Hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu qua Cảng Quốc tế Long An

Tỉnh Long An nằm ở vị trí chiến lược, cửa ngõ của vùng Đông Nam Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thời gian qua, tỉnh tập trung đầu tư vào nhiều lĩnh vực, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông - vận tải, kết nối với các trung tâm logistics gắn với các khu công nghiệp, cảng biển nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thuận lợi trong sản xuất và xuất khẩu.

Tiềm năng về xuất, nhập khẩu rất lớn

Toàn tỉnh hiện có khoảng 900 DN tham gia xuất, nhập khẩu (XNK), đóng góp gần 7 tỉ USD về xuất khẩu và 4,3 tỉ USD về nhập khẩu năm 2023. Long An đã trở thành địa phương đứng đầu ĐBSCL về xuất khẩu, đứng trong tốp đầu các tỉnh, thành phố về kim ngạch XNK.

Hàng hóa do DN xuất khẩu sang 110 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh đa dạng. Trong đó, ngành dệt may chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu, khoảng 1,5 tỉ USD mỗi năm; ngành giày da của tỉnh tăng trưởng khá tốt, duy trì cung ứng cho các hãng giày lớn với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm khoảng 1,3 tỉ USD, chiếm gần 18%; ngành cơ khí - sắt thép - ắc-quy - điện tử đóng góp khoảng 1 tỉ USD mỗi năm, chiếm hơn 12% và có xu hướng phát triển; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản như gạo, thanh long, chanh không hạt, chuối, mít, thủy sản chế biến, cà phê chế biến, hạt điều, rau, quả đạt khoảng 1 tỉ USD, chiếm 14%;...

Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH MTV Đầu tư Quốc tế NTV (Khu công nghiệp Thái Hòa, huyện Đức Hòa) chuyên sản xuất, xuất khẩu thạch dừa, nha đam yến, hạt trân châu,...

Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH MTV Đầu tư Quốc tế NTV (Khu công nghiệp Thái Hòa, huyện Đức Hòa) chuyên sản xuất, xuất khẩu thạch dừa, nha đam yến, hạt trân châu,...

Long An là tỉnh đứng đầu khu vực ĐBSCL và tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư, nhất là đầu tư từ nước ngoài (FDI). Tuy kinh tế toàn cầu chưa qua khỏi giai đoạn khó khăn nhưng Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt hơn, những năm gần đây, Long An thu hút đầu tư FDI ngày càng nhiều; đồng thời, các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục có tác động tích cực sẽ là nền tảng để các DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu và đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế của tỉnh.

Theo Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ phát triển 10 trung tâm logistics tại các huyện: Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành, Cần Đước, Đức Huệ, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường với tổng diện tích hơn 790ha.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh trong xuất, nhập khẩu

Giám đốc Sở Công Thương - Huỳnh Văn Quang Hùng chia sẻ, với lợi thế chiến lược, giáp TP.HCM và là cửa ngõ Vùng ĐBSCL, tỉnh triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm, tạo ra một hệ thống giao thông thông suốt, huyết mạch, kết nối liên vùng, liên tỉnh mang tính chiến lược, khơi thông các điểm nghẽn về hệ thống vận tải, logistics.

Đặc biệt, các tuyến giao thông trọng điểm trong tỉnh kết nối giữa các khu, cụm công nghiệp và Cảng Quốc tế Long An góp phần giảm chi phí vận tải, logistics cho DN.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, thời gian tới, hàng hóa XNK khu vực ĐBSCL đạt khoảng 20 triệu tấn/năm. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu của khu vực khoảng 17-18 triệu tấn/năm. Đặc biệt, Long An đang tập trung thu hút đầu tư và hình thành các chuỗi logicstic trên địa bàn tỉnh, dần định hình trở thành một trung tâm logistics của vùng.

Hiện tại, Long An có 2 trung tâm logistics đã đi vào hoạt động, đó là Khu tiếp nhận kho vận - logistics 147ha Cảng Quốc tế Long An tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc; Trung tâm kho vận và dịch vụ logistics 10ha tại xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức đã hình thành 1 kho ngoại quan phục vụ XNK.

