Hà Nội: Trung tâm công nghiệp văn hóa được xem xét miễn, giảm tiền thuê đất, mặt nước
Sáng 10/7, tại Kỳ họp thứ 25, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa trên địa bàn TP. Hà Nội, với nhiều chính sách hỗ trợ ưu đãi.
Nghị quyết được ban hành nhằm thực hiện khoản 7 Điều 21 Luật Thủ đô 2024. Nghị quyết nêu quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa với các nội dung: lập quy hoạch và bố trí quỹ đất; ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp văn hóa; huy động nguồn lực thực hiện các dự án phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa để giao, nhượng quyền hoặc cho thuê...
Cụ thể, trung tâm công nghiệp văn hóa, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong trung tâm công nghiệp văn hóa được hưởng chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư mới vào các ngành công nghiệp văn hóa theo quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 43 Luật Thủ đô.
Trung tâm công nghiệp văn hóa được xem xét miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Thủ đô 2024 hoặc miễn tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hóa.
Trường hợp thuê công trình tài sản công để thành lập trung tâm công nghiệp văn hóa theo quy định tại Nghị quyết này, nhà đầu tư được xem xét khấu trừ tiền thuê đất theo quy định của pháp luật vào tiền thuê công trình trong trường hợp tiền thuê công trình đã bao gồm tiền thuê đất; được miễn tiền thuê công trình trong thời hạn tối đa 3 năm đầu thành lập, giảm 50% tiền thuê công trình trong thời hạn tối đa 3 năm tiếp theo.
Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ trong trung tâm công nghiệp văn hóa được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ về kinh phí tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của thành phố; hỗ trợ quảng bá, truyền thông về trung tâm công nghiệp văn hóa, sản phẩm, dịch vụ văn hóa...
Cùng ngày, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua chính sách ưu đãi cho hoạt động tái chế rác HĐND TP.Hà Nội (Thực hiện điểm d khoản 2 Điều 28 Luật Thủ đô).
Theo quy định tại Điều 7 “các biện pháp ưu đãi”, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết này được hưởng các ưu đãi, như: Được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 6 năm; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước trong các năm tiếp theo theo chính sách ưu đãi về đất đai của trung ương và của thành phố..;

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn bế mạc kỳ họp.
Được xem xét vay vốn từ nguồn vốn điều lệ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố và nguồn vốn nhận ủy thác quỹ bảo vệ môi trường tại Quỹ Đầu tư phát triển thành phố theo quy định của pháp luật tại thời điểm vay;
Hỗ trợ 50% phí sử dụng hạ tầng nhưng không quá 100 triệu đồng/năm đối với đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị quyết này khi hoạt động trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp có đầu tư hạ tầng đồng bộ của thành phố...
Kỳ họp đã xem xét, thông qua 16 báo cáo và 23 nghị quyết chuyên đề, để cụ thể hóa các quy định của Luật Thủ đô và các cơ chế, chính sách quan trọng, thiết thực; là cơ sở pháp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Phát biểu bế mạc kỳ họp sáng 10/7, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, sau 2,5 ngày làm việc, kỳ họp thứ 25 HĐND TP. Hà Nội khóa XVI đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Đây là kỳ họp đầu tiên sau khi thành phố triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025, thời điểm dấu mốc lịch sử, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hệ thống chính trị và chính quyền của Thủ đô.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị, ngay sau kỳ họp này, đề nghị UBND TP. Hà Nội, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đảm bảo đồng bộ, kịp thời để các nghị quyết của HĐND TP. Hà Nội đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực.