Hàng loạt tập đoàn đua nhau mở đại siêu thị

Bất chấp sức mua thị trường bán lẻ chưa khởi sắc, các tập đoàn trong nước lẫn nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư mở thêm nhiều 'đại siêu thị' ở nhiều tỉnh thành.

Trung tâm thương mại quy mô lớn (được gọi là mega mall hay đại siêu thị) đang ngày càng được phát triển phổ biến tại Việt Nam với nhiều dự án ghi nhận hoạt động thành công và hiệu quả. Thị phần được chia sẻ giữa nhiều ông lớn có kinh nghiệm cả trong và ngoài nước như Vincom, AEON, Central Retail,...

Cuộc đua mega mall sôi động

Tính đến tháng 5-2024, tổng diện tích sàn cho thuê (GFA) của Vincom Retail đã lên tới con số 1,75 triệu m2. Trong năm 2024, theo kế hoạch của công ty, với 5 trung tâm thương mại khai trương mới, tổng diện tích sàn cho thuê sẽ lên gần 1,92 triệu m2.

Đáng chú ý chỉ trong một tháng 6-2024, Vincom Retail đã khai trương 3 trung tâm thương mại tại 3 thành phố của Việt Nam.

Cụ thể, vào đầu tháng 6-2024, Trung tâm thương mại Vincom Megamall Grand Park tại Thành phố Thủ Đức, TP.HCM tổ chức khai trương kỹ thuật với tổng diện tích sàn là 45.255 m2.

Đến cuối tháng 6, hai trung tâm thương mại bao gồm Vincom Plaza Điện Biên Phủ và Vincom Plaza Hà Giang cũng đã khai trương, sắp tới là Vincom Plaza Bắc Giang.

 Các trung tâm thương mại quy mô lớn, đại siêu thị ngày càng được phát triển phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: QH

Các trung tâm thương mại quy mô lớn, đại siêu thị ngày càng được phát triển phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: QH

Trong năm 2024, THISO là thành viên của Tập đoàn THACO tiếp tục đưa vào hoạt động giai đoạn 2 của trung tâm thương mại THISO Mall Trường Chinh - Phan Huy Ích (TP.HCM). Trước đó, cuối 2023, đại siêu thị Emart Phan Huy Ích nằm tại tầng 1 trung tâm thương mại Thiso Mall Trường Chinh - Phan Huy Ích đã được khai trương trước. Đây là đại siêu thị Emart thứ ba tại TP.HCM.

Chưa dừng lại, THISO cũng sẽ xây dựng và hoàn thiện để đưa vào hoạt động trung tâm thương mại THISO Mall Tây Hồ Tây đầu tiên tại Hà Nội, tại Biên Hòa (Đồng Nai) và trung tâm thương mại thứ 4 tại TP.HCM trong đầu năm 2025.

 Một đại siêu thị mới khai trương đã thu hút rất đông người tiêu dùng. Ảnh: QH

Một đại siêu thị mới khai trương đã thu hút rất đông người tiêu dùng. Ảnh: QH

Một ông lớn đến từ Nhật Bản là AEON Việt Nam cũng thông báo khởi công trung tâm thương mại AEON Tân An tại TP. Tân An, tỉnh Long An. Đây là đại siêu thị thứ 8 của Tập đoàn AEON tại Việt Nam và đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đại siêu thị này có tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỉ đồng, diện tích khoảng 21.000m2, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8-2025.

AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai, bên cạnh Nhật Bản, để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư và đồng hành phát triển cùng xã hội Việt Nam. Do đó, việc phát triển trung tâm thương mại mới, các đại siêu thị là sự hiện thực hóa chiến lược tăng tốc mở rộng khu vực đầu tư của tập đoàn.

Tập đoàn bán lẻ đến từ Thái Lan là Central Retail cũng vừa khởi công Dự án trung tâm thương mại GO! Hưng Yên có tổng diện tích gần 16.000m2, dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào vận hành trong năm 2025. Đây là thành viên thứ 43 trong chuỗi Trung tâm thương mại thuộc Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam.

Xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm, năm 2023, Central Retail đã tuyên bố khoản đầu tư trị giá 1,45 tỉ USD trong 5 năm tới vào Việt Nam. Trong giai đoạn 2023-2027, Tập đoàn này đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600, có mặt trên 57 trên 63 tỉnh thành của Việt Nam.

 Các tập đoàn trong và ngoài nước vẫn đánh giá cao tiềm năng phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam. Ảnh: QH

Các tập đoàn trong và ngoài nước vẫn đánh giá cao tiềm năng phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam. Ảnh: QH

Theo bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc Cấp cao dịch vụ Cho thuê Thương mại Savills Việt Nam, tại cả 2 thị trường TP.HCM và Hà Nội, mỗi thành phố khoảng 1,5 triệu m2 diện tích bán lẻ cho thuê luôn duy trì công suất hoạt động trên 90% trong nhiều năm qua. Điều này chứng tỏ mô hình trung tâm thương mại quy mô lớn vẫn đang giữ sức hút.

