Hà Nội xây dựng đề án thu phí xe vào nội đô: Yêu cầu lấy ý kiến rộng rãi đối tượng bị tác động

Sau khi Sở GTVT Hà Nội báo cáo về tiến độ xây dựng đề án thu phí xe cơ giới đi vào nội đô, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu hoàn thiện một số nội dung, trong đó có thời gian, lộ trình thực hiện. Ðáng chú ý, UBND thành phố yêu cầu lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng bởi đề án.

Ðường Vành đai 3 - khu vực xác định là ranh giới để thu phí vào nội đô Hà Nội

Ðường Vành đai 3 - khu vực xác định là ranh giới để thu phí vào nội đô Hà Nội

Ai đồng ý trả phí?

Đơn vị xây dựng đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” (Đề án thu phí vào nội đô) (Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (HPTC) và Trung tâm tư vấn phát triển giao thông vận tải - Trường Đại học GTVT) cho biết: Tư vấn đề án cũng đã báo cáo kết quả khảo sát một số bộ phận người dân cho ý kiến về đề án. Đối tượng khảo sát là hành khách đi trên các phương tiện công cộng như xe buýt, BRT và trên hệ thống cổng giao tiếp trực tuyến.

Kết quả khảo sát được HPTC báo cáo, đã có trên 1.000 phiếu khảo sát được phát ra và thu lại. Qua thống kê, phân loại các phiếu khảo sát này, có 39,7% số người ủng hộ việc thu phí; 33,2% số người ủng hộ với điều kiện kèm theo; 27,1% không ủng hộ.

Với các phiếu điều tra xã hội học cho thấy, mức phí mà đối tượng được lấy ý kiến chấp nhận được là ở mức 22,3 nghìn đồng/lượt xe vào nội đô (mức đề án đưa ra thấp nhất là 50.000/lượt; cao nhất 100.000 đồng/lượt - PV). “Với mức này, sẽ có khoảng 55% người sử dụng phương tiện sẽ chấp nhận trả phí để đi lại nhanh chóng bằng các phương tiện xe ô tô cá nhân 5 chỗ, số còn lại sẽ chuyển sang các phương tiện khác được miễn hoặc giảm phí”, đại diện HPTC thông tin.

Từ thực tế trên, đơn vị xây dựng đề án kiến nghị, mức phí vào nội đô đối với người đi ô tô cá nhân tối thiểu phải lớn hơn mức người dân sẵn sàng chi trả thì mới có tác dụng điều tiết hành vi giao thông, từ bỏ xe cá nhân để chuyển sang đi lại bằng phương tiện công cộng.

Đại diện HPTC cho biết, thời gian tới, Trung tâm sẽ yêu cầu Tư vấn mở thêm các kênh khảo sát trực tiếp, gián tiếp đối tượng nhân dân sẽ chịu tác động trực tiếp từ đề án thu phí. Sau đó sẽ có báo cáo Sở GTVT và thành phố vào dịp cuối năm nay.

Cần giải pháp từ gốc

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách Hà Nội cho biết, để thực hiện đề án thu phí ô tô vào nội đô, Nghị quyết số 04 của HĐND thành phố Hà Nội (năm 2017) yêu cầu, đến năm 2020 VTCC Hà Nội phải đạt được 20% nhu cầu đi lại của người dân; đến năm 2025 (thời điểm thu phí ô tô vào nội đô) phải đạt được 25 - 30% nhu cầu.

“HĐND thành phố Hà Nội đặt ra như vậy để từ thời điểm thông qua đề án đến năm 2025, từ 11% nhu cầu, VTCC Hà Nội phải đạt được tỷ lệ như trên thì người dân sẽ có phương tiện lựa chọn, thay thế. Vậy nhưng đến năm 2020, VTCC thành phố mới đạt 15% và năm 2022 hiện nay mới đạt 17 đến 18% nhu cầu. Do đó, câu hỏi đặt ra là nếu bỏ xe ô tô người dân đi lại bằng gì?”, ông Thông đặt vấn đề.

TS Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông từng nhiều năm làm việc tại Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, thu phí vào nội đô chỉ là 1 trong các giải pháp để giảm ùn tắc giao thông. Để giải bài toàn giao thông Hà Nội cần nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, trong đó có ưu tiên phát triển vận tải công cộng; quy hoạch lại không gian đô thị trong đó có giảm mật độ trong khu vực nội đô.

Theo TS Phan Lê Bình, nếu khu vực nội đô trong 5 năm hay 10 năm tới vẫn tập trung những cơ quan thu hút người dân như trụ sở giao dịch hành chính, trung tâm thương mại, trường học… thì thành phố có thu phí 30.000 - 50.000 đồng hoặc trên 100 nghìn đồng thì vì công việc, vì nhu cầu người dân có ô tô vẫn sẵn sàng trả phí để đi lại.

Trong hơn 10 ý kiến lái xe ô tô được PV Tiền Phong hỏi trong ngày 26/10, mọi người đều cho biết, ủng hộ các chủ trương, giải pháp giảm xe cá nhân, chống ùn tắc của thành phố trong khu vực nội đô. Tuy nhiên, khi được hỏi có bỏ xe cá nhân để chuyển sang đi bằng phương tiện khác, hầu hết các ý kiến đều cho biết, với tình trạng vận tải công cộng (VTCC) như hiện nay, mọi người sẽ tiếp tục sử dụng phương tiện cá nhân dù có phải trả phí.

Anh Trọng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ha-noi-xay-dung-de-an-thu-phi-xe-vao-noi-do-yeu-cau-lay-y-kien-rong-rai-doi-tuong-bi-tac-dong-post1481457.tpo