Hải quan hiện đại hóa công tác thu ngân sách (Bài 3)
Nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp (DN) trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, đặc biệt các DN thường xuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu (XNK) có số lượng lớn tờ khai phải nộp thuế, Tổng cục Hải quan đã nâng cấp, mở rộng hình thức thanh toán nộp thuế điện tử 24/7, triển khai Chương trình nộp thuế điện tử DN nhờ thu (ủy quyền trích nợ), vừa tạo thuận lợi cho DN vừa đảm bảo thu đúng, đủ, tránh thất thu cho NSNN.
Đẩy mạnh chương trình doanh nghiệp nhờ thu
Cách đây 7 năm, để hiện đại hóa công tác thu ngân sách nhà nước, Tổng cục Hải quan đã triển khai hình thức nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, tạo thêm kênh thanh toán với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế. Theo đó, việc nộp thuế được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, góp phần hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, đảm bảo thông tin nộp tiền được thanh khoản kịp thời, chính xác, giảm thời gian nộp thuế, đồng thời thông quan hàng hóa ngay sau khi nộp thuế, qua đó rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK xuống bằng mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4. Chương trình DN nhờ thu sẽ là bước đột phá trong công tác thu nộp NSNN.
Gần đây, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho DN trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, đặc biệt các DN thường xuyên làm thủ tục XNK có số lượng lớn tờ khai phải nộp thuế, Tổng cục Hải quan nâng cấp mở rộng hình thức thanh toán nộp thuế điện tử 24/7, triển khai Chương trình nộp thuế điện tử DN nhờ thu (ủy quyền trích nợ). Tức là, DN không cần tự nộp thuế mà cơ quan hải quan sẽ gửi thông tin tờ khai và ngân hàng được ủy quyền sẽ tự động nộp thay DN.
Đến nay có 7 ngân hàng tham gia triển khai Chương trình nộp thuế điện tử - DN nhờ thu gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank); Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank); Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank); Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Ông Nông Phi Quảng, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết, với Chương trình này, sau khi phát sinh tờ khai nợ thuế thì cơ quan hải quan sẽ chuyển ngay thông tin số thuế phải nộp của từng tờ khai sang ngân hàng mà DN đã ủy quyền trích nợ tài khoản nộp thuế theo một định mức về tiền và khoảng thời gian nhất định. Với phương thức nộp thuế này, DN hoàn toàn chủ động, không mất thời gian và chi phí để thanh toán thuế.
Đối với ngân hàng, chương trình này giúp ngân hàng phối hợp với cơ quan hải quan bổ sung dịch vụ thanh toán hỗ trợ DN trong thanh toán tiền thuế và thu khác vào ngân sách nhà nước.
Như vậy, có thể thấy, chương trình nộp thuế điện tử DN nhờ thu đã mang lại những lợi ích đa chiều cho các bên tham gia, tạo thuận lợi tối đa cho DN trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước, giúp thông quan hàng hóa nhanh chóng, tăng tính minh bạch và cải cách thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Thế Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hòn Gai - Quảng Ninh cho biết, Chương trình giúp cơ quan hải quan trong việc theo dõi nợ thuế, hạn chế tối đa sai sót của DN khi nộp thuế, nhất là trường hợp DN có nhiều tờ khai và có nhiều bộ phận khác nhau. Cơ quan hải quan cũng rất nhanh chóng trong việc kiểm tra thanh toán thuế của DN và giải quyết thông quan hàng hóa nhanh nhất để DN đưa vào sản xuất, kinh doanh.
Mở thêm một kênh thanh toán điện tử tự động cho doanh nghiệp
Về lợi ích khi tham gia Chương trình nộp thuế điện tử DN nhờ thu có thể thấy, đối với DN, thủ tục với cơ quan hải quan được cập nhật và xử lý hoàn toàn tự động trên Cổng thông tin điện tử. Ông Nông Phi Quảng cho biết, khi đã được xác nhận tham gia chương trình, DN không phải thực hiện thao tác nào khác trên hệ thống của cơ quan hải quan. Tất cả các bước thu nộp sẽ được xử lý hoàn toàn tự động không có sự can thiệp của DN cũng như công chức hải quan. Điều này sẽ giúp giảm thiểu tối đa các sai sót khi thao tác nhầm trên máy, ví dụ như sai tiểu mục, số tiền, số tờ khai… dẫn tới chậm giải phóng hàng. DN cũng hoàn toàn chủ động không phải mất thời gian và chi phí để thanh toán thuế. Thời gian làm thủ tục cũng được rút ngắn đáng kể. Trong quản lý, cơ quan hải quan chuyển từ bị động chờ DN chuyển tiền nộp thuế sang chủ động chuyển yêu cầu của DN sang ngân hàng để thanh khoản nợ thuế. Từ đó rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa do tiền thuế được xử lý nhanh.
