Hai loài thằn lằn mới được đặt theo tên nhà khoa học Việt Nam

Hai loài thằn lằn mới với mẫu chuẩn thu ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sốp Cộp, tỉnh Sơn La và khu vực các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên đã được các nhà khoa học phát hiện.

Thằn lằn Ô rô cường Acanthosaura cuongi Ngo, Le, Nguyen, Nguyen, Nguyen, Phan, Nguyen, Ziegler and Do, 2025 được phát hiện ở các tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. (Ảnh: TTXVN phát)

Thằn lằn Ô rô cường Acanthosaura cuongi Ngo, Le, Nguyen, Nguyen, Nguyen, Phan, Nguyen, Ziegler and Do, 2025 được phát hiện ở các tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. (Ảnh: TTXVN phát)

Các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và Viện Nghiên cứu hệ gen thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa phát hiện hai loài thằn lằn mới, với mẫu chuẩn thu được ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp, tỉnh Sơn La và các tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, khu vực Nam Trung Bộ của Việt Nam.

Loài thằn lằn thứ nhất có tên là Thằn lằn cổ trường (Scincella truongi Pham), được đặt theo tên của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quảng Trường, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) để vinh danh các đóng góp của ông trong lĩnh vực nghiên cứu và bảo tồn các loài bò sát và lưỡng cư ở khu vực Đông Dương.

Loài thằn lằn mới được phát hiện và mô tả với mẫu chuẩn thu được ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp, tỉnh Sơn La; có đặc điểm hình thái và di truyền khác biệt với các loài còn lại trong giống, quan hệ gần gũi nhất với loài Thằn lằn cổ đuôi đỏ (Scincella rufocaudata) nhưng có sự khác biệt về số vảy ở gáy, các hàng vảy trên lưng và hàng vảy quanh thân.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp, tỉnh Sơn La có 99 loài gồm 49 loài lưỡng cư thuộc 7 họ, 2 bộ và 50 loài bò sát thuộc 16 họ, 2 bộ; trong đó, ghi nhận bổ sung cho Khu bảo tồn 32 loài.

Trong số các loài lưỡng cư bò sát ghi nhận ở Sốp Cộp có 20 loài cần ưu tiên bảo tồn, gồm 8 loài có tên trong Nghị định 84/2021/NĐ-CP, 15 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và 10 loài có tên trong Danh lục Đỏ IUCN (2022).

 Thằn lằn cổ trường Scincella truongi Pham, Ziegler, Pham, Hoang, Ngo and Le 2025 được phát hiện ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. (Ảnh: TTXVN phát)

Thằn lằn cổ trường Scincella truongi Pham, Ziegler, Pham, Hoang, Ngo and Le 2025 được phát hiện ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. (Ảnh: TTXVN phát)

Loài thằn lằn thứ hai có tên là Ô rô cường (Acanthosaura cuongi Ngo), được đặt theo tên của Tiến sỹ Phạm Thế Cường, Ủy viên Hội đồng khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) để vinh danh các đóng góp của ông trong lĩnh vực nghiên cứu và bảo tồn các loài bò sát và lưỡng cư ở Việt Nam.

Loài thằn lằn mới này được phát hiện và mô tả với mẫu chuẩn thu được ở các tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, khu vực Nam Trung Bộ; có đặc điểm hình thái và di truyền khác biệt với các loài còn lại trong giống, có quan hệ gần gũi với loài Ô rô vành (Acanthosaura coronata) phân bố ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ nhưng có kích thước cơ thể lớn hơn.

Hai loại thằn lằn mới trên đã được công bố trên Tạp chí quốc tế chuyên ngành Zookeys và Tạp chí Phân loại học Châu Âu (European Journal of Taxonomy).

Tiến sỹ Phạm Thế Cường cho biết, bước đầu có thể khẳng định vùng phân bố của các loài này hoàn toàn không trùng lặp. Để xác định chính xác phạm vi phân bố của các loài này, thời gian tới, các nhà khoa học cần phải có nghiên cứu sâu hơn.

“Sự phát hiện 2 loài thằn lằn mới đã cung cấp thêm bằng chứng cho sự đa dạng về các loài động vật của Khu Bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp, tỉnh Sơn La và các tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, khu vực Nam Trung Bộ nói riêng và tầm quan trọng của Việt Nam nói chung với vai trò là trung tâm đa dạng của các loài bò sát và lưỡng cư ở khu vực Đông Dương,” Tiến sỹ Phạm Thế Cường cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/hai-loai-than-lan-moi-duoc-dat-theo-ten-nha-khoa-hoc-viet-nam-post1013541.vnp