Hạ tầng và công nghệ thúc đẩy Chi Ma thành điểm sáng biên mậu

Theo Hải quan cửa khẩu Chi Ma, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng số doanh nghiệp đã tham gia làm thủ tục hải quan là hơn 600 doanh nghiệp, đã làm thủ tục xuất nhập khẩu cho trên 15.000 bộ tờ khai...

Phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu dừng đỗ gọn gàng, đảm bảo thông thoáng trong khu vực cửa khẩu chính Chi Ma (Lạng Sơn). (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu dừng đỗ gọn gàng, đảm bảo thông thoáng trong khu vực cửa khẩu chính Chi Ma (Lạng Sơn). (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Nhờ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng logistics và ứng dụng công nghệ thông tin, cửa khẩu chính Chi Ma (Lạng Sơn) đang trở thành điểm sáng trong phát triển giao thương biên giới, góp phần gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, thu hút doanh nghiệp và đảm bảo hiệu quả quản lý hải quan.

Theo Quyết định 1199/QĐ-TTg ngày 14/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch cửa khẩu biên giới Việt Nam-Trung Quốc, cặp cửa khẩu Chi Ma (Việt Nam)-Ái Điểm (Trung Quốc) được định hướng nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế giai đoạn 2021-2030. Hưởng ứng chủ trương này, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã tích cực đầu tư kho bãi hiện đại, mở rộng hạ tầng tập kết hàng hóa tại khu vực cửa khẩu.

Ông Mai Đức Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ xuất nhập khẩu tổng hợp Chi Ma HTT, chia sẻ doanh nghiệp đã đầu tư khoảng 17ha kho bãi, xây dựng hệ thống kho ngoại quan, nhà xưởng và ứng dụng thiết bị cơ giới hóa như cẩu container, xe nâng hiện đại để rút ngắn thời gian bốc xếp, tăng năng lực thông quan lên hàng trăm xe mỗi ngày mỗi chiều.

Song song với hạ tầng, chuyển đổi số đang được các lực lượng chức năng tại Chi Ma triển khai đồng bộ. Theo bà Trần Thị Kim Oanh, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hiếu Huyền (Hà Nội), các thủ tục hải quan được xử lý nhanh chóng, thậm chí làm ngoài giờ vào những thời điểm cao điểm xuất nhập khẩu. "Việc áp dụng công nghệ và số hóa thủ tục đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí đáng kể," bà Oanh nhận định.

Theo Hải quan cửa khẩu Chi Ma, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng số doanh nghiệp đã tham gia làm thủ tục hải quan là hơn 600 doanh nghiệp (tăng 77% so với cùng kỳ năm trước); đã làm thủ tục xuất nhập khẩu cho trên 15.000 bộ tờ khai với tổng kim ngạch đạt trên 400 triệu USD (tăng 103% so với cùng kỳ năm trước); trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 154 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 246 triệu USD.

 Lực lượng Hải quan cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) kiểm tra chủng loại, mẫu mã, thương hiệu hàng hóa nhập khẩu. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Lực lượng Hải quan cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) kiểm tra chủng loại, mẫu mã, thương hiệu hàng hóa nhập khẩu. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Phó Đội trưởng Đội Hải quan cửa khẩu Chi Ma Trịnh Quang Hòa cho biết đơn vị đã triển khai đồng bộ giải pháp về cải cách hành chính, hiện đại hóa trong thực hiện quy trình hải quan với hàng hóa xuất nhập khẩu, qua đó đã mang lại hiệu quả tích cực trong quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại.

Hải quan cửa khẩu Chi Ma thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục hải quan 24/7 nhằm tạo điều kiện thông quan hàng hóa nhanh chóng, giảm thiểu các chi phí phát sinh; duy trì vận hành ổn định Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; ngoài ra, đơn vị còn chủ động tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp về lợi ích của việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến và triển khai các tiện ích dịch vụ thu nộp thuế điện tử 24/7 tới người dân và doanh nghiệp.

Bằng những cách làm chủ động đó, đến nay tổng thu ngân sách nhà nước tại Hải quan cửa khẩu Chi Ma đã đạt trên 543 tỷ đồng (tăng 53,2% so với cùng kỳ năm trước), đạt 60,3% chỉ tiêu giao bổ sung thu ngân sách năm 2025.

Cùng với nghiệp vụ kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục được Hải quan cửa khẩu Chi Ma triển khai toàn diện và thường xuyên. Đơn vị nâng cao nghiệp vụ kiểm soát hải quan, tập trung vào các mặt hàng trọng điểm dễ phát sinh buôn lậu như hàng tiêu dùng, hàng điện tử, thực phẩm, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Bên cạnh đó, Hải quan cửa khẩu Chi Ma phối hợp với các lực lượng để tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực đường mòn, kho bãi, các điểm tập kết hàng hóa gần biên giới cửa khẩu; giám sát, soi chiếu, đối chiếu chứng từ với thực tế hàng hóa được thực hiện nghiêm, đảm bảo đúng quy trình. Sáu tháng đầu năm 2025, Hải quan cửa khẩu Chi Ma đã bắt giữ, xử lý 103 vụ (tăng 24% so với cùng kỳ năm trước), tổng số tiền phạt vi phạm hành chính trên 1 tỷ đồng.

Ông Trịnh Quang Hòa nhấn mạnh, đơn vị đặc biệt coi trọng giáo dục chính trị, phòng chống tiêu cực trong lực lượng hải quan, kiên quyết không bao che, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Việc kết hợp đồng bộ giữa hiện đại hóa hạ tầng, chuyển đổi số và siết chặt quản lý đang đưa cửa khẩu Chi Ma trở thành mô hình kiểu mẫu trong phát triển biên mậu, góp phần tạo dựng môi trường thông quan minh bạch, hiệu quả, tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ha-tang-va-cong-nghe-thuc-day-chi-ma-thanh-diem-sang-bien-mau-post1049684.vnp