“Chúng tôi chỉ cần đăng ký một lần để tham gia chương trình, sau đó nhờ ngân hàng trích nợ ủy quyền trên hệ thống và không cần làm bất cứ thao tác gì trên hệ thống hải quan cũng như ngân hàng. Những khoản thuế tự động được nộp và tờ khai tự động được thông quan”, bà Trần Thị Mai Quyên, đại diện Công ty TNHH sợi hóa học Thế kỷ mới Việt Nam cho hay.
Đồng thời, các DN không phải thực hiện nộp trước tiền ngay sau khi khai báo, nên có thời gian chủ động nguồn vốn của mình. Ngân hàng chỉ trích tiền từ tài khoản của DN ngay sau khi DN đã hoàn thành về thủ tục hải quan, xác định chính xác số phải nộp, tờ khai tự động thông quan hàng hóa.
Đặc biệt, chương trình này còn hỗ trợ cho các DN làm thủ tục XNK hàng hóa tại các cửa khẩu phụ, lối mòn, lối mở không có điểm thu của ngân hàng/Kho bạc, không có mạng internet để triển khai nộp thuế điện tử. Ngoài ra, chương trình DN nhờ thu sẽ mở thêm một kênh thanh toán điện tử tự động cho DN có sự lựa chọn phù hợp với yêu cầu kinh doanh và tài chính của đơn vị.
Do vậy, việc nộp thuế, thanh khoản trừ nợ và thông quan hàng hóa hoàn toàn tự động không có sự can thiệp của DN và công chức hải quan đã rút ngắn thời gian xử lý so với nộp thuế điện tử 24/7, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của DN.
Để triển khai thuận lợi, Tổng cục Hải quan đã có văn bản đề nghị các ngân hàng tham gia Chương trình bố trí cán bộ chuyên trách hỗ trợ giải đáp các vướng mắc liên quan kịp thời cho DN.
Về điều kiện tham gia chương trình, ông Nông Phi Quảng cho biết, đối với ngân hàng: Phải là ngân hàng phối hợp thu với Tổng cục Hải quan đã triển khai thanh toán điện tử và thông quan 24/7; đã phát triển hệ thống công nghệ đáp ứng triển khai Chương trình nộp thuế điện tử DN nhờ thu.
Theo ông Quảng, Chương trình nộp thuế điện tử DN nhờ thu được Tổng cục Hải quan nâng cấp, mở rộng trên nền tảng hệ thống nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 nhằm tạo thuận lợi tối đa cho DN thường xuyên làm thủ tục XNK có số lượng lớn tờ khai phải nộp tiền thuế, có đủ năng lực tài chính. Thủ tục để các DN đăng ký tham gia chương trình cũng rất đơn giản. DN chỉ cần đăng ký với cơ quan hải quan. Sau đó ký ủy quyền trích nợ tài khoản với ngân hàng giữ tài khoản của DN và ngân hàng đó đã tham gia Chương trình nộp thuế điện tử 24/7 với cơ quan hải quan. Lưu ý, chỉ được đăng ký 1 tài khoản tại 1 ngân hàng. Sau khi dữ liệu đăng ký được cập nhật, hệ thống của hải quan sẽ căn cứ số tiền còn nợ thuế và thu khác trên hệ thống kế toán thuế để chuyển thông tin còn phải thu sang ngân hàng để ngân hàng thực hiện trích nợ tài khoản nộp tiền thuế và thu khác cho DN. DN cần phải duy trì số dư của tài khoản luôn lớn hơn số tiền trích nợ.
Từ khi Tổng cục Hải quan bắt đầu triển khai Chương trình vào năm 2019, có 5 ngân hàng tham gia. Đến năm 2020 thêm 2 ngân hàng và hiện nay đã có 8 ngân hàng tham gia. Việc triển khai và mở rộng nộp thuế điện tử đang là xu thế phát triển của xã hội hiện đại và có rất nhiều tiện ích, do đó, sẽ có thêm nhiều ngân hàng, cũng như DN tham gia trong thời gian tới. Hiện có 47 ngân hàng hiện đang triển khai phối hợp thu với Tổng cục Hải quan và đã triển khai thanh toán nộp thuế điện tử 24/7 đều có thể đăng ký tham gia Chương trình nộp thuế điện tử DN nhờ thu (ủy quyền trích nợ). Ngoài ra, ngân hàng cần phát triển hệ thống công nghệ đáp ứng triển khai chương trình này.
