Hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền dân sự của người chưa thành niên
Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (Công ước ICCPR) vào ngày 24-9-1982. Sau Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR lần thứ ba của Việt Nam vào tháng 3-2019, Việt Nam đã nhận được các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hiệp quốc (HRC), trong đó có một số khuyến nghị liên quan đến tư pháp người chưa thành niên. Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực thực thi Công ước ICCPR cũng như các khuyến nghị của HRC.
Hoàn thiện khung pháp luật về quyền của người chưa thành niên
Khi tham gia các văn kiện pháp lý quốc tế về QCN, Việt Nam tuân thủ nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế, tiến hành nội luật hóa điều ước quốc tế vào trong hệ thống pháp luật quốc gia. Quá trình sửa đổi, bổ sung diễn ra liên tục và cho đến nay, khung pháp luật của Việt Nam về quyền của người chưa thành niên đã khá hoàn thiện, bao gồm những quy định trong nhiều văn bản pháp luật, đề cập đến tất cả các quyền được nêu trong các điều ước quốc tế.
Mặc dù Hiến pháp năm 2013 không tập trung đề cập đến các quyền cụ thể của người chưa thành niên, nhưng đã xác lập các nguyên tắc hiến định để bảo đảm thực hiện tất cả các quyền của người chưa thành niên, đặc biệt là các nhóm quyền sống còn, bảo vệ, phát triển và tham gia của người chưa thành niên trong thực tế.
Cùng với Hiến pháp, Luật Trẻ em năm 2016 cung cấp khung pháp lý tương đối đầy đủ điều chỉnh quyền của trẻ em, bao gồm những quy định cụ thể về quyền và bổn phận của trẻ em, các biện pháp chăm sóc và giáo dục trẻ em, bảo vệ trẻ em ở ba cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, bảo đảm cho trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 bảo đảm quyền của người chưa thành niên trong môi trường gia đình, thông qua việc quy định chế độ hôn nhân gia đình, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và quy tắc ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là giữa bố mẹ và con cái.
Bộ luật Dân sự năm 2015 có những quy định cụ thể về quyền nhân thân và tài sản của người chưa thành niên, củng cố khung pháp lý bảo đảm quyền của người chưa thành niên trong quan hệ với các chủ thể khác trong xã hội. Bộ luật Lao động năm 2019 quy định tại chương XI về lao động chưa thành niên, bao gồm quy định về nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên, đặc biệt là đối với người chưa đủ 15 tuổi làm việc, về thời giờ làm việc của người chưa thành niên và một số nơi làm việc cũng như công việc không được sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Giáo dục năm 2019 đều có quy định bảo đảm quyền của người chưa thành niên.
Trong số các đạo luật liên quan đến người chưa thành niên, Luật Trẻ em năm 2016 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là đạo luật quy định trực tiếp các quyền cơ bản của người chưa thành niên. Các luật khác bổ sung, củng cố và hoàn thiện khung pháp lý về của người chưa thành niên, tạo thành một thể thống nhất, đồng bộ nhằm bảo đảm tốt nhất quyền của người chưa thành niên, đáp ứng yêu cầu của các chuẩn mực quốc tế liên quan.
Nhìn chung, pháp luật Việt Nam mà cơ bản nhất là Hiến pháp đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm và thực hiện những quyền dân sự và chính trị, cũng như các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa theo hướng ngày càng theo sát và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về QCN.
Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam còn có nhiều quy định khác nhau về độ tuổi của người chưa thành niên. Luật Trẻ em năm 2016 ghi rõ: Trẻ em là người dưới 16 tuổi (Điều 1); Bộ luật Dân sự năm 2015: Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện. Người từ đủ 16 đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý (Điều 21). Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác…
Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam chưa có một định nghĩa chính thức rõ ràng về “lao động trẻ em” và nếu so sánh với khung khổ pháp luật quốc tế, cụ thể là với các Công ước của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì vẫn còn một khoảng trống trong quy định về độ tuổi. Lao động (chưa thành niên) từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi sẽ không được coi là “trẻ em” và không thuộc đối tượng bảo vệ theo Luật Trẻ em năm 2016.
Ngoài ra, Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo ra khuôn khổ pháp lý để bảo vệ lao động chưa thành niên liên quan đến các “công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” và “thời giờ làm việc”. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Luật Trẻ em năm 2016 đã có những quy định bảo vệ trẻ em không bị bóc lột sức lao động hoặc các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất khác (theo Điều 3 Công ước 138 của ILO) [1].
Những vi phạm nếu chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 144/2013/NĐ-CP (vi phạm hành chính theo Luật Trẻ em năm 2016). Tuy nhiên, khung khổ pháp lý hiện hành vẫn còn hạn chế bởi cách qui định liệt kê thay vì đưa ra giải thích các yếu tố cấu thành việc “bóc lột trẻ em” hoặc “các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất”. Hơn nữa, đối tượng được bảo vệ chủ yếu là trẻ em (dưới 16 tuổi). Như vậy, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong đa số trường hợp sẽ không được hưởng sự bảo vệ của pháp luật hình sự và pháp luật về quyền trẻ em liên quan đến vấn đề lao động trẻ em.
Việc ban hành các luật liên quan đến độ tuổi khác nhau của người chưa thành niên như nêu trên, không chỉ có ý nghĩa về mặt quản lý xã hội nói chung, mà còn thể hiện mục tiêu chính sách của Nhà nước trong việc cụ thể hóa từng độ tuổi để có cơ sở xây dựng cơ chế pháp luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục đúng đắn, phù hợp. Tuy nhiên, việc quy định quá nhiều cấp độ tuổi như thế đã khiến cơ sở pháp lý về khái niệm người chưa thành niên trong hệ thống pháp luật nước ta lỏng lẻo và mâu thuẫn.
