Hoàn thiện chính sách, thúc đẩy xã hội hóa về ứng dụng năng lượng nguyên tử

Chính sách phát triển và xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cần toàn diện, linh hoạt; từ việc hỗ trợ đầu tư, tài chính đến thúc đẩy nghiên cứu - triển khai. Qua đó tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia vào việc phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử một cách hiệu quả, an toàn và bền vững.

Việc ứng dụng rộng rãi năng lượng nguyên tử vào kinh tế - xã hội cũng góp phần phát triển bền vững và giảm phát thải carbon… Đây là một trong những nội dung được các chuyên gia góp ý sửa đổi dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Xây dựng chính sách phát triển ứng dụng

Vận hành hoạt động hệ thống điện trong phòng điều khiển của Nhà máy điện mặt trời Europlast Long An. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Vận hành hoạt động hệ thống điện trong phòng điều khiển của Nhà máy điện mặt trời Europlast Long An. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết: chính sách đẩy mạnh phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử đã được cụ thể hóa tại "Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020" với việc thông qua Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008. Chiến lược này được xây dựng cho giai đoạn 10 năm, tầm nhìn 30 năm, góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước cũng như quản lý an toàn, an ninh, chủ động phòng ngừa và ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân.

Tuy nhiên, sau hơn 16 năm thi hành, Luật Năng lượng nguyên tử có nhiều nội dung không còn phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ nói chung và công nghệ bức xạ, công nghệ hạt nhân nói riêng. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật liên quan phát sinh sự chồng chéo, thiếu tính khả thi, chưa phù hợp trong tình hình mới, gây khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai. Vì vậy, việc xây dựng dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) lần này có nhiều nội dung mới, trong đó có nội dung về các chính sách ứng dụng và xã hội hóa trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được quan tâm.

Theo bà Trần Thị Ngọc Diệp, Vụ Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ), cần rà soát quy hoạch thời kỳ trước, phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển, dự báo triển vọng, nhu cầu và các kịch bản phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử. Đồng thời, đề xuất mục tiêu phát triển đối với ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ; điện hạt nhân; thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành y tế; khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản, bảo vệ môi trường, nông nghiệp, công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật khác...

Bà Trần Thị Ngọc Diệp cũng đề xuất các biện pháp thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử như: Nhà nước cần ưu tiên đầu tư có trọng điểm và khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và đào tạo nhân lực để bảo đảm an toàn, an ninh cho các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; phát triển và đầu tư vào các cơ sở nghiên cứu và các phòng thí nghiệm hạt nhân chuyên biệt phục vụ việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới trong lĩnh vực bức xạ và đồng vị phóng xạ…

Đồng thời, Nhà nước cần có chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực kinh tế - xã hội; cần xây dựng các chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án liên quan đến ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ như ưu đãi về miễn giảm thuế, hỗ trợ mặt bằng, thủ tục hành chính…

Thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Chí Thành cho biết, thời gian qua, Viện tiếp tục triển khai các dịch vụ ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước đạt mức tăng trưởng cao với tổng doanh thu năm 2024 đạt hơn 440 tỉ đồng, tăng gần 100 tỉ đồng so với năm 2023. Năm 2025, Viện sẽ chú trọng các giải pháp cũng như đẩy mạnh xã hội hóa để thúc đẩy các hoạt động dịch vụ ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, tại Hội thảo “Góp ý hoàn thiện chính sách, pháp luật về năng lượng nguyên tử" do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức mới diễn ra, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cho rằng, chính sách xã hội hóa về ứng dụng năng lượng nguyên tử đã được triển khai trong y tế, chiếu xạ hoa quả, thực phẩm… đạt được kết quả đáng ghi nhận nhưng chưa như kỳ vọng. Vì vậy, cần phải cụ thể hóa cơ chế xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động nghiên cứu, đầu tư ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Để thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, bà Trần Thị Ngọc Diệp cho rằng, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về tài chính đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ; ưu đãi thuế cho việc phát triển và sản xuất thiết bị sử dụng bức xạ... Bên cạnh đó, có thể hỗ trợ tài chính và tín dụng ưu đãi từ các quỹ hỗ trợ nghiên cứu và phát triển cho nghiên cứu, triển khai công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Cũng theo các chuyên gia, Nhà nước cần đa dạng hóa các loại hình hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử, cơ sở bức xạ, cơ sở tiến hành công việc bức xạ được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về xã hội hóa, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người bệnh và cộng đồng. Hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử như: Đầu tư thành lập cơ sở bức xạ, cơ sở tiến hành công việc bức xạ; đầu tư theo phương thức đối tác công-tư để thành lập cơ sở bức xạ, cơ sở tiến hành công việc bức xạ; thuê, cho thuê tài sản một số thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân…

Các ý kiến đề xuất, xây dựng chính sách phát triển ứng dụng và xã hội hóa trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử kỳ vọng đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn ký Quyết định số 245/QĐ-TTg ngày 5/2/2025 vừa qua.

HL (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/hoan-thien-chinh-sach-thuc-day-xa-hoi-hoa-ve-ung-dung-nang-luong-nguyen-tu-20250222090621491.htm