Hết cơ hội với các dự án bán nhà 'tay không bắt giặc'

Có nhiều điểm được quan tâm ở Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) có hiệu lực từ ngày 1-8-2024, trong đó, kiểu làm ăn chộp giật của những chủ đầu tư thiếu thực lực, vi phạm đạo đức kinh doanh đã bị các quy định pháp lý siết chặt. Việc sửa đổi luật lần này đã bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người mua nhà dự án, đặc biệt là các dự án hình thành trong tương lai.

Tại điểm 5 Điều 23 của Luật Kinh doanh bất động sản quy định cụ thể nguyên tắc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai: “Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng...”.

Tại điểm 1 Điều 25 cũng quy định: “Việc thanh toán trong mua bán nhà ở, công trình xây dựng... hình thành trong tương lai được thực hiện nhiều lần, lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng bao gồm cả tiền đặt cọc, những lần tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng nhưng tổng số không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà ở, công trình xây dựng...”.

 Ảnh minh họa: VGP

Ảnh minh họa: VGP

Luật cũng quy định chặt chẽ về mặt pháp lý để tránh tình trạng dự án mới chỉ trên giấy, chưa hề xây dựng nhưng đã huy động tiền của người mua qua hình thức đặt cọc, hợp đồng mua bán, góp vốn... Cũng theo luật, trước khi huy động vốn, chủ đầu tư dự án phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, quy định của luật lần này đã thanh lọc những chủ đầu tư không có năng lực, thậm chí “tay không bắt giặc”. Chính vì trước đây không có quy định cụ thể về việc đặt cọc nên nhiều chủ đầu tư yêu cầu người mua đặt cọc vô tội vạ, thậm chí cả những dự án không có thực. Phần thanh toán lần đầu và các lần tiếp theo cũng rất tùy tiện, chỉ có lợi cho chủ đầu tư.

Nhiều dự án nhà ở khi người mua đã thanh toán gần hết tiền mới biết rằng dự án không đủ thủ tục pháp lý nên không đủ điều kiện được cấp các loại giấy tờ, nhà không thể bàn giao, hoặc đã bàn giao nhưng không thể cấp “sổ đỏ”, “sổ hồng”. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khiếu kiện dai dẳng giữa người mua và chủ đầu tư dự án.

Với mỗi người dân, mua được căn nhà để ở là việc cả đời người. Số tiền họ bỏ ra là mồ hôi, công sức lao động tích cóp. Có nhiều người đã mất trắng khi mua phải các dự án rởm, dự án không khả thi. Điều này xảy ra một phần do người mua nhà thiếu hiểu biết, nhưng họ cũng có rất ít cơ hội lựa chọn, trong khi một số chủ đầu tư làm ăn không chân chính, có chủ đầu tư là lừa đảo. Mặt khác, chính quy định của pháp luật chưa chặt chẽ trong lĩnh vực này cũng là nguyên nhân một phần.

Những quy định trong luật mới được kỳ vọng làm minh bạch thị trường BĐS, lấy lại niềm tin bấy lâu cho người mua nhà.

NGUYỄN TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/het-co-hoi-voi-cac-du-an-ban-nha-tay-khong-bat-giac-788226