Hiu hắt nghề đan lát truyền thống

Dưới tác động của cơ chế thị trường, nhiều sản phẩm mây tre đan truyền thống của các làng nghề ngày càng thu hẹp sản lượng cũng như thị trường tiêu thụ. Hiện tại, nhiều làng nghề chỉ hoạt động cầm chừng khiến thu nhập của người lao động giảm dần, có khi chỉ vài trăm nghìn đồng/người/tháng.

Thợ thủ công ở các làng nghề đan lát truyền thống hầu hết là người cao tuổi

Thợ thủ công ở các làng nghề đan lát truyền thống hầu hết là người cao tuổi

Chưa tạo dựng thương hiệu gắn với tiềm năng

Sinh sống lâu đời quanh hồ Điển Triệt, người dân thôn Yên Phú và thôn Phú Thượng, xã Tứ Yên, huyện Sông Lô có nghề đan lờ tôm truyền thống từ bao đời nay. Cách đây khoảng gần chục năm, nghề đan lờ phát triển đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.

Các hộ dân ở thôn Yên Phú, Phú Thượng hầu như nhà nào cũng làm nghề đan lờ. Nhờ đó, các gia đình đã có thu nhập, nuôi được con ăn học, xây nhà, mua sắm đồ dùng phục vụ cuộc sống.

Tuy nhiên, ngày nay, đến làng Phú Thượng sẽ chẳng ai còn được thấy những rặng tre xanh rì từng ăn đời ở kiếp với người dân nơi đây nữa. Với sự phát triển của xã hội hiện đại, những chiếc lờ đánh bắt cá tôm ngày càng ít được người dân sử dụng, thay vào đó là những thiết bị, đồ dùng hiện đại có tính ứng dụng cao hơn tre nứa.

Trưởng thôn Phú Thượng Hoàng Thế Viên cho biết: “Nếu trước đây nghề đan lát vào thời kỳ vàng son, làng nghề có hơn 300 hộ dân với 100% số hộ đều đan lờ thì nay chỉ còn khoảng gần 100 hộ vẫn duy trì giữ nghề. Bây giờ, nguyên liệu là cây tre cũng không phổ biến, giá cả bấp bênh, việc thu mua rất khó khăn.

Hơn nữa, sản phẩm bán ra thị trường với mức giá chỉ 4 - 5 nghìn đồng/sản phẩm nên thu nhập người lao động làng nghề không cao. Để hoàn thành mỗi sản phẩm lại phải trải qua từ 9-10 công đoạn, tốn thời gian, công sức mới có thể hoàn chỉnh. Do đó, nghề này chỉ tạo việc làm, thu nhập đủ sống ở vùng nông thôn chứ khó có thể phát triển”.

Nghề đan lờ ở Tứ Yên tuy đã có từ lâu đời, là nghề để người dân kiếm thêm thu nhập tranh thủ những lúc nông nhàn nhưng lại gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ do chưa tạo dựng được thương hiệu.

Mặc dù địa phương và một số chủ hàng đã tham gia hội chợ đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhưng sản phẩm vẫn chưa vươn xa, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp chưa tương xứng nghề truyền thống.

Rời Tứ Yên, đến làng nghề mây tre đan Triệu Xá, xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch cũng có chung hoàn cảnh bị mai một bởi đây cũng là nghề “công dày, lãi mỏng”. Được công nhận năm 2006, qua 16 năm duy trì và phát triển, từ hơn 800 hộ dân làm nghề mây tre đan truyền thống, hiện toàn xã chỉ còn hơn 400 hộ dân. Tổng doanh thu năm 2021 của làng nghề chỉ đạt khoảng 1,6 tỷ đồng/năm.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Đề Triệu Hồng Thắng chia sẻ: “Ngày nay, số hộ dân theo nghề cũng giảm nhiều so với trước đây. Hiện, nghề mây tre đan góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập quanh năm cho khoảng 500 lao động địa phương, chủ yếu là người già, với bình quân thu nhập từ 1- 2 triệu đồng/người/tháng. Đây là nguồn thu nhập chính của các hộ nông nhàn, không có đất và điều kiện sản xuất”.

Bởi mang tính thủ công nên tất cả các công đoạn từ chẻ, vót, ra nan, đan… đều làm bằng tay. Bình quân mỗi tháng, các hộ sản xuất trên dưới 100 sản phẩm như thúng, mủng, nong, nia, dần, sàng… để xuất bán đến các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên hiện nay, cùng với những khó khăn chung về vốn, đầu vào nguyên vật liệu, trang thiết bị, máy móc... người làm nghề còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ thị trường tiêu thụ.

Làng nghề mây tre đan vẫn chưa phát huy hết hiệu quả kinh tế do chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, lượng sản phẩm bán ra còn tùy thuộc vào từng thời điểm, mùa vụ. Bên cạnh đó, mẫu mã các sản phẩm cũng chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường tỉnh bạn, đặc biệt là sự cạnh tranh với các sản phẩm từ nhựa đang tràn ngập thị trường.

Đi tìm lời giải cho sự phát triển

Bà Nguyễn Thị An đã có hơn 40 năm theo nghề cho biết: “Nghề này chỉ giải quyết lao động nhàn rỗi, người làm thuê chỉ đủ kiếm tiền đi chợ, chứ lao động chính không ai làm. Hầu hết, thợ thủ công đều là người cao tuổi, tranh thủ đan lát khi rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập. Tiền bán sản phẩm không thấm vào đâu so với công sức tạo ra thành phẩm nên nhiều người không mặn mà với nghề.

Những người làm nghề như chúng tôi đan cả ngày được đôi thúng bé, cố gắng lắm cũng chỉ kiếm chừng vài chục nghìn đồng/chiếc, khi có khi không. Tuy luôn cố gắng truyền nghề và giữ nghề cho con cháu nhưng thế hệ trẻ ngày nay lại không thiết tha cách học đan thì làm sao có thể giữ nghề truyền thống…”.

Câu chuyện về giữ gìn nghề đan lát truyền thống cũng là nỗi niềm chung của nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Từ thực tế đó, muốn xây dựng và phát triển thương hiệu làng nghề, trước mắt, cần nâng cao nhận thức của làng nghề về tầm quan trọng của thương hiệu. Làng nghề cần xác định thương hiệu là vũ khí cạnh tranh của sản phẩm, thể hiện uy tín của đơn vị sản xuất kinh doanh.

Để làm được điều đó, làng nghề cần chú trọng hơn nữa tới công tác đào tạo nghề, đổi mới công nghệ, phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, tạo dựng uy tín, hình ảnh của thương hiệu trên thị trường.

Cùng với đó, các làng nghề, chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm, hội chợ để quảng bá sản phẩm.

Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ các làng nghề khắc phục tình trạng khó khăn về vốn, sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ và tạo tư cách pháp nhân cho các hộ sản xuất, các doanh nghiệp mở rộng giao thương hàng hóa. Có như vậy mới nâng cao được tính cạnh tranh - chìa khóa tăng trưởng của sản phẩm làng nghề trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

Bài, ảnh: Thảo My

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/77333/hiu-hat-nghe-dan-lat-truyen-thong.html