Hãy cho trẻ tiêm chủng vắc xin sởi đúng lịch

Theo thông tin từ Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 23-5 đến 12-8, các bệnh viện trên địa bàn thành phố tiếp nhận 697 ca sốt phát ban nghi sởi; kết quả xét nghiệm có 346 trường hợp dương tính với bệnh sởi, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Tại Khánh Hòa, tuy chưa ghi nhận ca mắc nhưng không vì thế mà chủ quan với bệnh sởi.

Nâng độ bao phủ vắc xin để tạo miễn dịch cộng đồng

Các ca bệnh sởi ở TP. Hồ Chí Minh xuất hiện tại 57 xã, phường; 16 quận, huyện. Các địa phương có số ca bệnh cao là huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn. Theo thông tin từ Viện Pasteur Nha Trang, 7 tháng năm 2024, khu vực 11 tỉnh duyên hải miền Trung ghi nhận 59 ca sởi, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Tại tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm 2024 đến nay, qua giám sát phát hiện 21 trường hợp sốt phát ban, kết quả xét nghiệm không có trường hợp nào dương tính với sởi.

Năm 2021, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi của tỉnh đạt hơn 97,7%; năm 2022 tỷ lệ này đạt gần 95,3%; năm 2023 đạt gần 85,8%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi - rubella đạt 43%; dự kiến đến cuối năm, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi sẽ đạt hơn 95% vì sắp tới Bộ Y tế sẽ cấp bổ sung vắc xin theo nhu cầu đề xuất.

Thảo luận nhóm về truyền thông phòng, chống bệnh sởi tại lớp tập huấn ở Trung tâm Y tế TP. Cam Ranh.

Thảo luận nhóm về truyền thông phòng, chống bệnh sởi tại lớp tập huấn ở Trung tâm Y tế TP. Cam Ranh.

Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, dựa vào công cụ đánh giá nguy cơ sởi của Tổ chức Y tế thế giới, căn cứ yếu tố miễn dịch cộng đồng qua các năm, năng lực quản lý đối tượng cần được tiêm chủng, năng lực phát hiện sớm ca bệnh, điều tra ổ dịch, cắt đứt nguồn lây; kết quả chương trình tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ giám sát ca bệnh nghi sởi, đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh... thì tổng điểm đánh giá nguy cơ bệnh sởi của tỉnh ở mức thấp.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh sởi lây lan dễ dàng khi người nhiễm bệnh thở, ho hoặc hắt hơi. Cứ một ca bệnh sởi có thể lây cho 12 - 18 ca khác trong quá trình bệnh, cao hơn so với Covid-19 (1 ca nhiễm Covid-19 chỉ lây cho 2 - 5 người khác). Bệnh sởi đa phần tự khỏi và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, có những nhóm người bệnh sẽ diễn tiến nặng, bệnh gây biến chứng cho những trường hợp viêm phổi bội nhiễm, trẻ bị suy dinh dưỡng, suy giảm khả năng miễn dịch, trẻ mắc bệnh mãn tính, bệnh tim, thận, ung thư… Do vậy, để kiểm soát được bệnh sởi, phải nâng được độ bao phủ vắc xin sởi đạt 95% để tạo miễn dịch trong cộng đồng, bảo vệ được những người không thể tiêm được vắc xin, phòng lây nhiễm trong bệnh viện, quan trọng nhất là bảo vệ nhóm người có nguy cơ.

Chủ động các giải pháp phòng, chống

Bác sĩ Tôn Thất Toàn cho biết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là giảm thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi; đảm bảo phát hiện sớm ca bệnh, chùm ca bệnh, ổ dịch, xử lý kịp thời, không để dịch sởi bùng phát, lây lan trong cộng đồng. Các huyện, thị xã, thành phố đều sẵn sàng chủ động, chuẩn bị các điều kiện để ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch bệnh phát sinh tại địa phương. Chỉ tiêu đề ra trong năm 2024, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi, sởi - rubella cho các đối tượng đạt 95%; xác định chiến lược tiêm chủng phòng bệnh sởi là thực hiện tốt tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Phát ban là triệu chứng sởi điển hình, ban dạng phát sẩn, gồ trên mặt da, không ngứa hoặc ít ngứa, không mưng mủ. Ban sởi sẽ mọc tuần tự trên da theo thứ tự từ đầu, mặt, cổ; sau đó đến ngực, lưng, cánh tay và cuối cùng là bụng, mông, đùi và chân. Khi ban mọc đến chân, bệnh nhân hết sốt, ban bắt đầu lặn dần và để lại những vết thâm trên da. Bác sĩ Tôn Thất Toàn lưu ý, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm, biến chứng của nó không chỉ gây ra triệu chứng cấp tính mà có thể gây ra viêm nhiễm thần kinh, rối loạn cơ, hệ vận động, ảnh hưởng lên nhiều cơ quan trên cơ thể, có thể kéo dài như: Viêm não, viêm màng não, mù lòa. Khi trẻ em mắc sởi, hệ thống miễn dịch sẽ bị phá hủy, trẻ trở nên nhạy cảm hơn với các tác nhân gây bệnh; nguy cơ biến chứng và tử vong cũng cao hơn. Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy đưa con em đến cơ sở y tế tiêm đủ 2 mũi sởi theo lịch tiêm chủng mở rộng để tạo miễn dịch cho trẻ. Mũi 1, tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi (vắc xin sởi); mũi 2, tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi (vắc xin sởi - rubella). Với những trẻ chưa tiêm phòng hoặc trễ lịch tiêm theo hẹn, cần đến ngay cơ sở y tế, trạm y tế để được tư vấn và tiêm phòng đầy đủ cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

QUẾ LÂM (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/y-te-suc-khoe/202408/hay-cho-tre-tiem-chung-vac-xin-soi-dung-lich-15517e0/