Các khu công nghiệp tại Long An đã thu hút được 206 dự án đầu tư liên quan đến hoạt động logistics như dịch vụ vận tải hàng hóa, dịch vụ cho thuê kho bãi,... với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1 tỉ USD và 29.554 tỉ đồng, tổng diện tích khoảng 600ha. Những kho lạnh tại Long An hầu hết có quy mô lớn, được các thương hiệu nổi tiếng đầu tư với hệ thống công nghệ thông minh, quy trình chuẩn quốc tế, đem đến cho các khách hàng trải nghiệm dịch vụ tốt nhất. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa XNK.

Theo ông Huỳnh Văn Quang Hùng, hiện nay, TP.HCM đã triển khai thu phí hạ tầng cảng biển đối với DN tham gia XNK cảng biển trên địa bàn. Trong khi đó, DN tham gia hoạt động XNK tại Cảng Quốc tế Long An có nhiều thuận lợi hơn do không mất phí cơ sở hạ tầng, tiết kiệm thời gian vận chuyển, giao thông thuận lợi. Đặc biệt, Cảng có chính sách ưu đãi với các khách hàng, hệ thống an ninh hiện đại, hệ thống kho bãi, kho ngoại quan thuận tiện cho tất cả các loại hình xuất, nhập hàng hóa.

Sở Công Thương tiếp tục tổ chức các hoạt động kết nối các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu qua Cảng Quốc tế Long An

Sở Công Thương tiếp tục tổ chức các hoạt động kết nối các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu qua Cảng Quốc tế Long An

Tuy nhiên, hiện nay, Cảng Quốc tế Long An chưa khai thác hết lượng khách hàng tham gia XNK tại tỉnh cũng như khu vực lân cận. Thời gian qua, Sở Công Thương tổ chức nhiều sự kiện kết nối các DN XNK, các tổ chức, DN, tập đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu xuất, nhập qua Cảng Quốc tế Long An.

Ngoài ra, để phát huy vai trò của Cảng Quốc tế Long An, tỉnh tập trung thực hiện một số nội dung: Đôn đốc Bộ Tài chính sớm có quyết định thành lập Chi cục Hải quan Cảng Quốc tế Long An; đề xuất cơ chế hỗ trợ, khuyến khích container qua Cảng Quốc tế Long An; hỗ trợ, tổ chức các hoạt động kết nối các DN XNK qua Cảng Quốc tế Long An; thúc đẩy Cảng Quốc tế Long An ký kết hợp tác với các cảng lớn trên thế giới như Cảng Oakland (Mỹ), Cảng Long Beach (Mỹ), Cảng Laem Chabang (Thái Lan).

Đặc biệt, tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cho phép Cảng Quốc tế Long An được nhập khẩu xe ôtô 16 chỗ; thực hiện các dịch vụ XNK mà chưa được phép thực hiện, cũng như bổ sung Cảng Quốc tế Long An vào các danh mục về vận tải thủy, quá cảnh theo các quy định hiện hành.

Với sự đầu tư mạnh mẽ nhằm phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, Long An sẽ trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc Vùng ĐBSCL với TP.HCM, Vùng Đông Nam Bộ và thị trường Campuchia.

Khi DN tham gia XNK thông qua Cảng Quốc tế Long An, chính quyền tỉnh tiếp tục phối hợp Cảng hỗ trợ DN nhiều chính sách, trong đó có nâng cao chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, góp phần giảm chi phí logistics cho DN. Qua đó, chính quyền tỉnh kỳ vọng Cảng Quốc tế Long An sẽ đóng vai trò là cảng biển quan trọng được nhiều DN chọn làm nơi XNK hàng hóa, đóng góp tỷ trọng lớn vào ngân sách của tỉnh, song hành cùng tỉnh phát triển KT-XH nhanh và bền vững./.

Hiện nay, TP.HCM đã triển khai thu phí hạ tầng cảng biển đối với DN tham gia XNK cảng biển trên địa bàn. Trong khi đó, DN tham gia hoạt động XNK tại Cảng Quốc tế Long An có nhiều thuận lợi hơn do không mất phí cơ sở hạ tầng, tiết kiệm thời gian vận chuyển, giao thông thuận lợi. Đặc biệt, Cảng có chính sách ưu đãi với các khách hàng, hệ thống an ninh hiện đại, hệ thống kho bãi, kho ngoại quan thuận tiện cho tất cả các loại hình xuất, nhập hàng hóa”.

Giám đốc Sở Công Thương - Huỳnh Văn Quang Hùng

Mai Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ho-tro-doanh-nghiep-xuat-nhap-khau-qua-cang-quoc-te-long-an-a176177.html