Học sinh lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp
Sau kỳ nghỉ Tết, học sinh khối 12 bắt đầu tập trung vừa học vừa ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tham gia kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQGTPHCM).
![Học sinh lớp 12A4, Trường trung học phổ thông Hoàng Diệu, thành phố Long Khánh trong giờ học. Ảnh: H.YẾN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_423_51435902/f79c41ce7a8093deca91.jpg)
Học sinh lớp 12A4, Trường trung học phổ thông Hoàng Diệu, thành phố Long Khánh trong giờ học. Ảnh: H.YẾN
Theo các giáo viên, thời điểm tăng tốc và tập trung cao độ để ôn thi tốt nghiệp THPT thường bắt đầu sau khi thi xong học kỳ 2.
Sắp xếp lịch hợp lý để vừa học, vừa ôn thi
Vì yêu mến cảnh đẹp và văn hóa Nhật Bản, ngay từ đầu bậc THPT, em Lương Thị Mỹ Ân, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Hoàng Diệu (thành phố Long Khánh) đã quyết định sẽ du học Nhật Bản. Để sẵn sàng chinh phục ước mơ của mình, Mỹ Ân đã đi học tiếng Nhật tại trung tâm. Năm nay bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, Mỹ Ân chọn 2 môn thi tự chọn là Vật lý và Tiếng Nhật.
Mỹ Ân cho hay, em mới thi đạt chứng chỉ N5 và đang học trình độ N4. Mỗi ngày, Mỹ Ân dành khoảng 5 giờ (cả ở trung tâm và thời gian tự học ở nhà) để học tiếng Nhật. “Nếu có chứng chỉ N3 sẽ được miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ nhưng em hiện mới chỉ đang ở trình độ N4. Vì vậy, em phải nỗ lực nhiều để học môn này. Bên cạnh đó, em phải sắp xếp thời gian hợp lý để học và ôn tập các môn khác nữa” - Mỹ Ân chia sẻ.
Nhiều học sinh lớp 12 bày tỏ mong muốn bước sang học kỳ 2 nhà trường sẽ tổ chức học tăng cường để học thêm các môn sẽ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm thì việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường bị cấm.
Các trường có thể dạy cho đối tượng học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường nhưng không được thu tiền. Vì vậy, hiện nay các trường chưa tổ chức các lớp ôn thi trái buổi.
Cũng theo Mỹ Ân, ngoài môn Tiếng Nhật, em còn đi học thêm môn Vật lý, còn các môn học khác thì chỉ học theo chương trình ở trường.
Em Nguyễn Thị Bình An là bạn học cùng lớp với Mỹ Ân. Nữ sinh này chọn tổ hợp xét tuyển đại học là Toán - Lý - Hóa và đã chuẩn bị cho việc ôn thi từ sớm bằng cách mua sách về tự ôn luyện tại nhà.
Bình An cho biết: “Em chỉ học thêm môn Toán, các môn còn lại em tự ôn thi qua sách và online. Đối với các bài tập trong sách mà em giải không được thì sẽ xem hướng dẫn giải trên mạng. Nếu vẫn không hiểu, em sẽ hỏi trong các buổi live stream ôn luyện online”.
Chia sẻ về lý do chọn ôn thi online, Bình An cho hay: “Em thường xuyên sử dụng mạng xã hội và thấy nhiều bạn học online có hiệu quả nên theo các bạn. Hình thức học này có nhiều thuận tiện, nhưng khó khăn là không tiếp xúc được trực tiếp với giáo viên. Cách học này cũng đòi hỏi sự chủ động, tính kỷ luật và siêng năng”.
Theo nhiều giáo viên dạy khối 12, vì mới nghỉ Tết xong nên học sinh vẫn chưa tập trung cao độ cho việc ôn thi. Hơn nữa, ở trường hiện đang còn dạy cho hết chương trình, chỉ một số môn phụ được đôn thêm tiết để nhanh kết thúc môn và dành nhiều thời gian cuối học kỳ 2 cho học sinh ôn thi.
Tập trung cho kỳ thi đánh giá năng lực
Tuy chưa tập trung cao độ cho việc ôn thi tốt nghiệp nhưng các trường hiện đang xây dựng ngân hàng câu hỏi theo đề thi tốt nghiệp minh họa của Bộ Giáo dục và đào tạo. Ngân hàng câu hỏi này được sử dụng trong kiểm tra đánh giá, đồng thời cũng để ôn tập cho học sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
![Học sinh lớp 12A4, Trường trung học phổ thông Hoàng Diệu, thành phố Long Khánh, trong giờ học. Ảnh: Hải Yến](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_423_51435902/c7cd729f49d1a08ff9c0.jpg)
Học sinh lớp 12A4, Trường trung học phổ thông Hoàng Diệu, thành phố Long Khánh, trong giờ học. Ảnh: Hải Yến
Trước đó, trong tháng 12-2024, Sở Giáo dục và đào tạo đã có văn bản hướng dẫn các trường triển khai thực hiện việc tổ chức dạy học, ôn tập, kiểm tra đánh giá cho học sinh lớp 12. Trong đó, Sở Giáo dục và đào tạo đề nghị các trường chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên môn tổ chức nghiên cứu, phân tích đề tham khảo từng môn học, cùng với yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực quy định trong Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018; biên soạn, phản biện đề để xây dựng ít nhất mỗi môn 2 đề tham khảo phục vụ cho việc kiểm tra, đánh giá học sinh.
Bên cạnh những học sinh xác định dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học, rất nhiều học sinh chọn tham gia kỳ thi ĐGNL của ĐHQGTPHCM sẽ tổ chức đợt 1 vào tháng 3 tới. Trong đó, không ít học sinh chọn luyện thi tại các trung tâm. Em Hoàng Thị Lê Na, lớp 12A, Trường THPT Chu Văn An (thành phố Biên Hòa) là một trong số đó.
Theo Lê Na, đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, em chọn 2 môn thi tự chọn là Tiếng Anh và Giáo dục kinh tế pháp luật. Sau kỳ nghỉ Tết, em đã ưu tiên sắp xếp lịch học cho 3 môn: Toán, Văn, Anh và cân bằng với thời gian lịch học trên trường.
Đối với kỳ thi ĐGNL, Lê Na đã bắt đầu ôn thi từ tháng 9-2024. “Em thường dành thời gian ngày chủ nhật để tập trung ôn thi ĐGNL. Em học tại trung tâm chuyên ôn thi ĐGNL và cũng tập trung ôn nhiều nhất vào 3 môn Toán, Văn, Anh”- Lê Na chia sẻ.
Cũng theo Lê Na, trước kỳ thi này, bản thân em khó tránh khỏi áp lực nhưng vẫn xác định đây là kỳ thi để trải nghiệm, quan trọng hơn vẫn là kỳ thi tốt nghiệp THPT trong tháng 6-2025.