Hàn Quốc công bố 2 mẫu tên lửa mô-đun tích hợp AI

Tại hội thảo lần thứ 5 về vũ khí dẫn đường và Hàng không điện tử vừa diễn ra tại Daejeon, Hàn Quốc, Tập đoàn quốc phòng LIG Nex1 công bố hai mẫu tên lửa mô-đun mới, được phát triển bằng nguồn vốn tư nhân.

Đây là bước tiến quan trọng của Hàn Quốc trong việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào vũ khí hiện đại, khẳng định tham vọng nâng cao vị thế trên thị trường quốc phòng toàn cầu.

Theo Army Recognition, hai mẫu tên lửa mới có khối lượng lần lượt 113kg và 453kg. LIG Nex1 áp dụng kinh nghiệm từ các cuộc xung đột gần đây như ở Ukraine và cuộc đối đầu giữa Israel và Hamas, nơi các loại vũ khí thông minh và thiết bị bay không người lái (UAV) tích hợp AI cho thấy hiệu quả tác chiến vượt trội.

Hàn Quốc phát triển tên lửa mô-đun tích hợp AI nhằm tăng khả năng tác chiến chính xác và theo đội hình bầy đàn - Ảnh: LIG Nex1

Hàn Quốc phát triển tên lửa mô-đun tích hợp AI nhằm tăng khả năng tác chiến chính xác và theo đội hình bầy đàn - Ảnh: LIG Nex1

Để cạnh tranh với các nhà sản xuất lớn như MBDA (châu Âu) hay Rafael (Israel), LIG Nex1 tập trung vào tính mô-đun, khả năng tích hợp AI và cải tiến quy trình sản xuất.

Tên lửa mô-đun tích hợp AI là loại tên lửa có khả năng thay đổi các mô-đun để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau (ví dụ: chống hạm hoặc tấn công mặt đất) và được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng cường khả năng dẫn đường, nhận diện mục tiêu và thích ứng với môi trường tác chiến.

Khả năng hoán đổi mô-đun: Tên lửa có thể thay thế các mô-đun khác nhau để phù hợp với mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể, ví dụ như mô-đun chống hạm hoặc tấn công mặt đất.

Tích hợp AI: Trí tuệ nhân tạo được sử dụng để nâng cao khả năng dẫn đường, nhận diện mục tiêu tự động, và giúp tên lửa thích ứng với các tình huống chiến đấu phức tạp.

Các tính năng nâng cao: Ngoài AI, tên lửa còn có thể có các tính năng như dẫn đường hồng ngoại, bay bám địa hình, giúp tăng độ chính xác và khả năng sống sót.

Tên lửa nặng 113kg có nhiều điểm tương đồng với mẫu SDB-II của RTX (Mỹ) và Spear của MBDA. Nó được thiết kế với lớp vỏ bằng vật liệu tổng hợp giảm tín hiệu radar, có khả năng tự hành và được trang bị hệ thống mô-đun hoán đổi linh hoạt, bao gồm cảm biến hồng ngoại, mồi bẫy, đầu đạn, thiết bị tác chiến điện tử và hệ thống liên lạc.

Tên lửa này có hai biến thể gồm không động cơ (glide) và có động cơ (powered), hoạt động linh hoạt, tùy thuộc vào tầm bắn và cấu hình máy bay mang; phù hợp với chiến thuật tác chiến "bầy đàn", một nhóm tên lửa hoạt động phối hợp để áp đảo và đánh lừa hệ thống phòng thủ đối phương, đồng thời thực hiện tấn công chính xác vào các mục tiêu trên đất liền hoặc trên biển.

Tên lửa nặng 453kg có kích thước tương đương với mẫu NSM của Kongsberg (Na Uy), cấu hình linh hoạt để thực hiện nhiệm vụ chống hạm hoặc tấn công mặt đất. Nhờ hệ thống mô-đun, tên lửa có thể tích hợp công nghệ dẫn đường bằng ảnh hồng ngoại, bay bám địa hình ở độ cao thấp để tránh radar và sử dụng AI để tự động nhận diện mục tiêu.

Giai đoạn phát triển ý tưởng cho loại tên lửa 113kg dự kiến hoàn thành trong năm 2025, với nguyên mẫu đầu tiên được lên kế hoạch thử nghiệm vào năm 2028. Trong khi đó, mẫu tên lửa nặng 453kg sẽ được phát triển từ năm 2025 - 2029 dưới dạng tên lửa phóng từ mặt đất, trước khi được thử nghiệm phóng từ máy bay trong giai đoạn 2029 - 2032. Các thử nghiệm sẽ bao gồm bắn thật trên biển Hoàng Hải, mô phỏng tác chiến đô thị để kiểm tra.

Bối cảnh địa chính trị hiện tại đang chứng kiến AI nổi lên như một tài sản chiến lược cốt lõi. Theo nhận định của các chuyên gia quân sự Sunha Bae và So Jeong Kim trong bài phân tích công bố ngày 20.6 trên nền tảng AI Security Strategy, AI đang định hình cuộc cạnh tranh quyền lực kỹ thuật số toàn cầu trong thế kỷ 21, tác động sâu rộng đến cả lĩnh vực quân sự, an ninh mạng và quản trị quốc gia.

Các cuộc xung đột gần đây chứng minh tiềm năng sử dụng kép của AI vừa tăng hiệu quả tự động hóa vũ khí, vừa mở rộng quy mô các cuộc tấn công mạng và chiến dịch thông tin giả. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn còn hạn chế trong việc đưa AI vào lĩnh vực quốc phòng. Luật Cơ bản về AI được thông qua năm 2025 (có hiệu lực từ 2026) đã loại trừ hoàn toàn ứng dụng quân sự, khiến việc tích hợp chính thức AI vào hệ thống phòng vệ quốc gia gặp khó khăn.

Ngược lại, Mỹ và Anh đã sửa đổi chính sách, coi AI là tài sản chiến lược quốc gia; điều chỉnh khuôn khổ pháp lý để bảo vệ hạ tầng trọng yếu và tăng cường khả năng ứng phó với các mối đe dọa từ không gian mạng cũng như chiến tranh nhận thức. Trong khi đó, Hàn Quốc vẫn đối mặt với thách thức điều phối thể chế và thiếu cơ chế pháp lý rõ ràng về việc sử dụng AI trong quốc phòng. Cùng với đó, nguồn nhân lực hạn chế tại các viện nghiên cứu an ninh AI khiến tiến trình phát triển chậm hơn so với các nước tiên tiến.

Dù vậy, giới quan sát cho rằng hai mẫu tên lửa mới của LIG Nex1 là minh chứng Hàn Quốc sở hữu nền tảng kỹ thuật đủ sức tham gia chuỗi giá trị vũ khí thông minh. Nếu các cuộc thử nghiệm thành công, sản phẩm sẽ là lựa chọn chi phí cạnh tranh cho các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm tăng khả năng răn đe trước khi đầu tư hệ thống tầm xa đắt đỏ.

Việc công bố hai mẫu tên lửa mới không chỉ là bước tiến công nghiệp mà còn mở ra hướng đi khả thi để Hàn Quốc thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực quốc phòng tích hợp AI. Tăng cường năng lực quốc gia trong lĩnh vực này, đặc biệt thông qua hợp tác kỹ thuật sâu rộng hơn với quốc gia khác, sẽ là điều kiện then chốt để Hàn Quốc từng bước triển khai hệ thống vũ khí thông minh, đảm bảo vị thế chiến lược tại khu vực.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/han-quoc-cong-bo-2-mau-ten-lua-mo-dun-tich-hop-ai-234993.html