Hành động mạnh mẽ hơn để giảm nhu cầu thuốc lá

Tiến sĩ Angela Pratt, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, trao đổi về tác hại của thuốc lá, cũng như những khuyến cáo trong việc đánh thuế thuốc lá tại Việt Nam.

Tiến sĩ Angela Pratt, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.

Tiến sĩ Angela Pratt, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.

Thưa bà, WHO đánh giá như thế nào về gánh nặng sức khỏe do việc sử dụng thuốc lá gây ra tại Việt Nam hiện nay?

Tác hại của thuốc lá là vấn đề mà mọi người đều cần quan tâm. Theo ước tính từ Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu mới nhất, mỗi năm, thuốc lá giết chết hơn 100.000 người tại Việt Nam. Trong đó, 84.500 người là người hút thuốc và 18.800 người khác tử vong do hút thuốc thụ động.

Thuốc lá là yếu tố gây nguy cơ chính của các bệnh tim mạch, hô hấp, hơn 20 loại ung thư khác nhau và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác. Phần lớn người tử vong do hút thuốc là nam giới trong độ tuổi lao động, điều này để lại hậu quả cho vợ con, cha mẹ, bạn bè và cả nơi làm việc của họ.

Với 41% nam giới trưởng thành đang hút thuốc và tổng số hơn 15 triệu người hút thuốc trên cả nước, việc sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng lớn và ngày càng gia tăng về bệnh tật, tử vong sớm, chi phí y tế...

Tổn thất kinh tế do thuốc lá gây ra ước tính lên tới 108.000 tỷ đồng/năm, tương đương 1,14% GDP, bao gồm cả thiệt hại về năng suất lao động. Những chi phí hoàn toàn có thể phòng tránh này đang làm tổn hại đến sự thịnh vượng hiện tại và tương lai của Việt Nam.

Trước thực trạng thuốc lá gây ra hơn 100.000 ca tử vong/năm tại Việt Nam, WHO nhìn nhận vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá như thế nào trong việc giảm tiêu dùng, ngăn ngừa tử vong sớm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thưa bà?

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ hút thuốc tại Việt Nam cao là do thuốc lá quá rẻ, điều này xuất phát từ việc thuế thuốc lá còn thấp. Trong hơn một thập kỷ qua, thu nhập của người dân Việt Nam đã tăng nhanh, nhưng giá thuốc lá hầu như không tăng, khiến thuốc lá ngày càng trở nên dễ tiếp cận. Giá và thuế thuốc lá tại Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực ASEAN.

Hiện nay, thuế thuốc lá ở Việt Nam chỉ chiếm 36% giá bán lẻ, so với mức trung bình toàn cầu là 62% và khuyến nghị của WHO là ít nhất 75%. Trong khi đó, xu hướng toàn cầu là tăng mạnh thuế thuốc lá.

Hiện đã có 60 quốc gia, với tổng dân số hơn 1,6 tỷ người, áp dụng mức thuế từ 70% trở lên, tiệm cận hoặc đạt mức khuyến nghị của WHO. Những quốc gia này đã khiến thuốc lá trở nên đắt đỏ hơn, qua đó nhanh chóng làm giảm tỷ lệ hút thuốc.

Tại Philippines, từ năm 2012 đến 2022, việc tăng thuế thuốc lá đã giúp giảm 30% tỷ lệ hút thuốc chỉ trong 11 năm, đồng thời doanh thu thuế tăng mạnh từ 680 triệu USD lên 2,9 tỷ USD.

Tăng mạnh thuế và giá thuốc lá là biện pháp đơn lẻ hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc. Khi giá thuốc lá tăng, người hút nhận được “tín hiệu về giá”, họ sẽ tiêu dùng ít đi hoặc bỏ thuốc. Thuế thuốc lá cũng là một công cụ cụ thể được quy định trong Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO, mà Việt Nam là quốc gia thành viên.

Thanh thiếu niên là nhóm nhạy cảm nhất với sự tăng giá, đây chính là lý do để tăng thuế thuốc lá. Nếu ngăn được giới trẻ bắt đầu hút thuốc hoặc sử dụng sản phẩm chứa nicotine, điều này giống như một “liều vắc-xin suốt đời”, vì người lớn ít có khả năng bắt đầu hút thuốc hơn.

Trung bình, tăng giá thuốc lá 10% có thể giúp giảm tiêu dùng từ 4–5%. Đồng thời, tăng thuế cũng giúp tăng thu ngân sách Nhà nước. Theo Ngân hàng Thế giới, cứ tăng 10% thuế, thu ngân sách từ thuế thuốc lá sẽ tăng trung bình 7%.

Vì vậy, gọi tăng thuế là biện pháp "cùng thắng", vừa tốt cho sức khỏe cộng đồng, vừa có lợi cho ngân sách quốc gia. Nguồn thu tăng thêm còn có thể được đầu tư cho các ưu tiên chính sách khác của Chính phủ

WHO khuyến nghị giải pháp thuế thuốc lá như thế nào cho Việt Nam trong đợt sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sắp tới và vì sao đây là hướng đi hiệu quả nhất hiện nay, thưa bà?

