Hội đồng trường đại học 2 cấp trong bối cảnh mới

Việc đề xuất bỏ hội đồng trường cấp trường thành viên đang đặt ra nhiều câu hỏi về tự chủ, phân quyền và tính phù hợp trong bối cảnh tinh gọn bộ máy hiện nay.

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo lần 2 của Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi). Trong đó, một nội dung mới thu hút sự quan tâm đặc biệt là không còn tổ chức hội đồng trường ở các trường ĐH thành viên thuộc ĐH Quốc gia và ĐH vùng.

Hội đồng trường chỉ còn một cấp duy nhất, áp dụng cho tất cả cơ sở đào tạo (ĐH, học viện, trường ĐH) ở cả công lập và tư thục.

Cần xác định rõ vai trò của hội đồng trường

GS Trương Nguyện Thành, GS danh dự ĐH Utah, Mỹ, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Trường ĐH Hoa Sen, cho biết ở các trường công lập nước ngoài, hội đồng trường (thường gọi là University Senate) có vai trò rất rõ ràng, là nơi đại diện cho giảng viên, nhân viên, sinh viên tham gia phản biện và góp ý cho các chính sách hay kế hoạch của ban giám hiệu.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, hội đồng trường lại pha trộn giữa mô hình hội đồng quản trị của trường ĐH tư và mô hình góp ý cho ban giám hiệu. Hội đồng này đưa ra những chiến lược của trường giống như hội đồng quản trị hay hội đồng tín thác nhưng thực tế không phải hội đồng quản trị.

“Đề xuất bỏ hội đồng trường các trường thành viên nên được cân nhắc trên cơ sở vai trò thực tế của hội đồng trong thời gian qua là gì, có hoạt động hiệu quả không? Việc đề xuất bỏ sẽ có lý nếu hội đồng chỉ tồn tại để “giơ tay tán thành”. Còn nếu cần giữ thì phải để đúng vai trò là đơn vị đại diện cho giáo viên, nhân viên và sinh viên của trường góp ý cho các chính sách và hoạt động của trường” - GS Thành nói.

 Một giờ học của thầy trò Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: BÍCH NGỌC

Một giờ học của thầy trò Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: BÍCH NGỌC

Giao quyền tự chủ phù hợp

Từ thực tế triển khai thời gian qua, PGS-TS Lê Tuấn Lộc, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết hội đồng ĐH Quốc gia đóng vai trò hoạch định chiến lược phát triển hệ thống, cơ cấu tổ chức, điều phối nguồn lực và giám sát hoạt động của các trường thành viên.

Trong khi đó, hội đồng trường tại các trường thành viên đảm nhận quyền tự chủ trong các vấn đề về học thuật, nhân sự, tài chính, phù hợp với chiến lược tổng thể.

“Sự phân định rạch ròi chức năng và quyền hạn, cùng với sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai cấp hội đồng, giúp tránh tình trạng chồng chéo và tạo điều kiện cho từng trường phát huy thế mạnh riêng trong khuôn khổ hệ thống. Đây là mô hình tương đối hài hòa, khả thi và đáng tiếp tục củng cố, nhân rộng” - PGS-TS Lê Tuấn Lộc đánh giá.

PGS-TS Lê Tuấn Lộc cũng cho rằng cần phải ban hành nghị định riêng cho ĐH Quốc gia và ĐH vùng khẳng định vai trò đặc thù và tạo hành lang pháp lý để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược cấp quốc gia và vùng. Bên cạnh đó, phải cụ thể hóa vai trò của hội đồng trường và hội đồng ĐH; phân định rõ ràng quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ giữa hai cấp hội đồng, tránh chồng chéo, mâu thuẫn hoặc hình thức hóa.

 Thầy trò Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong một buổi thực hành nghiên cứu. Ảnh: BÍCH NGỌC

Thầy trò Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong một buổi thực hành nghiên cứu. Ảnh: BÍCH NGỌC

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), cho hay vấn đề chính hiện nay là luật chưa quy định rõ vai trò, trách nhiệm từng chủ thể trong hội đồng trường.

TS Vinh cho rằng trong bối cảnh mới hiện nay, các mô hình quản trị ĐH còn nhiều tranh luận nhưng cốt lõi là mô hình đó phải phát huy quyền tự chủ về sứ mệnh, tài chính, nhân sự, hợp tác quốc tế, học thuật.

Với hội đồng trường hai cấp, theo TS Vinh, cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của hội đồng trường ở cấp trường thành viên. Tùy theo đặc thù từng trường để được giao những quyền tự chủ phù hợp.

“Tôi ủng hộ cấp trường thành viên cần có quyền tự chủ nhất định, còn cấp ĐH Quốc gia có vai trò điều phối, định hướng chiến lược, tổ chức liên kết ngành hoặc phân bổ nguồn lực khi cần thiết” - TS Vinh thẳng thắn.

 Tổ chức hội đồng trường theo quy định hiện hành và dự thảo sửa đổi. Bảng biểu: PHẠM ANH

Tổ chức hội đồng trường theo quy định hiện hành và dự thảo sửa đổi. Bảng biểu: PHẠM ANH

Quy mô đào tạo ĐH tại Việt Nam hiện nay

- 2 ĐH quốc gia: ĐH quốc gia Hà Nội và ĐH quốc gia TP.HCM.

- 3 ĐH vùng: ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng.

- 5 ĐH: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Duy Tân, ĐH Cần Thơ.

- 255 trường ĐH, học viện. Trong đó có 26 trường trực thuộc UBND các tỉnh, TP thực thuộc Trung ương; 38 trường ĐH thành viên của các ĐH; 67 cơ sở đào tạo tư thục…

Định hướng đến năm 2030, cả nước sẽ có 4 ĐH Quốc gia là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia tại Huế, ĐH Quốc gia tại Đà Nẵng.

Đồng thời có 5 ĐH vùng là ĐH Thái Nguyên, ĐH Vinh, ĐH Nha Trang, ĐH Cần Thơ, ĐH Tây Nguyên.

Tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật Giáo dục đại học: Giữ hay bỏ hội đồng trường 2 cấp?”

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến cho dự thảo lần 2 của Luật Giáo dục đại học (ĐH) (sửa đổi), trong đó có một nội dung đang thu hút sự quan tâm đặc biệt: Đề xuất bãi bỏ hội đồng trường của các trường ĐH thành viên thuộc ĐH Quốc gia và ĐH vùng. Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, điều này nhằm tinh gọn bộ máy và thống nhất mô hình quản trị trong hệ thống ĐH. Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ giới chuyên gia và lãnh đạo một số trường ĐH cho rằng việc duy trì hội đồng trường ở cấp trường thành viên là thiết yếu để bảo đảm tính linh hoạt, khả năng tự chủ chiến lược và phù hợp với thực tiễn quản trị ĐH.

Nhằm tạo diễn đàn trao đổi khách quan, khoa học và đa chiều về vấn đề này, hôm nay (10-7), báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Tọa đàm: “Góp ý dự thảo Luật Giáo dục ĐH: Giữ hay bỏ hội đồng trường hai cấp?”. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các ĐH và trường thành viên cùng trao đổi, phân tích đa chiều về mô hình hội đồng trường hai cấp, đưa ra những kiến nghị phù hợp, giúp hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi).

PHẠM ANH - NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/hoi-dong-truong-dai-hoc-2-cap-trong-boi-canh-moi-post859551.html