Vấn đề bảo đảm quyền dân sự của người chưa thành niên
Luật quốc tế về QCN quy định nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền của người chưa thành niên trước hết thuộc về Nhà nước. Trên thực tế, thực hiện nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước quốc tế về quyền trẻ em (Công ước CRC), Việt Nam đã sửa đổi và thông qua Luật Trẻ em năm 2016 nhằm bảo đảm tính tương thích với các chuẩn mực của công ước. Chương VI của Luật trẻ em 2016 đã làm rõ vai trò của các cơ quan, tổ chức, nhóm tổ chức có chức năng bảo vệ quyền trẻ em ở các cấp độ khác nhau. Tiếp đó, sau khi Luật Trẻ em 2016 được thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 856/QĐ-TTg về Thành lập Ủy ban Quốc gia về Trẻ em.
Để thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước về tôn trọng, bảo vệ và khắc phục quyền trẻ em/người chưa thành niên, cần tập trung gỡ bỏ một số rào cản, thách thức về pháp luật và thể chế.
Một là, cần nghiên cứu toàn diện và chuyên sâu về việc thực hiện các QCN nói chung, các quyền dân sự nói riêng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, để sửa đổi, bổ sung, nhất là các cơ chế, chính sách và cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát theo hướng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và văn hóa ở cả hai góc độ quốc tế và thực tiễn Việt Nam.
Hai là, hệ thống pháp luật, chính sách và chương trình cần được xây dựng toàn diện theo hướng tiếp cận từ đáp ứng nhu cầu (needs-baed) sang bảo đảm thực hiện trên cơ sở quyền (rights-based) cho tất cả mọi người trong xã hội, có tiếp thu các khuyến nghị của những ủy ban điều ước, đặc biệt khuyến nghị do HRC nêu ra đối với Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng và thực thi của các nước trên thế giới và khu vực ASEAN trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về QCN đặc biệt với những luật liên quan nhất như Luật Trẻ em, Luật Thanh niên...
Ba là, khả năng lập pháp của Quốc hội và xây dựng pháp luật của các bộ, ngành cùng các cơ quan nhà nước khác, cũng như những tổ chức xã hội về QCN cần được tăng cường, đẩy mạnh, để từ đó có nhận thức và quán triệt đầy đủ các quy định liên quan của Hiến pháp năm 2013 và những văn kiện kể trên trong việc xây dựng và sửa đổi các quy định pháp luật cho tương thích với Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế về QCN của Việt Nam, đặc biệt với những nhóm người dễ bị tổn thương, bao gồm trẻ em/người chưa thành niên.
Bốn là, nghiên cứu sửa quy định về độ tuổi pháp ý của trẻ em trong Luật Trẻ em 2016 nhằm tương thích với Điều 1 Công ước LHQ về quyền trẻ em và một số điều ước, thỏa thuận quốc tế khác liên quan đến trẻ em mà Việt Nam đã ký kết, ví dụ như Công ước số 138 về độ tuổi lao động tối thiểu và Công ước số 182 về xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, đều quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi.
Năm là, thực hiện các hoạt động truyền thông, xây dựng tài liệu, tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao nhận thức về các nội dung liên quan đến quyền trẻ em bao gồm: khuôn khổ của pháp luật quốc tế về QCN, quyền trẻ em trong các lĩnh vực; các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về quyền trẻ em: trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy trách nhiệm tôn trọng quyền trẻ em, đặc biệt là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Sáu là, hoàn thiện cơ chế hoạt động của Tòa gia đình và người chưa thành niên nhằm bảo đảm xây dựng một hệ thống tư pháp người chưa thành niên toàn diện mà Tòa gia đình và người chưa thành niên là trung tâm. Tăng cường vai trò của các cơ quan trợ giúp pháp lý đối với các vi phạm quyền trẻ em; tăng cường vai trò của các cơ chế ngoài tư pháp như cơ chế thanh tra, trọng tài…
Tóm lại, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong bảo vệ, thúc đẩy quyền của người chưa thành niên. Tuy nhiên, để thực thi các khuyến nghị của HRC, hệ thống pháp luật cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng bảo đảm sự hài hòa, đồng bộ giữa pháp luật quốc gia với các điều ước quốc tế về QCN, đặc biệt là Công ước ICCPR.
Một số khuyến nghị của HRC đối với Việt Nam: (i) Cân nhắc sửa đổi khung pháp lý để định nghĩa tuổi trẻ em là người đến 18 tuổi, theo các chuẩn mực quốc tế; (ii) Tiếp tục việc tăng cường hệ thống tư pháp vị thành niên bằng cách thành lập thêm các tòa án chuyên biệt và cung cấp cho các tòa án này nguồn lực thích hợp, bao gồm cắt cử các thẩm phán được đào tạo chuyên biệt; (iii) Bảo đảm rằng việc giam giữ và cải tạo chỉ áp dụng như là biện pháp cuối cùng và với thời gian ngắn nhất có thể, trẻ em bị giam giữ được tách riêng khỏi người lớn bị giam giữ.
---------
1 Xem: ILO, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2019), Tài liệu tập huấn về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, tại: https://www.ilo.org/hanoi/Whatwedo/Publications/WCMS_712461/lang--vi/index.htm, truy cập ngày 18-4-2021.