Hà Nội sắp siết chặt xe xăng, hãng sản xuất xe máy lớn nhất Việt Nam nói gì?
Honda Việt Nam, nhà sản xuất xe máy lớn nhất tại Việt Nam nhận định rằng việc chuyển đổi sang phương tiện thân thiện với môi trường ở những khu vực đông dân cư như Vành đai 1 tại Hà Nội trong thời gian ngắn, đặt ra nhiều thách thức không nhỏ.
Theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7 của Thủ tướng Chính phủ, đến 1/7/2026, tại Hà Nội sẽ không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong vành đai 1.
Từ 1/1/2028, không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường vành đai 1, vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong vành đai 3.

Trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này, Honda Việt Nam khẳng định sự tôn trọng và ghi nhận với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như phát triển những giải pháp di chuyển phù hợp.
Tuy nhiên theo nhà sản xuất Nhật Bản, xe máy xăng chỉ là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đô thị.
"Ô nhiễm chủ yếu do bụi, bao gồm cả bụi mịn (PM2.5), nhưng xe máy không thải ra nhiều bụi PM2.5, chỉ chiếm 4,5% - thấp hơn rất nhiều so với các phương tiện khác như xe tải nặng, ô tô, xe buýt…", Honda Việt Nam dẫn nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP.HCM.
Honda Việt Nam nhận định rằng việc chuyển đổi sang phương tiện thân thiện với môi trường trong khu vực nội đô, đặc biệt là những khu vực đông dân cư như Vành đai 1 tại Hà Nội, đặt ra nhiều thách thức không nhỏ.
“Một lượng lớn phương tiện sử dụng động cơ đốt trong đang lưu hành sẽ cần được thay thế trong thời gian ngắn, gây áp lực lớn về mặt tài chính và logistic. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho phương tiện mới vẫn chưa đáp ứng đủ, đặc biệt là hệ thống trạm sạc, trong khi lo ngại về an toàn phòng cháy chữa cháy, nhất là tại các khu nhà ở cũ, vẫn còn hiện hữu.
Trong lĩnh vực kinh doanh và sản xuất, tốc độ chuyển đổi nhanh chóng có thể gây xáo trộn lớn trong chuỗi cung ứng và hoạt động thương mại hiện tại. Thiếu thời gian thích nghi có thể gây ra thiệt hại tài chính đáng kể cho nhiều doanh nghiệp, dẫn đến việc không thể tái đầu tư, gia tăng nguy cơ phá sản, kéo theo hệ lụy dây chuyền ảnh hưởng đến hơn 2.000 đại lý, 200 nhà cung cấp và hàng chục nghìn lao động”, Honda Việt Nam chia sẻ.

Xe máy điện Honda ICON e:
Cũng theo hãng xe Nhật, để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra hiệu quả và bền vững, cần có thêm thời gian để hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật, chính sách hỗ trợ phù hợp cũng như cải tạo và phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Honda Việt Nam có kiến nghị rằng cần xây dựng một lộ trình chuyển đổi phù hợp với ít nhất 2–3 năm chuẩn bị, giúp các bên liên quan chủ động thích ứng, đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra an toàn, hiệu quả và bền vững.