Thứ trưởng: 'Phụ huynh còn nặng nề thành tích, dạy thêm còn tiêu cực'

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, khi phụ huynh vẫn còn nặng nề về thành tích học tập, còn chưa yên tâm chỉ vì con không đi học thêm, thì dạy thêm, học thêm vẫn còn tồn tại ở góc độ tiêu cực.

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trả lời về Thông tư 29. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trả lời về Thông tư 29. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Trước thời điểm Thông tư 29 quy định về học thêm, dạy thêm chính thức có hiệu lực, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã có những trao đổi xung quanh quy định mới này.

Nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ

Theo ông Thưởng, các trường phổ thông hiện nay đang áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Về mặt nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc…

Thời gian trong trường phổ thông không chỉ là thời gian hướng học kiến thức mà còn là thời gian để học sinh phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm và khả năng hòa nhập với xã hội, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề.

Các thầy cô, các nhà làm giáo dục và toàn xã hội đều thống nhất điều này; học sinh không phải học thêm quá nhiều gây áp lực, mệt mỏi không cần thiết, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Nếu không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, học sinh có nguyện vọng học thêm ở ngoài là hoàn toàn tự nguyện.

Học để giỏi hơn, phát triển bản thân hơn là nguyện vọng chính đáng, do đó, Bộ GD&ĐT không cấm. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và phải công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí... và phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

Thông tư 29 có hiệu lực từ ngày 14/2. Ông Thưởng cho rằng để thực hiện hiệu quả, “hiểu, làm đúng trách nhiệm của các bên” là yếu tố quyết định. Trong đó, chỉ nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, còn rất cần sự thấu hiểu, vào cuộc, giám sát của phụ huynh và xã hội.

"Khi phụ huynh vẫn còn nặng nề về thành tích học tập của con, còn chưa yên tâm chỉ vì con không đi học thêm, còn chưa thấy hết vai trò của giáo dục gia đình ngoài giáo dục nhà trường… thì khi đó dạy thêm, học thêm vẫn còn tồn tại ở góc độ tiêu cực", ông Thưởng nói.

 Việc thực hiện Thông tư 29 còn rất cần sự thấu hiểu, vào cuộc, giám sát của phụ huynh và xã hội. Ảnh minh họa: Việt Hà.

Việc thực hiện Thông tư 29 còn rất cần sự thấu hiểu, vào cuộc, giám sát của phụ huynh và xã hội. Ảnh minh họa: Việt Hà.

Quy định mới bảo vệ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Đối với các nhà trường và thầy cô, thứ trưởng cho rằng trách nhiệm là dạy học để học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra; việc ra đề kiểm tra, đánh giá cũng đảm bảo đúng, đủ với những yêu cầu cần đạt của chương trình.

Với những học sinh thực sự còn đang yếu kém, còn đang lúng túng chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT thì trách nhiệm của nhà trường, giáo viên là bổ trợ cho các em.

"Khi chúng ta xác định được trách nhiệm như vậy, những vấn đề khác sẽ không còn nặng nề", thứ trưởng nói.

Những ngày qua, cũng có những ý kiến cho rằng, không dạy thêm giảm thu nhập của giáo viên. Ông Thưởng cho rằng có rất nhiều giáo viên như giáo viên mầm non, giáo viên vùng sâu vùng xa, giáo viên nhiều bộ môn… họ không dạy thêm nhưng vẫn tâm huyết, say sưa với nghề.

Bên cạnh đó, việc dạy thêm, học thêm thời gian qua cũng xuất hiện một vài yếu tố tiêu cực. Không ít thầy cô giáo tốt cũng phải chịu mang tiếng, tổn thương. Do đó, quy định mới lần này còn là hướng tới “bảo vệ sự tôn nghiêm của nghề giáo”.

Thứ trưởng nhận định thay đổi, đổi mới bao giờ cũng khó khăn, khó tiếp nhận, nhưng những gì thông tư quy định dạy thêm, học thêm đang hướng tới là vì một nền giáo dục với những giá trị tốt đẹp.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết sẽ có giải pháp nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy, trách nhiệm của nhà giáo, phát huy năng lực tự học của học sinh.

Việc kiểm tra, đánh giá, thi cử cũng phải đổi mới, phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình; không đánh đố, không ra ngoài chương trình để học sinh không cần học thêm vẫn có thể vượt qua. Các địa phương cũng tăng cường cơ sở vật chất, trường học, đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh; tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày.

Bộ cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức tự tôn, tự trọng của giáo viên để nói "không" với dạy thêm không đúng quy định. Ngoài ra, những chính sách để đảm bảo đời sống cho nhà giáo cũng là giải pháp cho vấn đề này.

"Việc quản lý dạy thêm, học thêm không chỉ là vấn đề chính sách mà là sự thay đổi nhận thức của xã hội", thứ trưởng nói.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thu-truong-phu-huynh-con-nang-ne-thanh-tich-day-them-con-tieu-cuc-post1530562.html