Hàng tỷ USD và Euro đã đến Nga bất chấp lệnh trừng phạt
Theo số liệu thống kê hải quan mà Reuters thu thập được, khoảng 2,3 tỷ USD và Euro đã được gửi đến Nga kể từ khi Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu cấm xuất khẩu tiền tệ của họ sang quốc gia này vào tháng 3/2022.
Những con số chưa được báo cáo trước đây cho thấy Nga đã tránh được lệnh cấm nhập khẩu tiền mặt, ngụ ý rằng USD và Euro vẫn tiếp tục là công cụ thiết yếu cho thương mại và du lịch ngay cả khi Moscow tìm cách giảm thiểu sự phụ thuộc vào tiền tệ mạnh.
Số liệu thống kê hải quan, lấy từ một nguồn thương mại ghi lại và biên soạn thông tin, cho thấy tiền mặt được chuyển đến Nga từ các quốc gia như UAE và Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia không có hạn chế thương mại với Nga. Quốc gia xuất xứ của hơn một nửa tổng số tiền không được nêu rõ trong hồ sơ.
Chính quyền Hoa Kỳ đã đe dọa trừng phạt vào tháng 12 đối với các tổ chức tài chính hỗ trợ Nga trốn tránh lệnh trừng phạt và đã áp dụng các hạn chế đối với các tập đoàn từ các quốc gia thứ ba vào năm 2023 và 2024.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã vượt qua đồng đôla Mỹ để trở thành loại tiền tệ nước ngoài được giao dịch nhiều nhất tại Moscow, mặc dù vẫn còn tồn tại những vấn đề đáng kể về thanh toán.
Dmitry Polevoy, giám đốc đầu tư tại Astra Asset Management ở Nga, cho biết nhiều người Nga vẫn muốn có ngoại tệ tiền mặt để đi du lịch nước ngoài, cũng như nhập khẩu một lượng nhỏ và tiết kiệm trong nước.
"Đối với cá nhân, đồng bạc xanh vẫn là một loại tiền tệ đáng tin cậy", ông nói với Reuters.
Ngân hàng trung ương Nga và cơ quan trừng phạt của Hoa Kỳ, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC), đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Nga bắt đầu dán nhãn đồng đôla và đồng Euro là "độc hại" vào năm 2022 khi các lệnh trừng phạt toàn diện cắt giảm khả năng tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu, cản trở thanh toán và thương mại. Khoảng 300 tỷ đô la dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nga tại châu Âu đã bị đóng băng.