Hệ lụy đáng báo động của thuốc lá thế hệ mới
Thuốc lá thế hệ mới tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe thanh thiếu niên, an ninh trật tự xã hội nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường.
Thuốc lá thế hệ mới là gì?
2 dạng điển hình của thuốc lá thế hệ mới là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Thuốc lá điện tử là các sản phẩm cung cấp nicotine điện tử, có cấu tạo bao gồm bộ phận pin, sạc, bộ phận gia nhiệt, dẫn dòng khí; bộ phận chứa ống đựng dung dịch điện tử. Dung dịch này thường chứa nicotine, chất tạo hương, propylene glycol và glycerin thực vật.
Thành phần chính trong thuốc lá điện tử là nicotine, đây là chất có khả năng gây nghiện cao tương tự như ma túy.
Dạng hơi của thuốc lá điện tử vẫn chứa formaldehyde, benzene và nitrosamines (chất đặc biệt có trong thuốc lá và gây ung thư), acetaldehyde và các chất gây ung thư khác, ngoài ra còn có thể có các kim loại nặng, các phân tử siêu mịn và các thành phần độc hại là các yếu tố nguy hại đối với sức khỏe.
Thuốc lá nung nóng (HTPs) có đặc tính là làm nóng thuốc lá ở nhiệt độ đủ cao để sinh ra các hạt khói cho người hút thuốc hít vào qua một hệ thống điện tử. Chúng được giới thiệu là sản phẩm ít độc hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường. Thực tế, bản chất các sản phẩm thuốc lá nung nóng này cũng chính là thuốc lá vì vậy chắc chắn gây nghiện như thuốc lá vì có chứa chất nicotine và gây hại đối với sức khỏe do có nhiều hóa chất độc hại khác tương tự như trong thuốc lá truyền thống.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dù loại thuốc lá này được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự khói thuốc lá truyền thống (bao gồm một số chất nằm trong nhóm gây ung thư như Acrolein, Volatile Organic Chemicals, Acetaldehyde, Carbon monoxide, Polycyclic Aromatic Hydrocarbons, Heavy metals, Formaldehyde).
Hiểm họa từ thuốc lá thế hệ mới
Ngày 23/11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo thông tin về thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam.
Thông tin tại Hội thảo, đại diện Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết gánh nặng về kinh tế do sử dụng thuốc lá tại Việt Nam khá nhiều, mỗi năm người Việt chi 49.000 tỉ đồng để mua thuốc lá (ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020).
Ước tính số người đang hút thuốc lá tại Việt Nam khoảng 15,4 triệu người (14,8 triệu nam và 603.000 nữ). Đáng lưu ý khi thời gian gần đây tỉ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng một cách đáng báo động.
Tại Hội thảo, bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia WHO tại Việt Nam bày tỏ mối lo ngại về thuốc lá thế hệ mới đang thu hút giới trẻ và có thể làm ảnh hưởng đến tương lai của cả một thế hệ nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm phân tích: “Gần đây có thông tin đưa ra con số thuốc lá điện tử giảm hại 95% chỉ là do một nhóm các chuyên gia tự phong đưa ra, mà không có bằng chứng đáng tin cậy nào. WHO trong tuyên bố ngày 27/7/2020 nêu rõ việc giảm phơi nhiễm một số hóa chất trong khói thuốc lá nung nóng (HTPs) so với thuốc lá không đồng nghĩa giảm nguy cơ sức khỏe với con người. Mặt khác, một số chất độc trong khói HTPs còn cao hơn so với trong khói thuốc thông thường và còn có một số hóa chất mới không có trong khói thuốc thông thường."
Bác sỹ Lâm nhấn mạnh thuốc lá điện tử tạo nồng độ nicotine cao và ảnh hưởng xấu tới sự phát triển não trẻ em, vị thành niên. Trong khi đó với mỗi người, não tiếp tục phát triển đến 25 tuổi. Thêm vào đó, nicotine có thể đi qua nhau thai và được cung cấp trong thời kỳ mang thai dẫn đến nhiều hậu quả bất lợi, bao gồm hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, giảm thính lực và béo phì.
