Tín dụng tiêu dùng: Trở lại đường đua
Tài chính tiêu dùng đã phục hồi nhờ vào nỗ lực xử lý nợ xấu và môi trường kinh doanh ổn định hơn - dẫn đến tỷ lệ nợ xấu phát sinh mới và chi phí tín dụng giảm…

Các tiêu chuẩn cho vay đang được thắt chặt thông qua việc rút ngắn kỳ hạn và giảm quy mô khoản vay
“Bắt” điểm rơi
“Con gà đẻ trứng vàng” của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (mã VPB) đang quay trở lại và đang được giới phân tích “cộng vào” tiềm năng tăng giá cổ phiếu của ngân hàng này.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán SHS, lợi nhuận trước thuế của VPBank trong năm 2025 dự kiến đạt 23.671 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm trước. Trong đó, FE Credit cùng với VPBankS và OPES sẽ đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh chung của ngân hàng. Trong khi đó, định giá cổ phiếu VPB cũng đang ở mức hấp dẫn. Hiện tại, VPB giao dịch với PB forward (P/B fw) là 0,9x - thấp hơn mức trung bình ngành là 1,32x. Thị trường cũng chứng kiến sau một thời gian dài “nặng mông”, cổ phiếu VPB bắt đầu nhúc nhích từ tháng 5/2025 với một số phiên tăng trần…
Việc FE Credit được nhắc tới trong câu chuyện của cổ phiếu VPB có lý do riêng. Công ty tài chính tiêu dùng này từng được gọi tên “con gà đẻ trứng vàng” của VPBank với thị phần dẫn đầu và đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào lợi nhuận của ngân hàng mẹ.
Tuy nhiên, từ năm 2021, FE Credit bắt đầu đối mặt với những khó khăn do tác động của dịch Covid-19, suy thoái kinh tế, kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn từ Ngân hàng Nhà nước và đặc biệt là áp lực từ tỷ lệ nợ xấu gia tăng.
Cũng theo báo cáo của SHS, dư nợ của FE Credit giảm từ mức đỉnh hơn 75.000 tỷ đồng năm 2021 xuống mức thấp nhất vào năm 2023. Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, dư nợ lại tăng lên 67.000 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, các khoản giải ngân mới tăng tới 42%, phản ánh nhu cầu tín dụng tiêu dùng đã có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ và đây là lý do FE Credit lại xuất hiện trong các báo cáo tích cực của VPBank.
Đà phục hồi nhiều thách thức
Để đảm bảo an toàn, các công ty tài chính đang chuyển sang các phân khúc rủi ro thấp hơn như cho vay hàng tiêu dùng, xe 2 bánh thông qua hợp tác với các chuỗi bán lẻ.
Liên quan đến thị trường tài chính tiêu dùng, ông Phan Duy Hưng - Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp VIS Rating nhận định, năm 2024, năng lực tín nhiệm của các công ty tài chính tiêu dùng đã phục hồi từ mức đáy năm 2023, nhờ vào nỗ lực xử lý nợ xấu và môi trường kinh doanh ổn định hơn, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu phát sinh mới và chi phí tín dụng giảm. Tuy nhiên, có sự phân hóa trong ngành khi các rủi ro vĩ mô, bao gồm việc Mỹ tăng thuế quan, sẽ làm lu mờ triển vọng của ngành trong 12-18 tháng tới.
Ví dụ, các công ty tập trung cho vay hàng tiêu dùng và xe 2 bánh rủi ro thấp hơn có thể duy trì chất lượng tài sản và lợi nhuận ổn định, trong khi các công ty tăng cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn. Những điểm yếu cố hữu về nguồn vốn và thanh khoản sẽ tiếp tục hiện hữu. Việc các công ty phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn, dễ bị tác động bởi niềm tin thị trường, càng làm nổi bật vai trò quan trọng của sự hỗ trợ liên tục từ phía cổ đông.
Theo ông Hưng, các công ty sẽ áp dụng chiến lược kinh doanh thận trọng hơn để đối phó với rủi ro tài sản gia tăng và biến động vĩ mô. Với quy mô cho vay tín chấp lớn dành cho các khách hàng thu nhập thấp - vốn chưa được các ngân hàng khai thác, ngành tài chính tiêu dùng vẫn dễ bị ảnh hưởng trước các biến động vĩ mô và rủi ro gian lận từ phía khách hàng trong 5 năm qua. Việc Mỹ tăng thuế quan có thể tác động tiêu cực đến thu nhập và khả năng trả nợ của khách hàng. Để ứng phó, các công ty như FE Credit, MAFC và Shinhan Finance đang chuyển sang các phân khúc rủi ro thấp hơn như cho vay hàng tiêu dùng và xe 2 bánh thông qua hợp tác với các chuỗi bán lẻ.
“Trong khi đó, Mcredit đang tích cực ứng dụng dữ liệu khách hàng từ các bên thứ ba nhằm nâng cao khả năng sàng lọc khách hàng và phát hiện gian lận sớm. Các tiêu chuẩn cho vay đang được thắt chặt thông qua việc rút ngắn kỳ hạn và giảm quy mô khoản vay, hạn chế khách hàng mới vay tiền mặt và điều chỉnh sản phẩm thẻ tín dụng để thúc đẩy việc sử dụng dựa trên tiêu dùng. Trong thời gian tới, năng lực tín nhiệm giữa các công ty tài chính tiêu dùng sẽ phân hóa - các công ty tập trung vào các phân khúc rủi ro thấp hơn có khả năng duy trì ổn định, trong khi những công ty gia tăng cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng phải đối mặt với rủi ro tài sản cao hơn”, ông Hưng cho hay.
Cũng theo ông Hưng, lợi nhuận toàn ngành sẽ cải thiện nhẹ, trong khi các công ty tập trung cho vay tiền mặt phục hồi chậm hơn. Kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận trên tài sản bình quân (ROAA) sẽ cải thiện nhẹ nhờ biên lãi ròng (NIM) ổn định từ cho vay tiêu dùng có lợi suất cao. Tuy nhiên, những bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ làm giảm nhu cầu tín dụng và các công ty tập trung cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng như Mcredit, FE Credit và SHBFinance có khả năng sẽ phải đối mặt với chi phí tín dụng cao do gia tăng rủi ro tài sản. Trong khi đó, một số công ty đang tinh giản hoạt động bằng cách số hóa quy trình tiếp cận khách hàng và mở rộng hợp tác với các nhà bán lẻ, ví điện tử, nền tảng thương mại điện tử và nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.
“Hỗ trợ từ cổ đông đóng vai trò then chốt để khắc phục những điểm yếu cố hữu về nguồn vốn và thanh khoản. Bởi thanh khoản vẫn là điểm yếu chính của các công ty tài chính tiêu dùng, do sự phụ thuộc vào nguồn vốn thị trường - vốn dễ bị ảnh hưởng bởi niềm tin của nhà đầu tư - để duy trì hoạt động cho vay cốt lõi. Những công ty phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn sẽ dễ bị tổn thương trước các cú sốc thanh khoản. Để hạn chế rủi ro này, các công ty tăng cường tận dụng sự hỗ trợ tài chính từ cổ đông, đồng thời đa dạng hóa nguồn vốn từ phát hành trái phiếu dài hạn và tận dụng mạng lưới tiền gửi của các ngân hàng mẹ”, ông Hưng nhấn mạnh.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tin-dung-tieu-dung-tro-lai-duong-dua-post372989.html