Hoàn thiện hành lang pháp lý về tư pháp với người chưa thành niên

Việc xây dựng một hệ thống quy định pháp luật về tư pháp với người chưa thành nhiên là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, thể hiện tính nhân văn, tiến bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam trước xu hướng tội phạm trẻ hóa như hiện nay.

Hiện nay, tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Các đối tượng thường thực hiện các hành vi như cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cướp giật, trộm cắp tài sản… Tại kỳ họp Quốc hội lần này, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến nhằm bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên, bảo đảm việc xử lý người chưa thành niên phù hợp với khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Hình minh họa

Hình minh họa

Dự thảo Luật gồm 166 điều được bố cục thành 5 phần, 11 chương, điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, việc xây dựng một hệ thống quy định pháp luật về tư pháp với người chưa thành nhiên là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, thể hiện tính nhân văn, tiến bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam trước xu hướng tội phạm trẻ hóa như hiện nay.

Vướng mắc lớn nhất hiện nay trong việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến tư pháp người chưa thành niên là chúng ta chưa có được một đạo luật tư pháp người chưa thành niên, các quy định còn nằm rải rác trong các bộ luật, luật khác nhau. Điều này nó vừa khiến cho các thủ tục tra cứu rất lâu và ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình thực hiện tư pháp người chưa thành niên có thể là có sự không thống nhất hoặc là có thể tạo ra những sự xung đột nhất định về mặt pháp lý trong quá trình giải quyết.

Hơn nữa bắt nguồn từ thực tế, rất nhiều vụ án được gây ra bởi người chưa thành niên phạm tội mà thủ đoạn và hậu quả để lại vô cùng to lớn, có những vụ gây rúng động xã hội. Trước thực tế như vậy pháp luật không có những biện pháp, hình phạt phù hợp, nghiêm khắc, đảm bảo tính công bằng sẽ dẫn tới tình trạng nhiều đối tượng thanh niên lợi dụng chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên để lôi kéo, xúi giục, thuê mướn họ thực hiện những hành vi phạm tội.

Bắt nhóm cướp "nhí" dùng hung khí tấn công người đi đường ở Bình Dương

Bắt nhóm cướp "nhí" dùng hung khí tấn công người đi đường ở Bình Dương

Việc xây dựng đạo luật riêng biệt về tư pháp dành cho người chưa thành niên không chỉ thể hiện trách nhiệm của Việt Nam khi tham gia Công ước của Liên hợp quốc về bảo vệ quyền trẻ em mà còn cụ thể hóa Chỉ thị của Bộ Chính trị về nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế nhận định: xây dựng dự thảo Luật theo hướng đảm bảo việc thi hành pháp luật đối với người chưa thành niên đầy đủ, nghiêm túc; vừa bảo vệ quyền, lợi ích nhưng cũng bảo đảm việc xử lý người chưa thành niên phù hợp với độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Mục tiêu cao nhất là giáo dục, giúp đỡ người phạm tội chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Bà Lesley Miller, Phó trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh, người chưa thành niên là nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội, do đó ý tưởng của Luật này là tách biệt tư pháp người chưa thành niên với người trưởng thành. UNICEF khuyến nghị sử dụng biện pháp chuyển hướng, không áp dụng hình phạt tù giam mà sử dụng các biện pháp dựa vào cộng đồng.

Nội dung Chế định xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội được nhiều chuyên gia quan tâm góp ý. Các biện pháp đưa ra trong dự thảo gồm: khiển trách; xin lỗi bị hại; bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; lao động công ích; cấm tiếp xúc; hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; cấm đến một địa điểm nhất định; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản thúc tại gia đình; giáo dục tại trường giáo dưỡng. Các hình phạt được áp dụng gồm cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, không áp dụng án chung thân, tử hình.

“Nói là chuyển hướng nhưng đều là biện pháp trực tiếp liên quan đến việc hạn chế quyền, nên để cho cơ quan tư pháp và tòa án đứng ra xét xử bằng một trình tự công khai, được kiểm soát đàng hoàng. Xử lý chuyển hướng là biện pháp ưu tiên hàng đầu. Tôi rất muốn không nên đặt vấn đề đây là 1 giai đoạn của tố tụng mà chỉ là 1 giai đoạn đầu, khi chúng ta tiếp cận với người chưa thành niên phạm tội”, GS.TS. Hoàng Thế Liên, Hiệu trưởng Trường đại học Chu Văn An, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp nêu quan điểm.

Cũng cho ý kiến về Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, đây là một đạo luật chuyên biệt, quy định khá nhiều chính sách mới về tư pháp người chưa thành niên. Với yêu cầu là quy định phải đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội.

Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện cần rất cẩn trọng trong việc xây dựng từng quy định của dự thảo Luật, cần nghiên cứu kỹ lưỡng quy định về việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên. Một mặt thể chế hóa được yêu cầu về xử lý nhân văn hơn đối với người chưa thành niên phạm tội; mở rộng hơn các biện pháp xử lý chuyển hướng, có tính chất nhẹ hơn các hình phạt, các biện pháp giám sát, giáo dục theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành. Mặt khác, cũng cần phải căn cứ hậu quả, tác hại, mặt khách quan của tội phạm trước khi quy định mức phạt đối với người chưa thành niên phạm tội để bảo đảm sự công bằng, tính giáo dục, răn đe, góp phần hạn chế tình trạng người chưa thành niên phạm tội...

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành cũng như nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm người chưa thành niên, tuân thủ các chuẩn mực của quốc tế và đáp ứng yêu cầu của Liên Hợp Quốc về xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Thu Hằng/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-ve-tu-phap-voi-nguoi-chua-thanh-nien-post1103389.vov