Hết lòng chăm sóc mẹ chồng tai biến, đến khi đọc bản di chúc, con dâu nghẹn ngào không nói nên lời

Chứng kiến mọi chuyện và nghe chị tâm sự, tôi thương chị rất nhiều. Rồi bất giác, tôi nghĩ đến hoàn cảnh của mình, sợ rằng bản thân sẽ bị đối xử giống chị…

Tôi 30 tuổi, lấy chồng hơn 4 năm và chưa có con. Vợ chồng tôi đã đi khám nhưng chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể là gì. Tuy nhiên, trong mắt nhà chồng, tôi nhiều lần bị quy chụp chính là lý do khiến chúng tôi hiếm muộn. Vì chuyện này, mối quan hệ giữa tôi và gia đình nhà chồng cũng không thực sự tốt đẹp.

Thế nhưng, hôm nay, tôi viết những dòng này không phải để kể về cuộc sống làm dâu của tôi hay hành trình tìm con của hai vợ chồng. Mà tôi viết về một người phụ nữ - người chị đồng nghiệp mà tôi luôn yêu mến nhưng cuộc đời lại lắm éo le…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chị là Hương (xin được đổi tên), làm cùng tổ với tôi ở công ty may. Cả tôi và chị đều không phải là người ở đây mà cùng làm dâu xứ này. Và cùng có điểm chung là… chưa có con.

Ngày mới vào công ty, tôi luôn được chị giúp đỡ, chỉ bảo. Khi bắt đầu thân nhau và chia sẻ nhiều hơn, tôi mới hiểu hoàn cảnh của chị. Chị là con cả trong gia đình có tới 6 anh chị em ở một vùng nông thôn. Nhà nghèo, bố mẹ lại mất sức lao động sớm, chị sớm phải nghỉ học, bươn chải để lo cho các em, đỡ đần bố mẹ.

Mãi đến khi các em khôn lớn, trưởng thành, có thể tự lo cho cuộc sống riêng, chị mới nghĩ đến chuyện kết hôn. Thế nhưng, cũng vì lam lũ sớm, chị trông già trước tuổi khiến duyên muộn lỡ thì.

Năm 31 tuổi, chị mới lấy chồng qua mai mối của một người bà con xa. Chồng chị khi ấy cũng vừa đổ vỡ hôn nhân với người vợ trước và có một cậu con trai 4 tuổi. Ban đầu, chị sợ cảnh mẹ kế con chồng nhưng khi gặp cậu bé, lòng trắc ẩn trong chị lại trỗi dậy.

Không hiểu vì yêu, vì thương hay vì một lý do khó lý giải nào đó, chị lại đồng ý kết hôn. Và một đám cưới đơn giản đã được diễn ra sau đó không lâu.

Sau khi cưới, chị chuyển về sống cùng mẹ chồng và cậu con trai chồng. Chồng chị làm lái xe nên thường xuyên vắng nhà, mình chị phải quán xuyến mọi việc trong gia đình. Dù không có nhiều tiền nhưng chị vẫn luôn lo chu đáo cho mẹ chồng và con riêng của chồng. Chị nói, thực tâm, chị luôn coi đứa trẻ như con ruột của mình mà tận tâm chăm sóc.

Thế nhưng, 1 năm, 2 năm rồi đến 3 năm, chị vẫn chưa có tin vui. Việc này cũng khiến mẹ chồng chị không hài lòng. Rồi biến cố xảy đến khi chồng chị gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng và qua đời tại bệnh viện do chấn thương quá nặng. Vậy là chị thành góa phụ khi chưa kịp có mụn con bên cạnh. Song đó chưa phải là bi kịch của chị.

Sau khi con trai duy nhất qua đời, mẹ chồng chị vì quá đau buồn nên bị tai biến, phải nằm một chỗ. Vậy là gánh nặng lại chồng chất trên vai chị. Vừa đi làm, vừa chăm mẹ chồng bệnh tật vừa phải lo cho cậu con trai của chồng quá cố.

Áp lực đè nặng khiến chị quay cuồng. Chị kể, nhiều đêm mẹ chồng đau đớn, chị hầu như không được chợp mắt mà thức cả đêm để chăm bà. Sáng lại đi chợ mua đồ nấu cháo cho bà ăn mà không một lời kêu ca, phàn nàn.

Gần 5 năm qua, chị không thể đếm được đã thức trắng bao nhiêu đêm hay đã tủi thân rơi nước mắt bao nhiêu lần vì nghĩ thương cho phận mình. Chị hầu như cũng không còn thời gian để về thăm bố mẹ đẻ vì mẹ chồng không thể một ngày vắng chị.

Hàng xóm xung quanh, ai cũng ngưỡng mộ và thầm cảm phục tấm lòng của chị với mẹ chồng vì hiếm có nàng dâu nào có thể làm được điều đó giống chị.

Vậy mà, cách đây không lâu, khi mẹ chồng chị qua đời, mọi người bàng hoàng trước bản di chúc bà đã âm thầm nhờ một người cháu họ thuê luật sư lập lúc con dâu đi làm.

Khi từng câu, từng chữ được vang lên và tên người thừa kế toàn bộ nhà cửa, đất đai đều thuộc về bé D. – con trai của chồng chị, chị như lặng người đi.

Bà để lại tài sản cho cháu nội, đó cũng là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, điều khiến chị tủi thân đến rơi nước mắt là trong bản di chúc, mẹ chồng không một dòng nhắc đến tên chị. Không một lời cảm ơn, không một câu dặn dò…

Chị không oán trách mẹ chồng, chỉ thấy lòng nặng trĩu. Chị nói, chị vẫn ở lại để hương khói cho bà và chăm con riêng của chồng đến khi bé không cần chị nữa. Lúc ấy chị sẽ rời đi, rời đi một cách thanh thản.

Chứng kiến mọi chuyện và nghe chị tâm sự, tôi thương chị rất nhiều. Rồi bất giác, tôi nghĩ đến hoàn cảnh của mình. Tôi cũng chưa có con, chưa được coi là có "sợi dây gắn kết" với gia đình nhà chồng. Liệu rằng, trong mắt nhà chồng, tôi có phải vẫn là "người dưng", vẫn là nàng dâu khác máu tanh lòng hay không?

Tôi mơ hồ nghĩ, tại sao phụ nữ lại khổ đến vậy. Hết lòng hy sinh cho nhà chồng để rồi nhận lại cái kết phũ phàng, đau đớn như vậy, liệu có phải quá nghiệt ngã?

M.Lan

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/het-long-cham-soc-me-chong-tai-bien-den-khi-doc-ban-di-chuc-con-dau-nghen-ngao-khong-noi-nen-loi-172250707160801396.htm