Hiệu quả chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm

Chương trình cho vay giải quyết việc làm từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã trở thành một trong những giải pháp hữu hiệu giúp người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định.

Gần một năm trước, cuộc sống của gia đình chị Hoàng Thị Tâm, xóm 5, Vĩnh Quang, phường Nùng Trí Cao còn bộn bề khó khăn. Hai vợ chồng làm thuê bấp bênh, nuôi hai con nhỏ, lại không có vốn đầu tư sản xuất. Được sự hỗ trợ từ Hội Phụ nữ, chị Tâm làm hồ sơ vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm. Chị đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống và cải tạo khu vườn để trồng rau an toàn theo mùa vụ. Đến nay, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị đã mang lại nguồn thu nhập ổn định gần 10 triệu đồng/tháng.

Không riêng chị Tâm, hàng nghìn hộ dân tại các địa phương trong tỉnh cũng đã và đang tiếp cận nguồn vốn chính sách để phát triển kinh tế hộ gia đình. Anh Triệu Tòn Khe, xóm Khuổi Mỵ, xã Ca Thành cho biết: Năm 2021, tôi được vay 100 triệu đồng để nuôi trâu sinh sản kết hợp trồng rừng. Đến nay, đàn trâu đã phát triển ổn định, rừng bắt đầu cho khai thác, mỗi năm ước thu nhập gần 40 triệu đồng. Ở quê có đất, có sức lao động nhưng trước đây thiếu vốn nên khó phát triển. Nhờ có chương trình vay vốn giải quyết việc làm, tôi mới dám đầu tư lâu dài, giờ thì cuộc sống ổn định hơn rồi.

Xác định chương trình cho vay giải quyết việc làm là một trong những chương trình quan trọng, hằng năm NHCSXH tỉnh chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội đoàn thể nhận ủy thác đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, thực hiện rà soát đối tượng có nhu cầu vay vốn, giải ngân nguồn vốn kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Các điểm giao dịch của NHCSXH tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Các chương trình tín dụng chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, giúp bà con có điều kiện tiếp cận với dịch vụ tài chính, dịch vụ tín dụng ưu đãi của Nhà nước để phát triển kinh tế. Chất lượng tín dụng được đảm bảo, nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi giải ngân đến đúng đối tượng, hầu hết các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích. Trong đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm hằng năm đã tạo điều kiện cho trên 1.000 lao động địa phương có việc làm ổn định. Đến nay, tổng dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm đạt trên 2.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh duy trì mô hình Phiên giao dịch xã, phường hằng tháng giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn chính sách tín dụng để khởi sự kinh doanh.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh duy trì mô hình Phiên giao dịch xã, phường hằng tháng giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn chính sách tín dụng để khởi sự kinh doanh.

Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Đặng Trung Hồng cho biết: Chương trình cho vay giải quyết việc làm không chỉ đơn thuần là hỗ trợ vốn mà còn tạo động lực để người dân chủ động phát triển sinh kế, từng bước thoát nghèo bền vững. Với đặc thù địa hình chia cắt, kinh tế còn khó khăn, nguồn vốn chính sách đã giúp mở ra nhiều cơ hội thay đổi cuộc sống cho bà con trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa.

Để nguồn vốn đến đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả, thời gian qua, các tổ chức hội nhận ủy thác thực hiện tốt công tác phối hợp kiểm tra, giám sát cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo các nhiệm vụ đã ký cam kết; tham gia giao ban hằng tháng, quý với NHCSXH, đề ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý các trường hợp nợ quá hạn và hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro và tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ, cam kết sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi đúng kỳ hạn. Các tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện tốt việc cộng đồng trách nhiệm, hỗ trợ trả nợ gốc và lãi kịp thời cho thành viên trong tổ khi họ gặp khó khăn không có khả năng trả nợ. Nhờ vậy, nợ quá hạn và rủi ro chỉ chiếm dưới 0,3% tổng dư nợ.

Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Lương Thị Duyên, tổ 9, Sông Bằng, phường Nùng Trí Cao chia sẻ: Tổ tôi có trên 34 thành viên, tổng dư nợ trên 4 tỷ đồng. Các hộ vay chủ yếu làm nông nghiệp hữu cơ hoặc chăn nuôi. Mình không chỉ quản lý sổ sách, mà còn nhắc nhở bà con trả nợ đúng hạn, hướng dẫn cách chi tiêu, hạch toán lời lãi sau mỗi vụ.

Bằng việc phân công tổ chức đoàn thể làm đầu mối quản lý nguồn vốn, người dân không chỉ được tiếp cận nhanh, mà còn được hỗ trợ thường xuyên trong quá trình sử dụng vốn, giảm thiểu rủi ro và tránh tình trạng vay sai mục đích.

Vân Khánh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/hieu-qua-chuong-trinh-tin-dung-cho-vay-giai-quyet-viec-lam-3178573.html