Hiệu quả tổ hòa giải ở cơ sở
Những năm qua, huyện Ðiện Biên Ðông chú trọng công tác củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Từ đó góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp và giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.
Xác định vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, hàng năm UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên, tổ hòa giải; hoạt động hòa giải ở cơ sở. Sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở được ban hành, huyện chỉ đạo đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú như: Biên soạn, phát hành tài liệu; tổ chức hội nghị bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật; lồng ghép với tuyên truyền văn bản pháp luật khác; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng... Ðồng thời thường xuyên bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng cho những người thực hiện quản lý Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở; thường xuyên phối hợp, lồng ghép công tác hòa giải ở cơ sở với các phong trào tại cộng đồng dân cư, gắn công tác hòa giải với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Từ đó giúp cán bộ, nhân dân hiểu thêm về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải, tạo ý thức tôn trọng pháp luật, tăng cường sự đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Hiện nay huyện Ðiện Biên Ðông có 199 tổ hòa giải với 1.099 hòa giải viên. Thành viên tổ hòa giải chủ yếu là trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh và những người có uy tín. Hòa giải viên là người gần dân, sát dân, hiểu được hoàn cảnh, điều kiện của từng hộ dân. Các thành viên là những người có hiểu biết pháp luật và luôn nhiệt huyết trong công việc; vừa làm công tác hòa giải, vừa kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sau khi nắm tình hình các vụ việc, các hòa giải viên đã thực hiện nhiều hình thức hòa giải: Ðối thoại trực tiếp; thông qua các buổi sinh hoạt của các đoàn thể; tổ chức các buổi nói chuyện về nội dung pháp luật, giới thiệu văn bản pháp luật mới. Qua đó, đã hòa giải thành công nhiều vụ việc phát sinh tại cơ sở.
Tiêu biểu như vụ hòa giải ở tổ dân phố 1, thị trấn Ðiện Biên Ðông giữa gia đình ông Lò Văn D. với gia đình ông Lò Văn H. Theo đó phần ruộng của gia đình ông D. khai hoang từ năm 1985 tại khu vực bản Pá Chả (thị trấn Ðiện Biên Ðông) bị ông H. trồng cây rừng lấn chiếm, gây ảnh hưởng tới sản xuất. Vì quá bức xúc, ông D. đã chặt các cây trồng lấn chiếm của ông H. khiến hai gia đình xảy ra xung đột, mâu thuẫn trong thời gian dài. Trước tình cảnh đó, các thành viên tổ hòa giải đã đến từng nhà tìm hiểu sự việc và họp hai gia đình để đưa ra phương án hòa giải. Trước những lời khuyên, cách giải quyết thấu tình đạt lý, hai bên đã đồng ý phương án của tổ hòa giải đưa ra.
Ông Quàng Văn Xôn, Tổ trưởng Tổ hòa giải 1, thị trấn Ðiện Biên Ðông cho biết: Các thành viên tổ hòa giải luôn tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu để bổ sung kiến thức pháp luật, tìm ra cách giải quyết hợp lý nhất cho mỗi vụ hòa giải. Ðặc biệt, để cuộc hòa giải thành công, các thành viên phải tìm hiểu cặn kẽ sự việc, đặt mình vào vị trí của hai bên.
Nói về công tác hòa giải tại địa phương, ông Vàng A Chua, Trưởng ban Pháp chế, HÐND huyện Ðiện Biên Ðông thông tin: Từ năm 2020 đến nay, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận trên 600 vụ việc, chủ yếu do mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình; giữa các cá nhân phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình; tranh chấp đất đai. Các tổ hòa giải đã hòa giải thành 438 vụ việc, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân, giảm bớt đơn thư khiếu nại, tố cáo, ổn định an ninh trật tự tại các địa phương.
Ðể nâng cao công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian tới huyện Ðiện Biên Ðông tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải; cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên. Ðẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật tại xã, thị trấn để có nguồn văn bản cho các hòa giải viên tham khảo. Kết hợp công tác hòa giải ở cơ sở với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào xây dựng nông thôn mới.