Trong thời gian tới, ngành Hải quan đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách toàn diện về thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, chuyển đổi số, nghiệp vụ hải quan. Những nội dung này đã được xác định rõ trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030. Đối với lĩnh vực quản lý thuế, ngành Hải quan sẽ tái thiết kế quy trình quản lý thuế theo hướng đơn giản hóa, đồng bộ với quy trình thủ tục hải quan từ khâu thu, nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế… đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đối với hoạt động quản lý thuế, triển khai mô hình hải quan số với mức độ tự động hóa cao. Tổng cục Hải quan cũng đang tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý mở rộng thêm các hình thức thanh toán khác cho người nộp thuế, giúp thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ đạt hiệu quả.
Giảm tỷ lệ luồng đỏ, tăng 20% doanh nghiệp tuân thủ pháp luật
Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, ngành hải quan xác định công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, qua đó, tạo động lực mới cho DN phục hồi và bứt phá, tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ, ngành hải quan tiếp tục rà soát, bổ sung sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hải quan đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, đáng chú ý là giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; tăng 20% số lượng DN tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022. Ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định số 123/QĐ-TCHQ ngày 31/1/2023 về việc giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023, với 10 nhóm chỉ tiêu cải cách đi kèm là các giải pháp để thực hiện. Dựa trên số liệu tờ khai XNK hàng hóa năm 2022, lực lượng chức năng giảm được 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ sẽ giảm tương ứng khoảng 31.000 tờ khai phải kiểm tra thực tế hàng hóa, qua đó, giảm gần 20.000 giờ công lao động cho công chức hải quan. Nếu giảm 10% tỷ lệ lô hàng luồng vàng sẽ giảm đến 440.000 bộ hồ sơ hải quan phải kiểm tra hải quan và giảm gần 100.000 giờ công lao động cho công chức hải quan. Rõ ràng, điều này sẽ mang lại lợi ích lớn cho cơ quan quản lý và cả DN XNK.
Một chương trình khác được triển khai nhiều năm là "Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên về hải quan", với nhiều hiệu quả tích cực trong tạo điều kiện thuận lợi cho DN XNK. Qua thời gian thí điểm từ năm 2011, triển khai chính thức từ năm 2014, tính hết năm 2022, cả nước có tất cả 74 DN đang được áp dụng chế độ DN ưu tiên. Đặc biệt đầu năm 2023, Tổng cục Hải quan ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình doanh nghiệp ưu tiên với hải quan các nước thành viên ASEAN. Đây là thỏa thuận về DN ưu tiên đầu tiên với nước ngoài mà Việt Nam ký kết và triển khai thực tế.
Theo định hướng đặt ra trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định về DN ưu tiên trên cơ sở khuyến nghị của Tổ chức hải quan thế giới (WCO) để mở rộng đối tượng tham gia và tiếp tục thúc đẩy triển khai các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên giữa hải quan Việt Nam và hải quan các nước đối tác quan trọng trên thế giới.
Trước đó, từ năm 2022, Tổng cục Hải quan ban hành quyết định về việc triển khai Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Thời điểm công bố vào tháng 9/2022, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 190.000 DN đang hoạt động XNK, chỉ có 10% DN tuân thủ ở mức trung bình và mức độ cao, chiếm trên 83% kim ngạch và tờ khai. Đáng quan ngại, có đến gần 90% DN đang ở mức độ tuân thủ thấp hoặc không tuân thủ. Trong năm 2023, chương trình được đẩy mạnh tại các cục hải quan địa phương với hàng loạt bản ghi nhớ được ký kết giữa cơ quan hải quan và DN. “Chúng tôi đặt mục tiêu sau 2 năm triển khai sẽ có 100% DN tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình). Sau 5 năm thực hiện chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của DN, phấn đấu tăng tỷ lệ DN tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số DN hoạt động XNK ", ông Hoàng Việt Cường nhấn mạnh.
Sau 1 năm triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, có 213 DN XNK, đại lý hải quan tham gia và được công nhận là thành viên của chương trình tại 34 cục hải quan các tỉnh, thành phố. Nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình tăng hạng về tuân thủ pháp luật hải quan. Chẳng hạn, tại Cục Hải quan Đồng Tháp, trước khi tham gia chương trình, hệ thống thông tin ngành Hải quan ghi nhận Công ty TNHH liên doanh Nghị Phong và Công ty TNHH Tỷ Thạc tuân thủ pháp luật xếp hạng 4 nhưng sau gần 1 năm tham gia chương trình, đến tháng 6/2023, DN được nâng hạng khi hệ thống thông tin ngành hải quan ghi nhận đánh giá tuân thủ xếp hạng 3...