Hà Nội sẽ có những chính sách đặc thù phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Ngày 17/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với 2 dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố phục vụ phát triển khoa học, công nghệ gắn với thi hành Luật Thủ đô 2024.
Cụ thể, Dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố quy định chi tiết một số chính sách đặc thù phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội (thực hiện khoản 2; điểm a, b, c khoản 3 điều 23 của Luật Thủ đô) và Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách về đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo của thành phố Hà Nội (thực hiện khoản 1; điểm d khoản 3; khoản 5 điều 23 của Luật Thủ đô).

Quang cảnh hội nghị.
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hà Nội, cho biết: Thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW và Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Thủ đô, có tất cả 6 dự thảo Nghị quyết sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo tạo và khởi nghiệp.
Các nhà khoa học đã từng nghiên cứu khoa học tại Hà Nội và của cả nước đều thấy vướng mắc khi bị hành bởi thủ tục hành chính. Ví dụ như chủ đề tài khoa học nhưng phải ký hợp đồng thuê khoán chuyên môn với bên không liên quan để hợp thức hóa thủ tục; khi lấy mẫu nghiên cứu khảo sát nhưng lại phải hợp thức hóa bằng hóa đơn… Do đó, Nghị quyết của HĐND thành phố quy định chi tiết một số chính sách đặc thù phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội sẽ giải phóng những vướng mắc đó. Đơn cử như tổ chức, đơn vị có năng lực được đăng ký theo cơ chế khoán kinh phí, chủ nhiệm đề tài được trao quyền chủ động, không phải đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng…

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội thông tin về những chính sách đặc thù nổi bật tại dự thảo Nghị quyết.
Ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật cho biết: Thực hiện đề tài khoa học quan trọng nhất là vốn, đất đai, nhân lực đã được đề cập trong Nghị quyết sẽ tạo bước ngoặt về thể chế cho phát triển khoa học và công nghệ tại Hà Nội. Tuy nhiên, thành công hay không phụ thuộc quá trình thực hiện. Tuy nhiên, về đăng ký đề tài Nghị quyết nên cho đăng ký bổ sung đề tài nghiên cứu khoa học, nhất là những đề tài đang phục vụ vấn đề cấp bách của thành phối. Nghị quyết cũng cần quy định rõ hơn về thu hút nhân tài trong đó xem xét giải quyết về chỗ ở, chi phí đi lại…
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và doanh nghiệp công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng: Về phạm vi có 6 nghị quyết nên phải liên kết với nhau và thể hiện có tính bảo trùm tại Nghị quyết của HĐND thành phố quy định chi tiết một số chính sách đặc thù phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội. Các nghị sau sẽ mang tính đặc thù từng lĩnh vực cụ thể.
“Với Hà Nội quan trọng nhất là chính sách đãi ngộ nhân tài bởi nếu không có nhân sự tốt thì khó triển khai được các đề tài. Bên cạnh đó là định mức cơ chế hỗ trợ đổi mới sáng tạo cần tính toán lại cụ thể. Đơn cử như mức hỗ trợ nâng cấp tối ưu hóa công nghệ nên nâng từ 50% lên 70%....”, ông Nghiêm đề xuất.
Tại hội nghị, các chuyên gia cũng đề xuất cơ chế giám sát, tránh việc xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi từ Nghị quyết này để trục lợi, việc công khai minh bạch, thương mại hóa sản phẩm kết quả nghiên cứu…
Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng: "Đây là những nghị quyết quan trọng để triển khai phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trên địa bàn. Do đó, đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tiếp thu để hoàn thiện trước khi trình HĐND TP Hà Nội. Do tầm quan trọng như vậy nên MTTQ Việt Nam TP Hà Nội sẽ tổ chức 3 buổi phản biện xã hội để có những đóng góp chi tiết".