Hành trình tiên phong cách mạng truyền hình số của Anh hùng Lao động Thái Minh Tần
Người tạo dựng VTC, người ươm mầm xuân cho truyền hình số Việt Nam... là những mỹ từ thể hiện sự kính trọng và yêu mến mà mọi người dành cho Tiến sĩ Thái Minh Tần.
"Ngày đầu ra "ở riêng" chúng tôi chỉ có một cái nhà đi mượn vẻn vẹn 20m2, mấy cái tivi đen trắng và 5 kỹ sư. Có thể gọi là thời kỳ "2 không" là không nhà xưởng, không vốn và "1 có" là có giấy phép hoạt động. Công ty phải làm mọi việc từ kinh doanh, lắp ráp thiết bị truyền hình đến mọi ngành nghề khác. Mục tiêu cao nhất là tạo ra vốn để tái đầu tư cho phát triển. Có giai đoạn cán bộ được trả lương bằng đầu thu, làm xong việc ở cơ quan lại phải tìm mối bán mới có tiền đong gạo nuôi con.
Khi bắt đầu bước sang lĩnh vực sản xuất chương trình truyền hình, tôi cũng lo lắm. Mời được mấy cán bộ trẻ ở Đài Truyền hình Việt Nam về, ngày nào tôi cũng xuống thăm, khi cho hộp sữa, lúc mang gói vitamin C để các em bồi dưỡng. Ra được chương trình đầu tiên, rồi xin được giấy phép thành lập đài truyền hình mừng rơi nước mắt".
Đó là lời tâm sự của Giáo sư thỉnh giảng, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động Thái Minh Tần, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, khi nhắc về thời "khai sơn lập quốc" và đưa VTC trở thành đơn vị tiên phong về cung ứng dịch vụ, ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình.
Đi sửa tivi khắp Hà Nội để kiếm sống
Sinh ra và lớn lên tại xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, cái nghèo và những bữa cơm không đủ no dường như đã quyện chặt với chàng trai Thái Minh Tần suốt những năm tháng tuổi thơ. Mặc dù khó khăn, thiếu thốn đủ bề, song ông vẫn miệt mài đèn sách.
Thầy Lê Văn Điều giáo viên chủ nhiệm lớp 8C, trường cấp 3 Lê Hồng Phong ngày ấy sớm phát hiện khả năng đặc biệt về học toán của cậu học trò này. Trong số 200 học trò của khóa đó, thầy đã cử Thái Minh Tần đi thi vào lớp chuyên. Và kết quả không phụ lòng tin tưởng, cậu trò Thái Minh Tần đỗ vào lớp chuyên toán đặc biệt của tỉnh.
Nói đến khả năng học toán của ông Tần, thầy Phạm San, chủ nhiệm lớp 8C trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng, lớp chuyên đầu tiên của tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ cũng chia sẻ: "Tôi là chủ nhiệm lớp chuyên toán 8C trong đó có anh Thái Minh Tần. Anh Tần là một trong những học sinh xuất sắc của lớp. Cuộc sống khi đó rất khó khăn và anh Tần là một trong những học sinh tích cực nhất cùng các bạn trong lớp 8C ngày ấy đồng cam cộng khổ đưa tập thể lớp trở thành lớp tiên tiến xuất sắc".
Sau này, khi trưởng thành, dù đủ tiêu chuẩn xét tuyển đi học nước ngoài nhưng do một số thay đổi khách quan, ông Thái Minh Tần ở lại học trong nước. Ông xin chuyển sang khoa Vô tuyến điện của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dù được xét vào khoa Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Học đến năm thứ tư, chàng trai Thái Minh Tần "xếp bút nghiên ra trận" và được phân về sư đoàn tên lửa bảo vệ Thủ đô, tham gia chiến đấu 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội, cuối năm 1972.
Tháng 9/1975, ông về học tiếp 2 năm và tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ra trường, ông Thái Minh Tần về đầu quân cho Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), thuộc bộ phận lắp đặt trang thiết bị cho tất cả các đài truyền hình trên toàn quốc.
Với đồng lương ít ỏi của một kỹ sư mới ra trường, lại trong thời buổi "thắt lưng buộc bụng", ông tìm việc làm thêm ngoài giờ để có thêm thu nhập. Ông "bất đắc dĩ" trở thành thợ sửa tivi cho nhiều người dân ở Hà Nội và được xem là một trong những thợ sửa tivi giỏi nhất thời bấy giờ.
Tuy vậy, những năm gắn bó công tác tại VTV cho ông Tần những kinh nghiệm quý báu về lĩnh vực công nghệ truyền hình. Khi đó, thị trường Việt Nam đang rất thịnh hành phát sóng truyền hình theo chuẩn analog nhưng ông đã nhìn thấy trước cần phải có một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực truyền hình, cuộc cách mạng số.
