Hà Nội sẽ có trung tâm thương mại ngầm và tàu điện treo dọc sông Hồng
Tại Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, thành phố sẽ có trung tâm thương mại ngầm ở đô thị trung tâm và hệ thống tàu điện treo 1 ray dọc sông Hồng. Theo đồ án, mô hình phát triển của Hà Nội là chùm đô thị đa cực, đa trung tâm, gồm: Đô thị trung tâm (gồm đô thị phía Nam sông Hồng; đô thị Long Biên, Gia Lâm; thành phố phía Bắc thuộc Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và thành phố phía Tây (gồm đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai)…
Bảo tồn và phát triển
Trong đó, đô thị trung tâm là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của Hà Nội và cả nước. Khu vực nội đô lịch sử sẽ được bảo tồn, tôn tạo, cải tạo, tái thiết, bổ sung hạ tầng, phát triển mới, đề xuất phát triển một số khu vực theo mô hình TOD tập trung nâng tầm và đẩy mạnh hiệu quả hình thái phát triển khu vực trung tâm hành chính, tài chính, thương mại vốn sẵn có.
Hà Nội cũng sẽ phục dựng, nâng tầm kiến trúc đặc thù “phố Pháp” gắn liền với các hoạt động kinh tế cốt lõi, trung tâm tài chính, thương mại quốc gia. Bảo tồn và phục dựng các giá trị của các công trình kiến trúc và các trục không gian đô thị có giá trị như: trục văn hóa biểu diễn Tràng Tiền - Nhà hát Lớn; trục tài chính - ngân hàng Ngô Quyền; trục thương mại - dịch vụ trung tâm Ga Hà Nội... nhằm xây dựng trung tâm kinh tế - tài chính - thương mại sầm uất nhất Thủ đô, khai thác giá trị di sản kết hợp với tiềm năng kinh tế năng động sẵn có. Ưu tiên phát triển ngầm tại khu vực này như tuyến phố trung tâm thương mại ngầm dẫn từ nhà ga Hà Nội dọc phố Trần Hưng Đạo kết nối với trục không gian sông Hồng. Khu vực nội đô lịch sử mở rộng sẽ hình thành một số trung tâm hành chính của các bộ, ngành, tập trung tại Tây hồ Tây và Mễ Trì.
Theo Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, thành phố phía Bắc Hà Nội gồm khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn có tổng diện tích khoảng 633km2, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh. Đất xây dựng đô thị khoảng 385km2. Khu vực ngoại thị khoảng 248km2. Đơn vị hành chính gồm 45 phường, 24 xã.
Với ý tưởng xây dựng động lực cho một thành phố vì hòa bình, kết nối toàn cầu, thành phố mới Bắc sông Hồng sẽ có những chức năng chính: Trung tâm đối thoại, hợp tác quốc tế tầm cỡ khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hình thành các trung tâm cầu nối đa quốc gia, trung tâm đối thoại quốc tế, phát triển mô hình kinh tế MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện) tận dụng tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên rừng Sóc Sơn.
Thành phố phía Tây bao gồm đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai, nghiên cứu phát triển mở rộng ra đến sông Tích, sông Bùi. Khu vực được định hướng là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo. Quy mô thành phố khoảng 251km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 135km2. Khu vực ngoại thị của thành phố khoảng 116km2, dân số khoảng 0,12 triệu người. Đơn vị hành chính gồm 16 phường và 8 xã. Thành phố phía Tây thuộc Hà Nội có định hướng chính là đô thị khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo. Trong đó, đô thị Hòa Lạc sẽ là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao. Đô thị Xuân Mai là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục như trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ nghiên cứu, phòng thí nghiệm/ phòng nghiên cứu cộng đồng, trung tâm mô phỏng 3D, trung tâm dịch vụ thử nghiệm sản phẩm nghiên cứu...
Bổ sung mạng lưới giao thông
Với hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn, Hà Nội sẽ rà soát, điều chỉnh bổ sung mạng lưới đường sắt đô thị, BRT đảm bảo tính khả thi, đồng bộ và phù hợp với yêu cầu mới và định hướng phát triển không gian điều chỉnh. Định hướng quy hoạch các tiện ích gắn với các ga đường sắt đô thị để tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt đô thị. Ưu tiên quỹ đất (kể cả khai thác không gian ngầm) để xây dựng các điểm trung chuyển vận chuyển hành khách công cộng giữa các ga đường sắt đô thị với các tuyến xe buýt và xe taxi (kể cả xe 2 bánh), giữa các tuyến xe buýt với nhau...
Hà Nội cũng sẽ xây dựng các hành lang giao thông công cộng mới như: Tuyến kết nối chuỗi các đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Phú Xuyên; Tuyến kết nối Gia Lâm - Long Biên - Đông Anh - Mê Linh - Vĩnh Phúc; Tuyến kết nối Sóc Sơn - Đông Anh - Long Biên; Tuyến khép vòng kết nối trực tiếp liên thông giữa khu vực nội đô và thành phố Bắc sông Hồng trên cơ sở xem xét điều chỉnh tuyến đường sắt số 4; Tuyến kết nối vành đai 2 đi sân bay Nội Bài; Tuyến kết nối Yên Nghĩa - Xuân Mai. Đáng chú ý, Hà Nội sẽ đề xuất xây dựng hệ thống tàu điện treo 1 ray (sky-monorail) dọc 2 bên sông Hồng nhằm tạo nền tảng hệ thống giao thông công cộng kết nối tốt với tuyến xe buýt đường sông, làm triệt tiêu sự ngăn cách về không gian của hệ thống đê tả, hữu Hồng... Tại các điểm kết nối nhà ga (TOD cảnh quan) sẽ được kết hợp với dịch vụ du lịch văn hóa với các giá trị vật thể và phi vật thể như bãi tắm Chử Đồng Tử, khu di tích Bà Tấm Ỷ Lan, làng cổ Bát Tràng...
Hà Nội cũng đề xuất khôi phục 2/6 tuyến đường sắt cũ do Pháp đã đầu tư xây dựng (Ngã Tư Sở - Bờ Hồ và Bờ Hồ - Thụy Khuê) dưới hình thức Tram Way (tàu điện trên mặt đất). Đây vừa là hình thức giao thông gần gũi với hình ảnh xe điện cũ, vừa có giá trị vận chuyển hành khách tốt hơn xe buýt, vừa có giá trị cung cấp dịch vụ du lịch, tham quan, kết nối các điểm du lịch lớn trong nội đô…