Hạt dẻ Tứ Sơn chờ 'vang danh'…

Tôi tỉnh giấc sau một đêm ngủ rất ngon, trong tiếng bộp bộp rồi lại rào rào. Cứ như vậy, bộp bộp liên hồi, rồi lại rào rào. Nhìn qua khung cửa sổ, bên kia cánh rừng ở Tứ Sơn, gió đầu thu thổi mạnh, những người làng tất bật nhặt hạt dẻ. Hạt dẻ cứ thế lăn, dài như đời người!

Con Mực lẽo đẽo đi theo sau ông Bá. Bao giờ cũng thế, cứ khi nào ông Bá vào rừng dẻ là con Mực lại “bám càng” theo ông như hình với bóng để bảo vệ. “Có ai không…”, tiếng ông Bá vọng khắp khu rừng dẻ Tứ Sơn (tỉnh Bắc Giang) để tìm kiếm những người cũng đang đi nhặt “lộc rừng” như mình.

Lộc rừng, mùa dẻ cười

Ông Bá tuổi gần thất thập, là người làng Điểm Rèn, nơi tập trung gần 50ha rừng dẻ. Ông kể mùa thu hoạch dẻ kéo dài từ tháng 8 đến hết tháng 10 âm lịch. Vào mùa vụ, nhà nhà rủ nhau lên rừng nhặt hạt dẻ. Vì dẻ chín không đồng đều nên họ phải thu thủ công.

Tôi đi theo ông Bá, dưới những tán dẻ lớn như cánh buồm, người đứng lọt thỏm bên trong, ánh nắng len qua cành lá lao xuống mặt đất. “Rừng dẻ có từ bao giờ hả ông?”, tôi hỏi ông Bá. “Lâu lắm rồi, từ khi bé tí, tôi đã lên rừng nhặt hạt dẻ rồi”, ông Bá mỉm cười trả lời.

Người dân Tứ Sơn đi nhặt hạt dẻ, thứ hạt họ coi như "lộc của rừng".

Người dân Tứ Sơn đi nhặt hạt dẻ, thứ hạt họ coi như "lộc của rừng".

Rừng dẻ Tứ Sơn trải dài trên địa bàn 4 xã Vô Tranh, Trường Sơn, Bình Sơn, Lục Sơn (huyện Lục Nam), có diện tích khoảng 1.200 ha. Với người dân nơi đây, mỗi khi thu đến, nhìn lên tán dẻ, thấy những những chiếc gai dẻ đang “mở miệng cười”, như vậy là một mùa hạt dẻ nữa lại về.

Quả dẻ chín chuyển từ màu xanh sang màu nâu. Lớp vỏ gai ngoài chuyển sang màu vàng sẽ bắt đầu bung ra và những hạt dẻ rơi xuống đất. Nhặt hạt dẻ không phải là công việc nhàn hạ. Người dân phải dậy nhặt từ tờ mờ sáng, tỉ mẩn tìm những hạt dẻ “chơi trốn tìm” dưới lớp thảm lá khô dày đặc.

Ngắm những cây dẻ cổ thụ hai người ôm, tôi nhắc đến rừng dẻ ở Trùng Khánh (Cao Bằng). Song, ông Bá bảo dẻ Tứ Sơn khác dẻ Trùng Khánh ở chỗ quả nhỏ hơn, chỉ bằng đầu ngón tay, to lắm thì nhỉnh hơn chút ít. Hạt bé nhưng hương vị đậm đà, khó có thể quên.

Hạt dẻ là món ăn vặt vô cùng chuộng đối với người dân miền Bắc khi đông về. Thích hợp và đơn giản nhất là cho lên rang. Công thức chuẩn là hạt dẻ sau khi thu hoạch được đãi trong nước sạch để loại bỏ những hạt hỏng, hạt nổi, sau đó cho vào chảo gang rang trên bếp lửa.

Việc rang hạt dẻ cũng đòi hỏi người rang phải khéo, điều chỉnh nhiệt độ sao cho đều, nếu rang kỹ quá dẻ sẽ bị cứng khó ăn. Hạt dẻ rang đạt là những hạt dẻ đã nứt vỏ, nhân có mùi thơm và khi ăn thì dẻo. Dẻ cũng có thể tách nhân nấu xôi hoặc nấu cháo, mỗi món lại có một hương vị riêng.

Hạt dẻ bao giờ đắt?

Ông Bá là lính về hưu. Trở về quê hương, ông nhận thầu hơn 3 ha rừng dẻ. Khi thầu, người dân vừa có quyền thu hoạch, vừa có trách nhiệm bảo vệ rừng. Những năm qua, dẻ cho năng suất cao, mỗi năm gia đình ông Bá thu nhập khoảng 20 triệu đồng.

Nhưng hạt dẻ nhặt về được thương lái đến thu mua và mang đi tiêu thụ ở khắp các tỉnh thành trong nước. Cũng có những khu không có người dân thầu, vào mùa thì người dân tự do nhặt. Nếu chịu khó, tinh mắt thì thu nhập mỗi ngày cũng được 350 - 500 nghìn đồng.

Rừng dẻ đã gắn bó nhiều thập kỷ với người dân Tứ Sơn, họ vẫn đang nỗ lực tìm cách nâng cao giá trị của rừng.

