Hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn

Chiều 23.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Xây dựng các chính sách về di sản văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, bền vững

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến nhất trí bổ sung di sản tư liệu vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị không nên tách di sản tư liệu thành một loại hình di sản mới, vì di sản tư liệu là một loại hình của di sản văn hóa vật thể hoặc di sản văn hóa phi vật thể.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bỏ cụm từ “di sản tư liệu” tại phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật. Tuy nhiên, theo Hướng dẫn Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO về di sản tư liệu, di sản tư liệu chứa đựng nội dung thông tin bằng chữ viết, ký hiệu, âm thanh, hình ảnh động hoặc tĩnh, dạng số trên hiện vật mang thông tin dưới rất nhiều dạng thức khác nhau, như văn bản, bản nhạc, bản vẽ, phim, băng đĩa, dữ liệu điện tử..., được chủ thể tạo lập có chủ ý, có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ.

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Như vậy, di sản tư liệu mang thuộc tính của giá trị thông tin, thông điệp thể hiện trên hiện vật mang thông tin, được chủ thể tạo ra có chủ ý, có thể tiếp cận, đọc và hiểu được; khác với di sản văn hóa vật thể mang tính đặc trưng của vật chất và di sản văn hóa phi vật thể mang thuộc tính đặc trưng của tinh thần không thể nhìn thấy được. Do đó, tại dự thảo Luật vẫn quy định cụ thể cơ chế, biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình di sản này.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa có trọng tâm, trọng điểm và bền vững. Quy định cụ thể các chính sách xã hội hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực; chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt về tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân người dân tộc thiểu số.

 Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính đặc thù của từng loại hình di sản văn hóa.

Theo đó, dự thảo Luật quy định ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho một số hoạt động có tính đặc thù (Điều 7); biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam (Điều 19); nguồn nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 84); đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 85); điều kiện bảo đảm cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có nguồn lực nhà nước, xã hội hóa và các điều kiện khác (Điều 82, Điều 90).

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Tiếp thu ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, quy định các chính sách cho nghệ nhân, cộng đồng, cá nhân thực hành, truyền dạy, sáng tạo, trình diễn về kinh phí, cơ sở vật chất, công cụ, đồ vật, không gian văn hóa liên quan... tại Điều 14 dự thảo Luật. Để chính sách phù hợp với từng đối tượng, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Quy định cụ thể hơn, phát huy vai trò cá nhân, cộng đồng trong bảo vệ di tích, di sản

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản đánh giá cao và thống nhất với báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo Luật; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến về các điều khoản, nội dung cụ thể và kỹ thuật soạn thảo văn bản để bảo đảm tính thống nhất đồng bộ, khả thi, phát huy hiệu, lực hiệu quả khi luật được thông qua, nhằm mục tiêu bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

 ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Góp ý vào khoản 8 Điều 9 dự thảo Luật quy định cấm các hành vi lấn chiếm, hủy hoại đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đề nghị, quy định này cần bổ sung cụm từ “di tích hỗn hợp” để bảo đảm phù hợp với Điều 21 quy định về loại hình di tích hỗn hợp.

 ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận thấy, thực tế thời gian qua có tình trạng di vật, bảo vật quốc gia đặc biệt quan trọng nhưng bị thất thoát, mất mát, thậm chí mua bán ra nước ngoài. Đây là vấn đề nhức nhối thực tiễn đặt ra trong thời gian qua và đề nghị trong dự thảo Luật không quy định cụ thể nhưng Nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần quy định cụ thể để tổ chức thực hiện cho tốt.

Tại điểm c, khoản 2, Điều 5 dự thảo Luật quy định cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân có trách nhiệm, nghĩa vụ ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 9 của Luật này.

 ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nêu thực tế, có những trường hợp cá nhân phát hiện các hành vi vi phạm thì cá nhân đó cần làm gì và được phép làm gì, ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, nếu cá nhân đó ngăn chặn, đối đầu với những người có hành vi vi phạm thì cơ chế nào bảo vệ họ khi không may xảy ra các tình huống pháp lý? Và nếu họ phát hiện có hành vi vi phạm, nhưng làm ngơ, bỏ qua thì có bị quy trách nhiệm không? Cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận thông tin, thời gian xử lý là bao lâu và các biện pháp nào có thể áp dụng ngay khi phát hiện hành vi vi phạm?

Cho rằng, đây là tình huống rất dễ xảy ra trong thực tế, đại biểu đề nghị cần có các quy định cụ thể hơn về nội dung này để bảo đảm phát huy được vai trò cá nhân và cộng đồng trong bảo vệ di tích và di sản.

Tại khoản 9 Điều 9 dự thảo Luật yêu cầu phải có ý kiến chấp thuận của các cơ quan Nhà nước trước khi thực hiện bảo quản, tu bổ di tích. Đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng, quy định này là chặt chẽ, tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện các thủ tục hành chính có thể kéo dài trong khi trong thực tế có thể phát sinh trường hợp cần phải xử lý ngay để bảo vệ di tích. Do đó, đề nghị bổ sung quy định về trường hợp khẩn cấp cho phép thực hiện các biện pháp bảo vệ tạm thời mà không cần chờ phê duyệt đầy đủ nhằm bảo vệ di tích tốt nhất trong quá trình hoàn thiện thủ tục.

 ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, bổ sung hành vi “xây dựng trái phép trong các khu vực bảo vệ di tích” vào các quy định về hành vị bị nghiêm cấm tại Điều 9 dự thảo Luật; cùng với đó, cần bổ sung vào Điều 98 sửa đổi, bổ sung một số điều các luật có liên quan tại khoản 1 về các nội dung thuộc lĩnh vực xây dựng có tác động đến Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

“Việc làm này nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn khi thực hiện các quy định hiện hành đối với quản lý Nhà nước về di sản văn hóa tại địa phương mà dự thảo Luật chưa quy định nội dung này và để làm cơ sở cho cơ quan thẩm quyền thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi xây dựng trái phép trong khu vực bảo vệ di tích”, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho biết.

 ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Quan tâm đến nội dung về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền, ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) nêu vấn đề, tại khoản 1 Điều 18 dự thảo Luật quy định tiêu chí di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền được bảo vệ bảo đảm một trong các tiêu chí: “a) Khả năng tồn tại, thực hành và trao truyền trong cộng đồng chủ thể đang bị ngăn cản hoặc đe dọa, khó có khả năng phục hồi và có thể bị biến mất; b) Suy giảm số lượng nghệ nhân, người thực hành và thế hệ kế cận; c) Suy giảm, biến đổi điều kiện và hình thức thực hành; d) Thu hẹp hoặc biến mất không gian văn hóa liên quan, môi trường thực hành di sản văn hóa phi vật thể”.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế cho rằng, các tiêu chí này trong dự thảo Luật còn chung chung, mang tính chất định tính, gây khó khăn cho các cơ quan chuyên môn trong việc xác định để đề xuất di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Trong khi đó, dự thảo Luật cũng không có quy định giao cơ quan nào hướng dẫn.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể các tiêu chí hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này để có cách hiểu thống nhất, thuận lợi khi thực hiện.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hoan-thien-cac-hanh-vi-bi-nghiem-cam-de-bao-dam-chinh-xac-day-du-hon-post394128.html