Học sinh THPT tranh tài giải bài toán kinh doanh
260 đội thi với 780 thí sinh đến từ 10 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã tham dự cuộc thi 'Vietnam Business Innovation Challenge' (VBIC) 2024.
Khởi động từ tháng 1/2024, VBIC 2024 do Trường Phổ thông liên cấp Olympia phối hợp với Trường Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức.
Trải qua 2 vòng chọn lọc hồ sơ và thuyết trình online với những bài toán kinh doanh thực tế, 13 đội thi lọt vào vòng Chung kết. Lễ trao giải diễn ra vào tối 7/4.
Tại vòng đấu cuối cùng, các đội thi sẽ đối mặt với thử thách kinh doanh thực tế được đề ra bởi những doanh nghiệp lớn.
Đề bài vòng chung kết nêu ra thử thách phát triển bền vững mà thương hiệu đang gặp phải, cũng như thông tin và hình ảnh về Jaguar Land Rover Vietnam (thương hiệu xe địa hình hạng sang) và một tập đoàn (nhà nhập khẩu, phân phối độc quyền và cung cấp dịch vụ hậu mãi) để cung cấp thêm kiến thức nền cho các nhóm.
Ban tổ chức đã cung cấp các thông tin và tài liệu từ Jaguar Land Rover Vietnam cũng như tập đoàn, song song với đó là nhận được sự hỗ trợ, thảo luận và phản hồi tích cực từ thương hiệu.
Các nhóm sẽ phải gửi sản phẩm là 1 slide trình bày và 1 video thuyết trình để đưa ra giải pháp cho các thử thách của thương hiệu.
Phần trình bày của vòng này sẽ được chấm trên 6 tiêu chí sau: khả năng xác định vấn đề, giải pháp, khả năng lập kế hoạch và các bước thực hiện, khả năng trình bày và truyền tải thông điệp, tính đổi mới trong giải pháp, khả năng phân tích tổng quan.
Ở vòng chung kết, tất cả slide trình chiếu và video trình bày phải được thực hiện bằng tiếng Anh.
Tất cả các thành viên của đội đều phải thuyết trình, với thời gian gần như bằng nhau cho mỗi người trong video trình bày. Tiếp theo là phần hỏi đáp của ban giám khảo.
Tiến sĩ Phan Hoàng Lan, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết đây là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức với nhiều học sinh cả trong và ngoài nước tham gia.
"Không có nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam thực sự tin tưởng các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh THPT. Chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp cởi mở, sẵn sàng trao cơ hội để các bạn có những số liệu thực tế, từ đó sáng tạo ý tưởng", bà Lan nói thêm.
Theo TS Lan, cuộc thi mong muốn học sinh cấp THPT trải nghiệm vấn đề của doanh nghiệp, từ đó giúp các bạn có khả năng lãnh đạo, làm việc nhóm, đổi mới sáng tạo, giải quyết vấn đề tốt hơn.
"Khi tham gia giải bài toán các bạn hiểu được khó khăn của doanh nghiệp, đưa ra giải pháp tương ứng. Việc để giới trẻ tiếp cận với các vấn đề thực tế cuộc sống rất quan trọng, chỉ học lý thuyết ra trường khó tiếp cận nhanh với những vấn đề doanh nghiệp. Khi được tiếp cận sớm thì thì học sinh có thêm kinh nghiệm", TS Lan chia sẻ.
Những bài học bổ ích
Shun Abe (Khối 10, Trường Quốc tế Anh BIS HCMC) cho biết, giám khảo đã đưa ra những lời nhận xét rất chi tiết và hữu ích cho nhóm của em
"Họ đã chỉ ra rằng, thay vào việc tập trung phân tích từ góc độ của doanh nghiệp ví dụ như yếu tố lợi nhuận chẳng hạn, chúng tôi cần bổ sung những phân tích từ cái nhìn của khách hàng. Từ đó, chúng tôi hiểu tâm lý phản ứng của khách hàng với các sản phẩm và mức độ ảnh hưởng của họ lên doanh nghiệp", Shun Abe cho biết.
Thông qua cuộc thi, Shun Abe và nhóm bạn học được rất nhiều kỹ năng như nghiên cứu, giao tiếp nhóm, sắp xếp ý tưởng để thuyết trình, nói trước đám đông.
Chung cuộc, giải nhất VBIC thuộc về nhóm Pioneer với 3 học sinh lớp 9 của Trường Olympia; giải nhì thuộc về nhóm NSA với 3 học sinh lớp 10 Trường Quốc tế Anh Việt BVIS HCMC.
Ngoài ra, ban giám khảo còn trao giải ba, top 13 đội xuất sắc nhất cuộc thi.