Rừng dẻ đã gắn bó nhiều thập kỷ với người dân Tứ Sơn, họ vẫn đang nỗ lực tìm cách nâng cao giá trị của rừng.

Chúng tôi gặp bà Hoàn, có vẻ là người lớn tuổi nhất trong những người đi rừng hôm nay. Bà nói, do đã ngoài 70 tuổi, chân yếu, mắt mờ nên bà chỉ nhặt quanh chân núi. Ngoài trang bị găng tay và rổ đựng, bà có thêm một cái que sắt nhỏ để cào lá cho lộ hạt ra.

"Mắt tôi yếu rồi nên phải đeo kính mới nhìn được. Già rồi nên phải nhặt dưới thấp, chứ con dâu tôi lên tận đỉnh nhặt rồi, trên ấy nhiều hơn", bà Hoàn vừa nói vừa nhặt những hạt dẻ nằm rải rác trên mặt đất.

Nhà bà Hoàn cách khu Điểm Rèn gần 3 km, nhưng năm nay, cánh rừng gần nhà mất mùa nên phải sang bên này nhặt. Trung bình một tiếng nhặt được 1 kg, bà đi từ sáng sớm nên đã được chừng 5 kg. Càng lên cao càng gặp những người trẻ và khỏe hơn, số lượng họ nhặt được cũng nhiều hơn hẳn.

Không chỉ là một điểm tựa về kinh tế, rừng dẻ giống như một biểu tượng tinh thần của người dân Tứ Sơn. Vì thế, dù không mang lại giá trị cao như các loại cây khác, rừng dẻ vẫn được người dân bảo vệ.

Cũng có lúc, rừng dẻ bị xâm phạm nghiêm trọng vì hạt dẻ “vô danh”, giá rẻ, hiệu quả kinh tế không cao. Cây dẻ bị chặt để lấy đất trồng bạch đàn, trồng keo. Tuy vậy, những giá trị tinh thần vô hình nhưng mãnh liệt cuối cùng cũng thuyết phục người dân giữ lại những cánh rừng dẻ.

Với nỗ lực đưa hạt dẻ vươn ra thị trường, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Hạt dẻ Lục Nam”. Ngoài ra, địa phương đã và đang bố trí ngân sách để động viên, hỗ trợ các gia đình chăm sóc, bảo tồn rừng dẻ tự nhiên.

Mạng lưới cán bộ phụ trách lâm nghiệp ở các xã thường xuyên bám địa bàn, quản lý chặt chẽ diện tích còn lại. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện để thương nhân thu mua hạt dẻ, cung cấp đến người tiêu dùng, nâng cao giá trị và hiệu quả của loại đặc sản này.

Có lúc thăng, lúc trầm, nhưng những cây dẻ ở đây bao đời không cần chăm bón, cứ thế lớn lên, cứ lớp cây này nối tiếp lớp cây kia tạo thành rừng, ngút ngàn, xanh thẳm. Bà con nơi đây gọi dẻ là “cây vàng” cũng vì vậy. Và rồi, hạt dẻ cứ thế lăn, dài hơn đời người…

Kỳ lạ nấm dẻ đỏ quý hiếm

Trong rừng dẻ không chỉ có hạt dẻ. Để "thuyết phục" người dân giữ lại rừng, một loại nấm rất đặc biệt đã mọc lên dưới những gốc dẻ cổ thụ. Người dân Tứ Sơn gọi loại nấm này là nấm chẹo hay nấm dẻ đỏ.

Anh Nguyễn Đình Dự, ở thôn Dốc Lỉnh, xã Nghĩa Phương cho biết, nấm dẻ đỏ rất mong manh, sáng mọc tối tàn, khi hái phải nhẹ nhàng vì thân mỏng mảnh chạm mạnh vào là tan.

Điều đặc biệt là loại nấm này rất kỵ hơi người nên khi hái không dám ngồi, nếu không chỗ đó hôm sau nấm sẽ không mọc nữa. Nấm cũng rất kỵ lửa, chỉ một đám cháy từ việc dọn lá là cả mùa sau sẽ không thấy bóng dáng của chúng đâu.

“Cứ 6 kg nấm tươi sẽ thu được 1 kg nấm khô. Hiện, nấm khô được thương lái Trung Quốc thu mua với giá khoảng 1,2 triệu đồng/kg. Mùa cây dẻ rụng hạt thì nhặt hạt bán. Đến mùa nấm, tôi lại vào rừng hái nấm. Tính ra, mỗi vụ nấm, gia đình thu về vài chục triệu đồng”, anh Dự chia sẻ.

Đang mang lại giá trị rất cao, tuy nhiên, đến bây giờ, loại nấm quý hiếm này vẫn còn là một ẩn số đầy bí hiểm của rừng dẻ Tứ Sơn. Cây nấm được đem đi nhờ một số đơn vị khoa học nuôi cấy mà chưa thu được kết quả.

Để "lộc" của rừng còn mãi, người dân kỳ vọng các cơ quan chuyên môn sớm có đề án nghiên cứu về giá trị cũng như đặc tính của nấm dẻ đỏ, từ đó nâng cao giá trị của rừng.

Hiến Nguyễn

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/hat-de-tu-son-cho-vang-danh-1090067.html