Hình mẫu về khai thác khoáng sản gắn với phát triển bền vững

Đi giữa thung lũng Bản Ná, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên thật sự ngỡ ngàng bởi sự đổi thay, chuyển mình kỳ diệu; một vùng ký ức nhức nhối của những năm tháng trên dưới 20 năm trước về một vùng tệ nạn vàng thổ phỉ được thay bằng bát ngát màu xanh của rừng già nguyên sinh. Ở giữa thung lũng xanh ấy là điểm nhấn của bản làng Xuyên Sơn với những nóc nhà sàn có lá cờ đỏ phấp phới. Công tác an sinh xã hội được thực hiện như một hình mẫu về khai thác khoáng sản gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Ánh sáng mới giữa đại ngàn

Những năm đầu thế kỷ, tỉnh Thái Nguyên liên tục tổ chức các đợt cao điểm truy quét các băng đảng, ổ nhóm khai thác "vàng tặc" từ khắp nơi tập kết tại đây; cụ Dương Văn Phú (82 tuổi, người đàn ông già nhất bản Xuyên Sơn, xã Thần Sa) nhớ lại: chính quyền đến cửa rừng thì chúng sơ tán. Cán bộ vào đến nơi thì chỉ còn hang không, lán trống. Khi lực lượng chức năng quay ra thì chúng từ khắp các nẻo ngõ của rừng già, khe núi lại ập xuống. Chúng biến cả thung lũng Thác Kiệm, Bản Ná trở thành đại công trường khai thác trái phép. Tiếng máy khoan, máy nổ ầm ầm suốt đêm ngày. Kèm theo là cơ man những tệ nạn, hệ lụy xấu đối với người dân bản địa. Các hộ dân trong bản cho vàng tặc đào ruộng ăn chia. Phụ nữ đi gánh hàng mướn. Đàn ông đào hang, cuốc núi thuê. Trẻ em không được đến trường; bản Xuyên Sơn trước đây thanh bình trầm mặc bao nhiêu thì lúc ấy như một bãi chiến trường với ngổn ngang ụ bãi, hầm lò.

Bản Xuyên Sơn như điểm nhấn về sự trù phú giữa thung lũng vàng Bản Ná, xã Thần Sa

Bản Xuyên Sơn như điểm nhấn về sự trù phú giữa thung lũng vàng Bản Ná, xã Thần Sa

Tháng 12.2008, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định cho Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long triển khai Dự án khai thác vàng sa khoáng tại khu vực Bản Ná, xã Thần Sa.

Ngay sau khi được cấp phép, công ty đã phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND huyện Võ Nhai, xã Thần Sa và người dân xóm Xuyên Sơn tổ chức hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quyết định cấp phép. Đồng thời, phối hợp với Công ty Điện lực Thái Nguyên tổ chức kéo đường dây 35kV, xây dựng các trạm biến áp phục vụ sản xuất và sinh hoạt của gần 100 hộ dân tại xóm Xuyên Sơn.

Bản Xuyên Sơn như điểm nhấn về sự trù phú giữa thung lũng vàng Bản Ná, xã Thần Sa

Bản Xuyên Sơn như điểm nhấn về sự trù phú giữa thung lũng vàng Bản Ná, xã Thần Sa

Có thể nói, Quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên là một dấu ấn lịch sử đã đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn; cụ Lê Thị Ngâm (81 tuổi) mộc mạc so sánh, trước chúng tôi phải đi bộ cả chục cây số, vượt hàng chục con suối mới ra đến đường lớn, nay xe máy, xe ô tô đến tận cầu thang nhà sàn. Trước, nhà nào có điều kiện thì mua được máy thủy điện nhỏ đặt dưới suối chỉ để dùng thắp sáng thì nay có điện lưới của Công ty phục vụ cho cả bản sử dụng quanh năm mà không phải nộp tiền.

Đứng từ điểm cao nhìn xuống, bản nhà sàn tái định cư xóm Xuyên Sơn hiển hiện như một điểm nhấn trong bức tranh thủy mặc. Bản làng đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” với những mái ngói hồng, những lá cờ đỏ xếp hàng chỉnh đốn mang hình hài một khu phố văn minh, một làng quê châu Âu đáng sống.