Cuộc "cách mạng" số
Ông Thái Minh Tần gia nhập làng truyền hình nước nhà với tấm bằng kỹ sư, trải qua các cương vị Phó phòng, Trưởng phòng kỹ thuật, rồi Phó Giám đốc, Giám đốc xí nghiệp Dịch vụ sửa chữa bảo hành thiết bị phát thanh - truyền hình.
Tuy nhiên, sự nghiệp truyền hình số chỉ thực sự thăng hoa khi Công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ Truyền hình Việt Nam trở thành Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC.
Đầu năm 2001, dưới sự chỉ đạo của tập thể lãnh đạo VTC, đứng đầu là Tiến sĩ Thái Minh Tần, công nghệ phát hình kỹ thuật số mặt đất theo chuẩn DVB-T được triển khai thành công tại Việt Nam. Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của giới truyền thông nước nhà.
Tuy nhiên, để có được thành quả như vậy là điều không hề đơn giản. Cuộc "cách mạng số" ấy vấp phải không ít lực cản.
"Phải mất rất nhiều công sức chúng tôi mới được cấp trên cho thử nghiệm làm truyền hình kỹ thuật số. Chúng tôi được Nhà nước cho phép thực hiện đề tài cấp Nhà nước về truyền hình số. Ban đầu, Nhà nước chỉ cho phép tiếp phát lại nội dung của VTV. Dần dần, chúng tôi chứng minh được năng lực về truyền hình số.
Thuở sơ khai, Truyền hình kỹ thuật số VTC chỉ là tổ biên tập, bây giờ VTC là Đài truyền hình. Cái được lớn nhất của chúng tôi là cả xã hội chấp nhận cho chúng tôi ra đời một đài truyền hình. Nếu không quyết tâm đổi mới, số hóa các khâu trong truyền hình, chúng tôi không thể có Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC", Tiến sĩ Thái Minh Tần từng tâm sự.
Tiếp theo việc phát sóng truyền hình số mặt đất, nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực truyền hình được VTC ứng dụng thành công. Phát sóng truyền hình di động theo chuẩn DVB-H vào năm 2006 cũng là dấu mốc quan trọng đưa Việt Nam vào danh sách một trong số ít nước đầu tiên trên thế giới thương mại hóa dịch vụ này.
Khi đa số người dân Việt Nam đang trong giai đoạn "làm quen" với truyền hình số, việc phóng vệ tinh Vinasat-1 còn ở "thì tương lai", song tại các hội nghị hay trong câu chuyện tâm tình với cán bộ chủ chốt của Tổng Công ty VTC, ông Thái Minh Tần bộc bạch: "Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao thì nhu cầu thưởng thức các chương trình hay, chất lượng cao ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhìn lại toàn cảnh truyền hình hiện nay có thể thấy ngành truyền hình đang phát triển rất mạnh về lượng mà chưa phải là chất".
Ông Tần cho rằng các loại hình truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình vệ tinh DTH… phát triển rất mạnh về số lượng, lan tỏa và trải rộng khắp các tỉnh, thành phố, cạnh tranh lẫn nhau. Sự phát triển này mang đến cho người dân nhiều lựa chọn hơn trước, song chất lượng hình ảnh và âm thanh thực sự chưa đảm bảo.
Người thuyền trưởng của VTC thời điểm đó nhìn nhận, người dân cần một hình thức truyền hình mới hiện đại hơn, với nội dung hấp dẫn, chất lượng hình ảnh rõ nét, âm thanh trung thực, sống động. Đó chính là truyền hình độ phân giải cao HDTV (High Definition Television).
Ngày 20/12/2008, VTC bắt đầu phát tín hiệu sóng truyền hình lên vệ tinh Vinasat-1 từ trạm phát sóng đặt tại 65 Lạc Trung (Hà Nội), đồng thời cho ra đời bộ thu giải mã tín hiệu truyền hình vệ tinh HD. Với bộ thu giải mã tín hiệu hiện đại này, hàng triệu khán giả của VTC có cơ hội trải nghiệm những giá trị mới từ công nghệ tiên tiến, thưởng thức các chương trình truyền hình có độ nét rất cao và âm thanh trung thực theo tiêu chuẩn HDTV.
Bộ thu giải mã tín hiệu truyền hình vệ tinh thế hệ 2 là sản phẩm mới ra đời sau hơn 1 năm nỗ lực nghiên cứu và triển khai công nghệ tiên tiến của tập thể cán bộ kỹ sư thuộc nhiều đơn vị, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tiến sĩ Thái Minh Tần.
Với việc đưa ra thị trưởng sản phẩm bộ thu giải mã HD và phát sóng qua vệ tinh, VTC đưa sóng truyền hình với chất lượng cao nhất tới mọi vùng đất của Tổ quốc. Từ cao nguyên núi đá Đồng Văn tới mũi Cà Mau, từ Trường Sơn tới Hoàng Sa, Trường Sa.
