Loạt 'đá tảng' đang đè nặng lên kinh tế Trung Quốc, thuế quan của Mỹ không phải cú sốc duy nhất
Hôm nay (15/7), Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố số liệu cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng trưởng 5,2% trong quý II/2025 so với cùng kỳ năm ngoái.

Khách hàng tại một siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: Getty)
Con số nói trên cao hơn mức dự đoán 5,1% của các nhà kinh tế do hãng tin Reuters khảo sát.
Nền kinh tế vẫn đang chịu áp lực
Tăng trưởng GDP quý II/2025 của Trung Quốc đã chậm lại so với mức tăng trưởng 5,4% trong ba tháng đầu năm. Theo NBS, tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm đạt 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Sheng Laiyun, Phó Ủy viên NBS cho biết, mức tăng trưởng kinh tế của đất nước tỷ dân trong nửa đầu năm đạt được trong bối cảnh đầy thách thức của tình hình quốc tế thay đổi nhanh chóng và áp lực bên ngoài gia tăng đáng kể.
“Chúng tôi nhận thức rằng, môi trường bên ngoài vẫn phức tạp và bất ổn, các vấn đề nội bộ vẫn chưa được giải quyết và nền tảng của nền kinh tế vẫn cần được củng cố hơn nữa", ông Sheng Laiyun nói.
Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang chịu áp lực ngày càng tăng từ bên ngoài và cả những yếu tố nội tại để đạt được mục tiêu tăng trưởng "khoảng 5%" trong năm nay.
Cuộc "tấn công" thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump - có thời điểm lên tới 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc - đã làm đảo lộn mối quan hệ thương mại song phương.
Theo thỏa thuận đình chiến đạt được hồi tháng 5 tại Geneva, Bắc Kinh chỉ còn chưa đầy một tháng (ngày 12/8) để đạt được một thỏa thuận lâu dài với Washington.
Đối với nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Trung Quốc, đất nước sẽ phần lớn phụ thuộc vào mức thuế suất cuối cùng được thống nhất. Ngay cả mức thuế hai chữ số cũng sẽ mang lại những tác động sâu sắc và lâu dài cho các nhà sản xuất tại quốc gia này, vốn là trụ cột chính của nền kinh tế đất nước.
Trong nước, nền kinh tế tiếp tục chịu sức ép từ nhiều thách thức về cơ cấu, bao gồm cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ tăng cao, tiêu dùng chậm và tình trạng giảm phát dai dẳng.
Theo dữ liệu của NBS, chi tiêu tiêu dùng trong tháng 6/2025 không đạt kỳ vọng, trong khi sản xuất công nghiệp lại vượt kỳ vọng. Doanh số bán lẻ giảm xuống còn 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng trưởng 6,4% của tháng 5/2025. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp tăng 6,8% so với tháng 6/2024, tăng so với mức 5,8% của tháng 5/2025.
Ông Nick Marro, nhà kinh tế trưởng phụ trách châu Á tại Economist Intelligence Unit nhận định, dù xung đột thương mại đã tác động đến tâm lý thị trường nhưng nó không phải là cú sốc lớn đối với hoạt động kinh tế của đất nước tỷ dân như các nhà đầu tư lo ngại.
Tuy nhiên, với những điểm yếu trong nền kinh tế trong nước, chẳng hạn như niềm tin của người tiêu dùng suy giảm và căng thẳng dai dẳng trong lĩnh vực bất động sản, ông Nick Marro dự đoán, Trung Quốc sẽ khó có thể đạt được mục tiêu hàng năm trong năm nay.
Các nhà kinh tế cũng cảnh báo rằng, những trở ngại hiện tại có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu và làm chậm đà tăng trưởng kinh tế trong những tháng tới.
Ông Zichun Huang, một nhà kinh tế tại Capital Economics khẳng định, triển vọng kinh tế trong phần còn lại của năm vẫn còn thách thức. "Với mức thuế quan vẫn ở mức cao, nguồn lực tài chính cạn kiệt và những trở ngại về cơ cấu vẫn còn, tăng trưởng có thể sẽ chậm lại hơn nữa trong nửa cuối năm", ông nói.
Áp lực giảm phát vẫn hiện hữu
Tại Trung Quốc, nền kinh tế tiếp tục vật lộn với áp lực giảm phát. NBS cho hay, chỉ số giảm phát tại cổng nhà máy - được đo bằng Chỉ số giá sản xuất (PPI) - đã giảm 3,6% trong tháng 6/2025 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm mạnh nhất trong gần hai năm và kéo dài chuỗi giảm phát sản xuất của nước này lên 33 tháng liên tiếp.
Trong khi đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo lạm phát - tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chấm dứt chuỗi bốn tháng giảm.
Giảm phát khiến người dân e ngại chi tiêu, với kỳ vọng giá cả sẽ giảm trong tương lai. Điều này làm giảm tiêu dùng - động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Áp lực giảm phát dai dẳng cũng sẽ bóp nghẹt lợi nhuận và tiền lương của doanh nghiệp, làm trầm trọng hơn do cuộc chiến giá cả và tình trạng dư thừa công suất, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô.
Các biện pháp mới
Để ứng phó với tình trạng kinh tế trì trệ và những thách thức bên ngoài như thuế quan, mới đây, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp nhằm ổn định việc làm bao gồm mở rộng phạm vi bảo hiểm xã hội, trợ cấp, hỗ trợ vay vốn và đào tạo nghề cho thanh niên.
Theo NBS, trong tháng 6/2025, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị của Trung Quốc ở mức 5%, thấp hơn mục tiêu 5,5% hàng năm của chính phủ. Tuy nhiên, thất nghiệp ở thanh niên vẫn là một vấn đề lớn.
Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm dân số lao động từ 16 đến 24 tuổi tại Trung Quốc vẫn ở mức cao 14,9% trong tháng 5/2025, mặc dù đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần một năm. Tỷ lệ này ở nhóm tuổi 25 đến 29 giảm xuống còn 7% trong cùng kỳ.
Theo thông báo, chính phủ sẽ giải ngân khoản trợ cấp một lần lên tới 1.500 NDT cho mỗi người cho các công ty và tổ chức xã hội tuyển dụng thanh niên thất nghiệp từ 16 đến 24 tuổi và chi trả toàn bộ chi phí bảo hiểm cho họ trong ít nhất ba tháng.