Bước chuyển mình kỳ diệu

Khu tái định cư với đều tăm tắp hơn 50 ngôi nhà có cùng kích thước 400 mét vuông được Công ty hỗ trợ đồng bào xây dựng. Đường trục chính từ UBND xã về bản được mở rộng, nâng cấp. Cả bản được đầu tư miễn phí toàn bộ hệ thống điện và tiền sử dụng điện trong suốt gần 16 năm qua; chị Nông Thị Hoa (bản Xuyên Sơn) phấn khởi cho biết, những năm gần đây, những khu vực hoàn thổ sau khai thác đã được giao đất cho bà con tái sử dụng, canh tác. Cả bản có 27 hộ dân đã được cấp đất trồng lúa, tra ngô - một công việc tưởng như quen thuộc gắn bó với dân bản vậy mà đã nhiều năm giờ mới lại tìm về.

Giám đốc tổ chức hành chính Công ty Thăng Long Nguyễn Kim Quế cho biết: ngay khi bước vào thực hiện Dự án, những cam kết về sự đồng hành, chia sẻ được thực hiện như một trọng trách mà Công ty coi là chuẩn mực để xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Sự tri ân, vì dân đã được thể hiện qua chính sách ưu tiên hỗ trợ bồi thường, GPMB. Theo báo cáo của Công ty, kể từ khi đi vào hoạt động, Công ty đã nộp ngân sách Nhà nước trên 160 tỷ đồng; đóng góp kinh phí hỗ trợ các tổ chức hội, đoàn thể, gần 90 tỷ đồng, trong đó chú trọng hỗ trợ thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ bò sinh sản, xây dựng nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn, xây dựng trên 5km đường bê tông nông thôn tại khu vực xóm Xuyên Sơn, tặng nhà đại đoàn kết... để các hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách ổn định cuộc sống.

Phân trường mầm non, tiểu học hiện diện khang trang giữa trung tâm bản Xuyên Sơn, xã thần Sa

Phân trường mầm non, tiểu học hiện diện khang trang giữa trung tâm bản Xuyên Sơn, xã thần Sa

Chỉ tính riêng trong năm 2023, công ty đã đóng góp gần 30 tỷ đồng hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội. Mới đây, Công ty đã tài trợ huyện Võ Nhai xây dựng trường mầm non, tiểu học Xuyên Sơn tại khu tái định cư xóm Xuyên Sơn. Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Thần Sa, cô giáo Đinh Thị Kiều cho biết: điểm trường Xuyên Sơn trước ở tận cuối cùng thung lũng, cha mẹ và học sinh đi lại rất vất vả. Điểm trường mới khang trang, bề thế giúp cho sự nghiệp "gieo chữ" của thầy cô giáo, sự học của trẻ em ở bản vùng cao được thuận lợi hơn rất nhiều.

Bí thư Đảng ủy xã Thần Sa Lê Văn Thanh cho biết: những hỗ trợ thiết thực cho công tác an sinh xã hội không chỉ mang lại sự khởi sắc trong phát triển hạ tầng kinh tế đối với địa phương mà còn giúp bảo đảm lập lại an ninh trật tự, "điểm nóng" không còn bùng phát, tệ nạn xã hội cũng giảm rõ rệt, góp phần cải tạo môi trường sinh thái. Bản Xuyên Sơn là điểm cực Bắc của xã Thần Sa nói riêng, của tỉnh Thái Nguyên nói chung, địa bàn giáp với tỉnh Bắc Kạn này trước đây là vùng trũng cả về kinh tế lẫn văn hóa xã hội. Xuyên Sơn bây giờ là điểm sáng trong đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới.

Đi giữa thung lũng Bản Ná, thật sự ngỡ ngàng bởi sự đổi thay, chuyển mình kỳ diệu. Một vùng ký ức nhức nhối của những năm tháng trên dưới 20 năm trước về một vùng tệ nạn vàng thổ phỉ được thay bằng bát ngát màu xanh của rừng già nguyên sinh. Ở giữa thung lũng xanh ấy là điểm nhấn của bản làng Xuyên Sơn với những nóc nhà sàn có lá cờ đỏ phấp phới. Thay bởi những âm thanh chát chúa của phá đá nổ mìn ngày nào, giờ là tiếng nhạc du dương trầm bổng từ mỗi ngôi nhà không khác gì biệt thự vùng cao. Và cả tiếng rộn rã i tờ giữa trung tâm thôn bản.

Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai Bùi Thị Sen nhấn mạnh: công tác an sinh xã hội được thực hiện như một hình mẫu về khai thác khoáng sản gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài sẻ chia lợi nhuận, nguồn lực hỗ trợ to lớn đối với mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội từ phía doanh nghiệp chính là động lực thúc đẩy những địa bàn vùng sâu, vùng xa phát triển ổn định.

Bài và ảnh: THÀNH ĐỒNG

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/hinh-mau-ve-khai-thac-khoang-san-gan-voi-phat-trien-ben-vung-i376606/