Ông cảnh báo: “Sử dụng nicotine ở tuổi thiếu niên gây hại cho các phần của não kiểm soát sự chú ý, học tập, tâm trạng. Sử dụng nicotine ở tuổi vị thành niên cũng có thể làm tăng nguy cơ nghiện các chất gây nghiện khác trong tương lai."
WHO khuyến cáo nên duy trì và tăng cường các quy định luật pháp hiện tại về cấm nhập khẩu và bán để ngăn ngừa sự gia tăng nhanh chóng tỉ lệ sử dụng trong giới trẻ. Đồng thời, tăng cường thực thi quy định chống buôn lậu, quảng cáo, và bán các sản phẩm này.
Tỉ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới ở giới trẻ có xu hướng tăng
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), cho hay tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, đặc biệt là nam giới. Đáng lo ngại hiện nay có nhiều sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được bán tràn lan trên mạng xã hội.
Tỉ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020 chung trên toàn quốc tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%), trong đó nam giới tăng 14 lần (từ 0,4% lên 5,6%), nữ giới tăng 10 lần (từ 0,1% lên 1%).
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030, co số này sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Hiện có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Nghiên cứu của Bệnh viện K cho thấy tỉ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra trên thế giới khoảng 1 - 2% GDP, tại Việt Nam khoảng 1% GDP.
Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỉ lệ sử dụng thuốc lá cao.
Nhiều thống kê cho thấy tỉ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới ở các thành phố có xu hướng tăng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, giới trẻ.
Nghiên cứu của Hội Y tế công cộng Việt Nam năm 2020 cho thấy tỉ lệ thanh thiếu niên 15-24 tuổi ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang sử dụng thuốc lá điện tử trong năm 2020 là khá cao, với tỉ lệ chung là 7,3%, tỉ lệ này ở nam giới là 9,1% và nữ giới là 4,6%; phần lớn người sử dụng thuốc lá điện tử nằm ở độ tuổi 18 - 24.
Nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Hà Nội, năm 2020 do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020 cho thấy tỉ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8 - 12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10 - 12 là 12,6%. Tỉ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường.
Đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới
Về vấn đề pháp lý, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết hiện nay Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Việc cho phép thí điểm lưu hành thuốc lá mới có những tác động tiêu cực, đặc biệt là tăng chi phí quản lý và tổ chức thực hiện. Khi đó, Nhà nước cần phải đầu tư nhân lực, năng lực quản lý, giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh do thuốc lá mới, đặc biệt là hành vi, lối sống tệ nạn của giới trẻ, từ đó gây tăng chi phí quản lý nhà nước, nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý.
Theo bà, "việc cho phép nhập khẩu thuốc lá mới không chống thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước mà ngược lại nhà nước sẽ bị giảm nguồn thu thuế do sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước bị kiểm soát, khống chế sản lượng tiêu thụ, mức thu thuế trong tổng cho phép. Việt Nam hiện không sản xuất thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nên việc cho phép nhập khẩu các sản phẩm này chỉ có các các sản phẩm nhập khẩu của doanh nghiệp thuốc lá nước ngoài."
Do đó, nguồn thu không tăng mà còn tăng chi ngân sách đối với an sinh xã hội, giải quyết gánh nặng bệnh tật, tử vong do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Các chi phí mà Nhà nước và người dân phải gánh chịu khi cho phép lưu hành, sử dụng các sản phẩm độc hại này bao gồm sức khỏe người dân đặc biệt là thanh thiếu niên - thế hệ tương lai của đất nước, kinh tế, xã hội và môi trường là vấn đề lớn mà ngay cả các nước đang cho sử dụng sản phẩm này cũng chưa thể tính toán hết được.
Bộ Y tế nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam là không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.