Để hỗ trợ các quốc gia ra quyết định về thuế thuốc lá, WHO đã xây dựng mô hình mô phỏng thuế thuốc lá (TaXSiM), dự báo tác động của thay đổi thuế đến giá thuốc lá, tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe và doanh thu ngân sách.

WHO đã sử dụng mô hình TaXSiM để phân tích hai phương án do Bộ Tài chính Việt Nam công bố. Cả hai phương án đều là bước đi đúng hướng vì có thể làm giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới.

Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu về sức khỏe và kinh tế của Việt Nam, mức tăng thuế cần tham vọng hơn. Mô hình TaXSiM cho thấy nếu áp dụng mức thuế tuyệt đối cao hơn, với lộ trình để đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, cộng thêm mức thuế hiện tại, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm xuống còn 35,8%, đạt mục tiêu dưới 36% theo Chiến lược Quốc gia về Phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.

Mục tiêu sức khỏe và mục tiêu kinh tế có mối liên hệ mật thiết, ít người hút thuốc và tử vong vì thuốc lá đồng nghĩa với lực lượng lao động khỏe mạnh và hiệu quả hơn.

Thuế thuốc lá cao hơn cũng sẽ mang lại nguồn thu lớn, tăng thêm 29.300 tỷ đồng/năm vào năm 2030 so với năm 2020. Vì vậy, đây là khuyến nghị mạnh mẽ của WHO. Tăng mạnh thuế thuốc lá sẽ bảo vệ nguồn vốn quý giá nhất của Việt Nam, sức khỏe của người dân và hỗ trợ đất nước đạt được tương lai khỏe mạnh và thịnh vượng hơn.

WHO cảnh báo gì nếu Việt Nam không tăng thuế thuốc lá từ ngày 1/1/2026? Những tác động đối với sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế sẽ là gì, đặc biệt liên quan đến mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, thưa bà?

Tỷ lệ hút thuốc cao đang đe dọa khả năng đạt được các mục tiêu quốc gia về kiểm soát thuốc lá và sức khỏe, cũng như khát vọng trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Hệ thống thuế thuốc lá hiện tại của Việt Nam chưa phù hợp với thông lệ tốt nhất toàn cầu như WHO khuyến nghị.

Một cuộc cải cách mạnh mẽ chính sách thuế thuốc lá có thể giảm đáng kể tác động tiêu cực của thuốc lá đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đồng thời mang lại lợi ích lớn về kinh tế và xã hội.

Nếu trì hoãn cải cách, chi phí y tế và kinh tế sẽ tăng lên, Việt Nam sẽ bỏ lỡ nguồn thu ngân sách đáng kể có thể thu được.

Hiện nay có hai quan điểm sai lầm thường bị ngành công nghiệp thuốc lá lợi dụng để bảo vệ lợi nhuận: Tuyên bố sai rằng tăng thuế, tức là tăng giá sẽ dẫn đến tăng buôn lậu thuốc lá vào Việt Nam. Điều này không đúng. Bằng chứng và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, buôn lậu phụ thuộc chủ yếu vào năng lực thực thi pháp luật, không phải giá và thuế.

Bên cạnh đó là lập luận sai rằng, tăng thuế sẽ làm mất việc làm. Điều này cũng không đúng, vì khi giá thuốc lá tăng, người dân sẽ chuyển chi tiêu sang các sản phẩm khác. Đồng thời, nguồn thu tăng thêm của Chính phủ có thể được đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế hiệu quả hơn.

Bà có chia sẻ gì khi Quốc hội Việt Nam chuẩn bị thảo luận dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt?

Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ đáng kể trong cuộc chiến chống tác hại thuốc lá. Tuy nhiên, hiện đang xuất hiện những tín hiệu đáng lo ngại rằng việc sử dụng thuốc lá đang có xu hướng tăng trở lại. Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng thuốc lá điếu trong nước đã tăng hơn 17% trong giai đoạn 2021–2023, trong khi xuất khẩu chỉ tăng nhẹ.

Không có lý do gì để tin rằng xu hướng này sẽ thay đổi nếu không hành động mạnh mẽ hơn để giảm nhu cầu thuốc lá. Biện pháp mạnh mẽ hơn thông qua việc tăng thuế sẽ giúp Chính phủ đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc, qua đó bảo vệ sức khỏe và cứu sống hàng nghìn người. Việc tăng thuế thuốc lá cũng sẽ bảo vệ nguồn vốn quý giá nhất của Việt Nam, sức khỏe người dân và hỗ trợ hiện thực hóa khát vọng về một tương lai khỏe mạnh và thịnh vượng hơn.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/hanh-dong-manh-me-hon-de-giam-nhu-cau-thuoc-la-20250509104438036.htm