'Đòn bẩy' giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
Thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Nghị định 28), Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) Tuyên Hóa đã chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến với người dân.

Tín dụng chính sách xã hội giúp đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo - Ảnh: L.Chi
Phó Giám đốc PGD NHCSXH Tuyên Hóa Phan Hùng Cường cho biết, chương trình cho vay theo Nghị định 28 là chủ trương lớn, có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương đối với ĐBDTTS. Qua đó, giúp bà con có nguồn vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi và xây dựng nhà ở, yên tâm lao động, sản xuất, từng bước giảm nghèo bền vững.
Theo Nghị định 28, NHCSXH được giao thực hiện 4 chương trình cho vay, gồm: Hỗ trợ đất ở, cho vay hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề. Theo đó, các đối tượng hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng ĐBDTTS và miền núi sẽ được vay vốn hỗ trợ đất ở với mức cho vay tối đa 50 triệu đồng/hộ, lãi suất cho vay 0,25%/tháng, thời gian vay tối đa 15 năm; vay vốn hỗ trợ làm nhà ở với mức cho vay tối đa 40 triệu đồng/hộ, lãi suất cho vay 0,25%/tháng, thời gian vay tối đa 15 năm; vay vốn hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề với mức cho vay tối đa 77,5 triệu đồng/hộ, lãi suất cho vay 0,275%/tháng, thời gian vay tối đa 10 năm.
Để thực hiện kịp thời và hiệu quả nghị định này, PGD NHCSXH Tuyên Hóa đã chủ động phối hợp rà soát các đối tượng được thụ hưởng chính sách và tham mưu chính quyền địa phương phê duyệt danh sách, bảo đảm đúng đối tượng thụ hưởng. Qua đó, giúp các hộ nghèo, cận nghèo vùng ĐBDTTS kịp thời tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để xây nhà ở, chuyển đổi nghề, đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Đến nay, tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 28 trên địa bàn xã Tuyên Lâm là hơn 1,6 tỉ đồng, với 20 hộ vay. Hầu hết ĐBDTTS sau khi được vay vốn đều đầu tư vào các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng rừng... Nhiều mô hình đã giúp bà con có thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo bền vững và không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào trợ cấp của Nhà nước.
Năm 2022, gia đình ông Hồ Xuân, bản Cà Xen, xã Tuyên Lâm được NHCSXH Tuyên Hóa cho vay ưu đãi 50 triệu đồng từ chương trình cho vay chuyển đổi nghề theo Nghị định 28 để phát triển mô hình sản xuất. Từ số tiền này, gia đình ông đã đầu tư trồng rừng và chăn nuôi lợn, bò.
Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và chăm sóc cẩn thận, rừng keo tràm của gia đình ông sinh trưởng và phát triển tốt, đàn lợn, bò đang trong quá trình sinh sản. Hiện nay, gia đình ông Xuân đang duy trì nuôi 5 con lợn thịt, 3 con bò sinh sản và 1,7ha rừng keo tràm. Mỗi năm, gia đình ông thu về từ 45-60 triệu đồng nhờ bán bò, lợn và keo tràm.
Gia đình anh Nguyễn Văn Chiến, bản Cáo, xã Tuyên Lâm là một trong những hộ thoát nghèo nhờ vốn vay từ NHCSXH. Anh Chiến cho biết, tháng 6/2023, anh được cán bộ NHCSXH hướng dẫn làm hồ sơ vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay chuyển đổi nghề theo Nghị định 28 để phát triển mô hình sản xuất.
Sau khi xây dựng chuồng trại, gia đình anh Chiến đã mua 2 con trâu và 6 con bò để chăn nuôi sinh sản. Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc chăn nuôi của gia đình anh gặp không ít khó khăn.
Không nản lòng, anh đã tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do địa phương phối hợp tổ chức, học hỏi thêm từ internet để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Đến nay, đàn trâu, bò của gia đình anh phát triển tốt, đem lại thu nhập từ 50-70 triệu đồng/năm.
Theo Phó Giám đốc PGD NHCSXH Tuyên Hóa Phan Hùng Cường, việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ tín dụng để xây dựng nhà ở, chuyển đổi nghề, đầu tư sản xuất, kinh doanh theo Nghị định 28 của Chính phủ đã góp phần tạo động lực để ĐBDTTS trên địa bàn vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan, cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền các chính sách và các chương trình vay đến ĐBDTTS, đồng thời giải ngân các gói vay kịp thời giúp người dân có vốn để đầu tư phát triển các mô hình sản xuất; giám sát việc sử dụng vốn vay, rà soát, chuẩn bị danh sách hộ có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn cho những năm tiếp theo.