kênh phân phối
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, tồn kho tăng. Nhiều DN xuất khẩu vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng…, ưu tiên kích cầu tiêu dùng nội địa được coi là giải pháp quan trọng để bù đắp cho tăng trưởng từ nay đến cuối năm 2023. Các hoạt động khuyến mại dịp cuối năm như: Sự kiện “Hà Nội Online Shopping Festival” là điểm nhấn trong khuôn khổ Tháng Khuyến mại nhằm thúc đẩy hoạt động tiêu dùng không tiền mặt trên bàn Thủ đô... Đã góp phần đẩy mạnh các hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ và cân đối cung cầu trên địa bàn TP Hà Nội.
Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ: “ngay đầu quý IV/2023, hàng loạt các tỉnh, TP đã xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị giao thương, hội chợ, triển lãm quảng bá cho nông sản của địa phương. Không chỉ kéo các địa phương về với Hà Nội, ngành Công Thương Hà Nội cũng đã chủ động đến các địa phương, hỗ trợ thông tin, mời các DN, đơn vị phân phối, xuất khẩu Hà Nội tham gia vào các Hội nghị giao thương tại các địa phương để chia sẻ kinh nghiệm vào hàng hệ thống bán lẻ hiện đại; khảo sát vùng sản xuất để kết nối nguồn hàng; đồng thời, ký kết biên bản ghi nhớ với các nhà cung cấp tại các tỉnh, TP…”.
Để phục vụ Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Sở Công Thương Hà Nội đang tích cực phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, triển khai chương trình bình ổn thị trường. Từ đó, xây dựng và triển khai kế hoạch phục vụ Tết với tổng trị giá các nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu cao trong dịp Tết khoảng trên 40 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2023. Bên cạnh đó, DN cũng chú trọng trong công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu, thiết kế các mẫu mã, bao bì, đóng gói phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng. Để làm sao hàng hóa đến được với người sử dụng một cách thuận tiện nhất, giá ưu đãi nhất, chất lượng tốt nhất.
Bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, để chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân dịp Tết Giáp Thìn, DN đã tăng khối lượng hàng hóa dự trữ gấp 3 lần. 42 điểm bán hàng trên địa bàn Hà Nội sẽ được vận hành liên tục cho đến cuối ngày 30 Tết và bắt đầu trở lại phục vụ người dân từ mùng 3 Tết Giáp Thìn 2024.
Kế hoạch kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với các sở, ngành TP, UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị sản xuất kinh doanh triển khai các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Tổ chức các chợ hoa Xuân; tổ chức các điểm, chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn để phục vụ Nhân dân.
Nâng cao chất lượng, tạo giá trị khác biệt tiêu chí hàng Việt bền vững
Theo các chuyên gia, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt con số 180 tỷ USD trong năm 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Đồng thời, xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Điều này khiến Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà bán lẻ. Đây cũng là thời cơ để các DN xây dựng thương hiệu, mở rộng kênh phân phối trong nước.
Bên cạnh đó hàng Việt Nam cũng phải đối mặt với sự gia tăng, cạnh tranh của hàng nhập ngoại có chất lượng cao sau khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực. Tỷ trọng hàng nước ngoài trong hệ thống phân phối, nhất là kênh thương mại điện tử xuyên biên giới có xu hướng tăng. Theo Tổ chức ATKearney của Mỹ, thị trường bán lẻ Việt Nam xếp thứ 9/35 quốc gia về chỉ số phát triển. Do đó, sự cạnh tranh của hàng ngoại sẽ ngày càng lớn hơn, buộc DN trong nước phải có sự thay đổi, nắm bắt xu thế phát triển của thị trường để không thua trên “sân nhà”.
Vì thế, các DN cần không ngừng nỗ lực đổi mới, tìm tòi, kịp thời nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới của người Việt. Từ đó có xây dựng được những kế hoạch- chiến lược hiệu quả. Đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, sáng tạo những sản phẩm mang tính khác biệt và giá trị. Nhiều DN hiện nay đang tập trung tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu để tiếp cận được nguồn lực đầu tư, trình độ quản trị, làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ... Còn thị trường trong nước, DN đầu tư phát triển hệ thống phân phối, hậu mãi, chăm sóc khách hàng.
Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, Lê Việt Nga cho biết: Bộ Công Thương dự kiến triển khai 4 nhóm giải pháp bao gồm: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động; rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của tổ chức Thương mại thế giới (WTO); hỗ trợ DN trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước; đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường.