Hành trình ngành da giày Việt Nam chuyển mình nâng cao giá trị gia tăng
Ngành da giày Việt Nam đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vượt sóng lớn, giữ vững vị thế
Ngày 9/7/2025, tại TP. Hồ Chí Minh Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO) đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2025-2030.
Trải qua 35 năm hình thành và phát triển, ngành da giày túi xách Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên trở thành một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước. Đại hội Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2025–2030) diễn ra trong bối cảnh mới, thời điểm ngành hàng cần khẳng định rõ chiến lược phát triển bền vững, thích ứng với các yêu cầu xanh hóa, nâng cao giá trị và hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Toàn cảnh Đại hội nhiệm kỳ 2025-2030 của Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO).
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam cho biết, nhiệm kỳ VII (2019–2024) ghi dấu sự nỗ lực vượt bậc của Hiệp hội trong vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, đồng hành cùng ngành công nghiệp da giày vượt qua giai đoạn đầy biến động của nền kinh tế toàn cầu. Dưới tác động của dịch Covid-19, khủng hoảng nguyên phụ liệu, chi phí logistics tăng cao…, Hiệp hội đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên, từ xúc tiến thương mại, cập nhật chính sách, tư vấn kỹ thuật đến đào tạo nguồn nhân lực.
"Năm 2024, mặc dù đối mặt với áp lực giảm giá, yêu cầu chất lượng cao, các tiêu chí bền vững, chi phí đầu vào tăng và thiếu hụt lao động...song ngành da giày - túi xách vẫn đạt tổng kim ngạch xuất khẩu trên 27 tỷ USD, tăng 11,45% so với năm 2023... giúp Việt Nam giữ vững vị trí xuất khẩu da giày đứng thứ 2 thế giới", ông Nguyễn Đức Thuấn nhấn mạnh.

Lãnh đạo Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và đại diện Bộ Nội vụ có mặt tại Đại hội.
Một trong những động lực quan trọng giúp ngành da giày Việt Nam duy trì tăng trưởng là công tác xúc tiến thương mại được triển khai mạnh mẽ, bài bản. Dưới sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, đặc biệt là Cục Xúc tiến thương mại và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Hiệp hội LEFASO đã tổ chức hoặc tham gia hàng chục hội chợ quốc tế quy mô lớn trong nước và quốc tế… góp phần quảng bá hình ảnh ngành da giày Việt Nam, kết nối doanh nghiệp với các đối tác tiềm năng.
Đặc biệt, việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: EVFTA, CPTPP, UKVFTA… đã mở ra cơ hội lớn để ngành da giày thâm nhập sâu hơn vào các thị trường tiêu chuẩn cao. Trong các hội nghị xúc tiến thương mại chuyên ngành, Bộ Công Thương luôn nhấn mạnh vai trò chiến lược của da giày như một ngành xuất khẩu chủ lực, đồng thời cam kết tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ rào cản kỹ thuật, tận dụng ưu đãi thuế quan và thích ứng với yêu cầu xanh hóa.
Tăng nội địa hóa, chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu
Trong bối cảnh các thị trường lớn siết chặt tiêu chuẩn về môi trường, truy xuất nguồn gốc và lao động, việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, cải tiến công nghệ và xanh hóa sản xuất trở thành yêu cầu cấp thiết với ngành da giày Việt Nam.
Hiệp hội LEFASO cho biết, trong nhiệm kỳ qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư vào hệ thống ERP, ISO 14001, sử dụng vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng và tuân thủ các tiêu chuẩn phát triển bền vững như WRAP, BSCI, Higg Index… Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp giữ chân khách hàng lớn mà còn mở ra cơ hội chinh phục những thị trường khó tính.
Ngoài ra, chương trình hỗ trợ nghiên cứu và phát triển vật liệu mới, thiết kế sản phẩm độc quyền, đào tạo nhân lực chất lượng cao cũng được Bộ Công Thương và các địa phương chú trọng triển khai. Nhờ đó, ngành da giày dần thoát khỏi mô hình gia công thuần túy, từng bước chuyển sang sản xuất có giá trị, có thương hiệu.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam phát biểu.
Bước sang nhiệm kỳ VIII (2025–2030), LEFASO đặt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu ngành lên 29 tỷ USD vào năm 2025 và duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định khoảng 10% mỗi năm. Hiệp hội cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong công tác xúc tiến thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Không chỉ chú trọng sản xuất và xuất khẩu, ngành da giày Việt Nam đang hướng tới việc xây dựng thương hiệu quốc gia, nâng cao vị thế trên bản đồ ngành hàng thế giới. Theo định hướng của Bộ Công Thương, trong giai đoạn tới, các chương trình hỗ trợ phát triển thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại quốc tế sẽ tiếp tục được ưu tiên cho ngành da giày, nhất là ở phân khúc trung – cao cấp.
Ngành công nghiệp da giày túi xách Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để tăng tốc, bứt phá. Với nền tảng tích lũy từ nhiều năm phát triển, sự chủ động thích ứng từ doanh nghiệp và sự đồng hành hiệu quả của Bộ Công Thương, ngành da giày hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào một giai đoạn phát triển chất lượng cao, bền vững và tự chủ hơn.
Với nền tảng tích lũy từ 35 năm phát triển, ngành da giày túi xách Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới với nhiều kỳ vọng. Dưới sự đồng hành của Bộ Công Thương và vai trò dẫn dắt của LEFASO, ngành hướng đến mục tiêu xuất khẩu bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, chủ động thích ứng với xu thế xanh hóa.