Các kênh truyền hình do VTC phát sóng qua vệ tinh đã thu hẹp khoảng cách thông tin và văn hóa giữa các vùng miền của đất nước, vừa đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao ở các đô thị lớn, vừa đáp ứng mong muốn xem truyền hình từ nhiều năm nay của người dân vùng cao, biên giới và hải đảo.
Sau Vinasat-1, VTC mua thêm nhiều bộ phát đáp của vệ tinh AsianSat5. Với việc sử dụng song song vệ tinh Vinasat-1 và AsianSat5, thời điểm đó, VTC cung cấp tới 100 kênh truyền hình với 5 gói dịch vụ khác nhau, trở thành đài truyền hình cung cấp số lượng kênh lớn nhất Việt Nam.
Các gói kênh của VTC cung cấp đầy đủ và phong phú nội dung từ giải trí, thể thao, công nghệ cho đến phong cách sống, thỏa mãn nhu cầu của đông đảo khán giả xem truyền hình tại Việt Nam.
Không chỉ Việt hóa tối đa các chương trình, khi đó, VTC còn phát các chương trình được ưa chuộng bậc nhất trên thế giới như: HBO, Star movies, CNN, BBC, TruTV, NGC Wild, NGC Advanture, Fox Crime, Fox channel, FX, Starworld, NHK, National Geographic và các kênh truyền hình tiêu chuẩn như ESPN, Star sports, Cartoon network…
Truyền hình Internet
Một trong những sự kiện mở ra chương mới trong chính sách thông tin đối ngoại của Việt Nam là tối 28/11/2003, VTC đã phát trực tuyến trên mạng Internet hai kênh VTV1 và VTV3 của Đài truyền hình Việt Nam. Đến tháng 9/2008, Chính phủ đồng ý giao Bộ Thông tin và Truyền thông thí điểm đặt hàng Tổng Công ty VTC cung ứng dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2008 - 2010.
Việc làm này mở ra giai đoạn mới trong việc tuyên truyền đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đó là khai thác công nghệ truyền thông hiện đại, chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các thông tin về thành tựu phát triển kinh tế, xã hội và giải trí đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Thông qua việc tận dụng tối ưu thế mạnh của mạng thông tin toàn cầu Internet, hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài đã có thể tiếp cận dễ dàng và thuận tiện tới các chương trình phát thanh truyền hình của Việt Nam. Chưa bao giờ, đồng bào ở xa Tổ quốc lại được nghe và xem chương trình từ Việt Nam dễ dàng đến thế.
Ngày 2/10/2006, Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho ông Thái Minh Tần và Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC.
Từng chia sẻ trước báo giới về triết lý kinh doanh, ông Tần cho biết, muốn phát triển nhanh cần phải tìm tòi và kinh doanh những dịch vụ mà chưa có doanh nghiệp nào làm, những dịch vụ đáp ứng nhu cầu sử dụng của đông đảo người dân, giá thành hạ, chất lượng cao.
Và với vai trò của người thủ lĩnh, ông đều đặt ra yêu cầu cụ thể đối với nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp cao khi tuyển dụng. Theo đó, sẽ luôn có sự mặc cả sòng phẳng với nhau, điều kiện là như thế, đáp ứng được thì làm tiếp, còn không đáp ứng được thì thay người khác.
"Nói với nhau ngay từ đầu thì dễ hơn, không ai trách tôi được. Các Phó Tổng Giám đốc tôi thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm 6 tháng 1 lần. Hai lần liên tiếp không đạt quá bán tín nhiệm sẽ bị thay thế. Có lần anh Đỗ Trung Tá khi còn làm Bộ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông phàn nàn rằng tôi thay nhiều cán bộ. Tôi đáp, tôi làm đúng vì đã mặc cả với nhau từ trước. Việc sàng lọc cán bộ như vậy mới tốt cho sự phát triển của VTC. Thành công của VTC đã chứng minh điều ấy", ông Thái Minh Tần bộc bạch.
Hơn 20 năm gắn bó, Tiến sĩ Thái Minh Tần đưa VTC từ một xí nghiệp làm dịch vụ bảo hành tivi và các thiết bị truyền hình với vỏn vẹn hơn 30 nhân viên trở thành một tổng công ty nhà nước tiên phong trong cung ứng dịch vụ, ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình. Ông nghỉ hưu từ ngày 1/1/2012.
Giáo sư thỉnh giảng, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động Thái Minh Tần, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, đã từ trần vào hồi 14h28 ngày 30/5, hưởng thọ 75 tuổi.
Lễ viếng ông Thái Minh Tần tổ chức từ 7h30 đến 8h15 ngày 1/6, tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu được tổ chức từ 8h15 đến 8h45 cùng ngày.
Linh cữu ông được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ (Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội). Lễ an táng được tổ chức từ 7h đến 9h ngày 4/6 tại Công viên tưởng niệm Thiên Đức (xã Bảo Thanh, huyện Phù Ninh, Phú Thọ).