Hỗ trợ học phí để mọi học sinh được đến trường
Việc hỗ trợ học phí như món quà của TP HCM tặng học sinh, bảo đảm tất cả các em không vì học phí mà không thể đến trường
UBND TP HCM vừa trình HĐND TP HCM chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho học sinh (HS) THCS công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên THCS trên địa bàn năm học 2024-2025.
Ý nghĩa đặc biệt quan trọng
Theo đó, UBND TP HCM đề xuất mức hỗ trợ học phí cho cấp học THCS, giáo dục thường xuyên THCS là 60.000 đồng/HS/tháng đối với nhóm 1; 30.000 đồng/HS/tháng đối với nhóm 2.
Nhóm 1 là HS ở TP Thủ Đức và các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân. Nhóm 2 là HS ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ. Thời gian áp dụng là 9 tháng năm học 2024-2025. Dự kiến thành phố sẽ chi 237 tỉ đồng ngân sách để thực hiện chính sách này.
Theo UBND TP HCM, chính sách đặc thù hỗ trợ 100% học phí cho HS THCS đã nhận được phản ứng tích cực từ dư luận xã hội trong năm học 2023-2024, tạo tiền đề thực hiện lộ trình phổ cập giáo dục THCS theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, Nghị định 81/2021 về cơ chế thu, quản lý học phí và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Đồng thời, thể hiện rõ sự quan tâm đầu tư của TP HCM cho giáo dục, đi đầu trong các chính sách miễn giảm, hỗ trợ học phí, bảo đảm chất lượng giáo dục và cơ hội học tập cho người dân.
Do đó, việc xây dựng nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho HS THCS công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên THCS trên địa bàn năm học 2024-2025 là yêu cầu cần thiết, để có cơ sở pháp lý bố trí nguồn ngân sách thành phố, bảo đảm nguồn kinh phí để hỗ trợ học phí năm học 2024-2025; tạo dấu ấn, ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sự quan tâm, quyết tâm của thành phố khi thực hiện lộ trình, mục tiêu phát triển giáo dục.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, cho biết đã nhận tờ trình của UBND TP HCM. Ban Văn hóa - Xã hội đã thẩm tra tờ trình và đồng ý với đề xuất của UBND TP HCM.
Vơi bớt gánh nặng
Cô Vũ Thị Minh Hiếu, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức), cho rằng chính sách hỗ trợ học phí THCS theo như dự thảo tờ trình của UBND TP HCM là chính sách rất nhân văn, có ý nghĩa rất lớn đối với phụ huynh, HS và các cơ sở giáo dục.
Theo cô Hiếu, việc hỗ trợ học phí với mức 60.000 đồng/tháng/HS ở nhóm 1 và 30.000 đồng/tháng/HS ở nhóm 2 nếu được thông qua thì có nghĩa đã miễn học phí cho HS THCS. Phụ huynh sẽ đỡ nỗi lo gánh nặng học phí cho các con, nhất là những gia đình khó khăn. "Việc hỗ trợ học phí như món quà của TP HCM tặng HS, bảo đảm tất cả các em không vì học phí mà không thể đến trường" - cô Hiếu nhìn nhận.
Cô Hiếu cho hay thực tế tại Trường THCS Lương Định Của vẫn còn nhiều gia đình khó khăn. Năm học này, còn khoảng 20 em HS không đóng được BHYT, trong khi đây là khoản thu bắt buộc. Nhà trường đã vận động các nhà hảo tâm, các nguồn hỗ trợ để trao tặng BHYT cho những HS này.
"Học phí THCS hiện nay mỗi tháng là 60.000 đồng, nghe thì có vẻ không lớn nhưng với gia đình khó khăn thì cũng là một nỗi lo không nhỏ. Việc hỗ trợ học phí cho các em là hết sức cần thiết" - cô Hiếu nói.
Theo lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục tại TP HCM, việc UBND TP có tờ trình nêu trên là rất kịp thời trong bối cảnh thực hiện phổ cập giáo dục, tiến tới miễn học phí THCS từ năm học 2025-2026. Cô Lê Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường THCS Vân Đồn (quận 4), nhận xét chính sách này không chỉ giúp phụ huynh bớt đi nỗi lo mà nhà trường cũng nhẹ nhàng hơn. Bởi lẽ, HS sẽ yên tâm học tập, giảm nguy cơ bỏ học do khó khăn tài chính, qua đó bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục của mọi công dân.
Trước đó, HĐND TP HCM khóa X đã thông qua Nghị quyết quy định mức học phí và các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập năm học 2024-2025 và các năm học tiếp theo trên địa bàn. Theo quy định, mức học phí THCS là 60.000 đồng/tháng ở nhóm 1 và 30.000 đồng/tháng ở nhóm 2. Mức thu này bằng năm 2021-2022 song thực tế giảm hơn nhiều vì HS được hưởng thêm các chính sách miễn giảm, hỗ trợ.
Đánh giá về tác động của chính sách học phí, theo Sở GD-ĐT TP HCM, việc quy định mức học phí như trên mang lại hiệu quả tích cực. Cha mẹ HS và HS không phải chịu ảnh hưởng gánh nặng về việc tăng học phí trong trường hợp ngân sách thành phố không còn hỗ trợ; bảo đảm không HS nào vì điều kiện khó khăn mà không thể đến trường.
Tuy vậy, việc điều chỉnh mức học phí năm học 2024-2025 về lại mức học phí đã ban hành trong năm học 2021-2022 sẽ làm giảm nguồn thu của các trường, ảnh hưởng đến mức độ tự chủ tài chính tự bảo đảm chi thường xuyên mà các đơn vị đã xây dựng và được giao quyền giai đoạn 2023-2025. Việc này có thể dẫn đến phải điều chỉnh phương án tự chủ tài chính, phân loại tự chủ và mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho các đơn vị do nguồn thu bị giảm; kéo theo tiết kiệm cuối năm và thu nhập tăng thêm từ tiết kiệm cuối năm giảm, ảnh hưởng đến kinh phí hoạt động của đơn vị, chất lượng các hoạt động giáo dục và thu nhập của người lao động.
Học sinh an tâm đến trường
Từ năm học 2021-2022 đến năm học 2023-2024, nhằm kịp thời hỗ trợ, ổn định và chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, HS và người dân do ảnh hưởng của dịch COVID-19, HĐND TP HCM đã ban hành các chính sách đặc thù của thành phố hỗ trợ học phí cho tất cả các cấp học. TP HCM đã chi hơn 3.970 tỉ đồng để hỗ trợ phí cho HS trên địa bàn.
UBND TP HCM đánh giá qua 3 năm học thực hiện chính sách hỗ trợ học phí cho thấy chính sách hợp lòng dân, tạo sự an tâm và động lực cho phụ huynh có điều kiện phát triển kinh tế và sản xuất - kinh doanh, phục hồi kinh tế sau thời gian dài đối phó dịch bệnh. HS an tâm đến trường, không phải nghỉ bỏ học vì điều kiện kinh tế không có khả năng đóng học phí.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ho-tro-hoc-phi-de-moi-hoc-sinh-duoc-den-truong-19624112921091773.htm