Hiện nay, mảng đầu tư vào trung tâm thương mại quy mô lớn từ 100.000m2 sàn trở lên (mega mall) đang thu hút sự quan tâm và nguồn lực của nhiều "gương mặt" cả trong và ngoài nước như Vincom, Aeon Mall, Central Retail...

“Miếng bánh lớn” cần tầm nhìn bền vững

Cuộc đua mở đại siêu thị ngày càng khốc liệt khi tương quan năng lực cạnh tranh khối doanh nghiệp ngoại và trong nước ngang ngửa nhau.

Các tập đoàn trong nước có thế mạnh lớn nhất là sự hiểu biết về người tiêu dùng cũng như quỹ đất hiện có của chủ đầu tư đó. Ngược lại, về phía chủ đầu tư nước ngoài họ cũng có những điểm mạnh và chiến lược riêng. Nhóm nhà đầu tư ngoại là kinh nghiệm và danh tính của họ qua rất nhiều năm tồn tại trong khu vực.

Trong bán lẻ thì uy tín và kinh nghiệm đóng vai trò lớn trong việc phát triển và vận hành. Ngược lại, đối với các nhà đầu tư Việt Nam, thế mạnh chủ yếu là quỹ đất đang có cũng như quỹ đất đó sẽ bảo đảm họ trong việc bao phủ trong lĩnh vực bán lẻ.

Dù sức mua chưa có có sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại nhưng theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền, sức hấp dẫn tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều, bởi ở nước ta hiện nay người tiêu dùng chưa đến mức đã thỏa mãn hết tất cả mọi nhu cầu. Đây chính là lý do các tập đoàn trong và ngoài nước vẫn đua nhau mở các đại siêu thị.

 Các mô hình đại siêu thị đang có sự dịch chuyển gia tăng tỉ trọng các ngành hàng về ăn uống, trong khi đó ngành hàng thời trang và bán lẻ có xu hướng giảm. Ảnh: QH

Các mô hình đại siêu thị đang có sự dịch chuyển gia tăng tỉ trọng các ngành hàng về ăn uống, trong khi đó ngành hàng thời trang và bán lẻ có xu hướng giảm. Ảnh: QH

Theo chuyên gia này, khó khăn của bán lẻ hiện đại chỉ là tức thời do những năm qua nền kinh tế nói chung và bán lẻ nói riêng tăng trưởng nóng. Lúc này chủ đầu tư đòi hỏi có thực lực, đủ tài chính, hệ thống phân phối, quản trị doanh nghiệp tốt, giá cả, nguồn cung ổn định.

Bên cạnh những tiềm năng phát triển hấp dẫn này, có nhiều yếu tố quan trọng các nhà phát triển cần chú ý để các trung tâm thương mại vững chãi trong môi trường bán lẻ đang còn gặp nhiều biến động hiện nay.

Bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam chỉ ra trở ngại lớn nhất trong việc phát triển, vận hành các đại siêu thị đó là chiến lược và tầm nhìn của hoạt động lâu dài. Điều này xuất phát không chỉ nằm từ kế hoạch phát triển ban đầu mà còn nằm ở chiến lược marketing, chiến lược cho thuê,... để có được đường đi dài hạn.

Qua nghiên cứu với mô hình hoạt động của các đại siêu thị, chuyên gia Savills cũng nhận thấy có sự dịch chuyển trong ngành hàng để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của người tiêu dùng. Đó là sự gia tăng tỉ trọng các ngành hàng về ăn uống, trong khi đó ngành hàng thời trang và bán lẻ có xu hướng giảm.

 Các đại siêu thị đa dạng dịch vụ từ bán hàng đến giải trí, chăm sóc sức khỏe... để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của người tiêu dùng. Ảnh: QH

Các đại siêu thị đa dạng dịch vụ từ bán hàng đến giải trí, chăm sóc sức khỏe... để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của người tiêu dùng. Ảnh: QH

“Sự phát triển đa dạng của các kênh bán hàng khác đối với mảng thời trang, cũng có tỉ lệ tăng hơn về mảng giải trí, chăm sóc sức khỏe ở trong một số đại siêu thị. Điều này phản ảnh nhu cầu thực tế của người dùng đối với các dịch vụ được cung cấp ở các đại siêu thị ở nhiều khu vực khác nhau”, bà An bình luận.

Sức mua bắt đầu hồi phục

Việt Nam có triển vọng tiêu dùng cao trong khu vực, trong bảy tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7%. Các thị trường tiêu thụ không chỉ tập trung tại Hà Nội và TP.HCM mà đã mở rộng ra các tỉnh thành vùng lân cận với mật độ dân số cao.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7-2024 đạt hơn 3.600 tỉ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bảy tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước.

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/hang-loat-tap-doan-dua-nhau-mo-dai-sieu-thi-post804191.html