Hội Nhà báo tỉnh trong dòng chảy báo chí cách mạng

Hội Nhà báo (HNB) Việt Nam ra đời ngày 21-4-1950, là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam. Trong dòng chảy 100 năm lịch sử báo chí nước nhà, HNB có vai trò, vị trí hết sức quan trọng. Trên địa bàn tỉnh Sông Bé (cũ), HNB được thành lập sau khi các cơ quan báo chí đã đi vào hoạt động. Đầu năm 1997, tỉnh Sông Bé chia tách thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Tuy muộn hơn các tỉnh khác nhưng HNB 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước cũng được hình thành sau khi các cơ quan báo chí đã ổn định. Hội từng bước có những đóng góp đáng kể vào trang sử của báo chí địa phương.

Từ buổi ban đầu…

Ngày 10-12-1976, số báo Sông Bé đầu tiên chính thức ra mắt bạn đọc. Ngày 2-10-1977, Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Sông Bé ra đời và đi vào hoạt động. Năm 1978, HNB tỉnh Sông Bé được thành lập. Hội viên là những cán bộ, phóng viên của 2 cơ quan báo và đài. Cán bộ hội lúc đó đều làm kiêm nhiệm, chưa có chuyên trách. Các HNB cơ sở cấp tỉnh, thành phố phát triển rất chậm và không đồng đều. Có khoảng thời gian dài, một số HNB địa phương trong cả nước nói chung và tỉnh Sông Bé nói riêng là HNB “5 không”: Không cán bộ chuyên trách, không trụ sở, không phương tiện, không kinh phí hoạt động và không phát triển hội viên.

Sau khi chia tách tỉnh Sông Bé, các cơ quan báo, đài của Bình Dương và Bình Phước phát triển khá nhanh, nhưng với HNB thì vẫn nhiều năm là hội “3 không”: Không cán bộ chuyên trách, không trụ sở, không kinh phí và phương tiện hoạt động. Việc kết nạp hội viên mới trong thời kỳ này cũng gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do điều lệ HNB Việt Nam thời kỳ đó quy định, để được kết nạp hội viên HNB phải “làm việc trong các cơ quan báo chí, thông tấn... từ 3 năm trở lên”, trình độ văn hóa “tốt nghiệp đại học, cao đẳng, riêng đối với tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa phải tốt nghiệp phổ thông trở lên”.

…đến hình thành và phát triển

HNB tỉnh Bình Phước được thành lập ngày 5-11-1998 theo Quyết định số 131/1998/QĐ-UB của UBND tỉnh. Hội viên lúc ấy là những cán bộ, phóng viên Sông Bé chuyển về chưa tới 10 người của 2 cơ quan Báo Bình Phước và Đài PT-TH Bình Phước. Tôi là một trong số các hội viên cũ của HNB tỉnh Sông Bé được kết nạp năm 1996. Khi có quyết định thành lập HNB tỉnh, Ban Chấp hành lâm thời được chỉ định gồm 3 người, Chủ tịch hội là đồng chí Hoàng Lâm, Tổng Biên tập Báo Bình Phước; tôi là Trưởng phòng Phóng viên Báo Bình Phước được giao kiêm nhiệm làm cán bộ thường trực của hội. Năm 2000, HNB tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2000-2005; cuối năm 2005, Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2005-2010 và đến cuối năm 2010, Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2010-2015. Đến tháng 7-2015, HNB tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015-2020 và tháng 12-2020, Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025.

Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hoàng Lâm (đứng) và tác giả tại buổi làm việc với chỉ huy Đồn biên phòng Đắc Ơ năm 2010

Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hoàng Lâm (đứng) và tác giả tại buổi làm việc với chỉ huy Đồn biên phòng Đắc Ơ năm 2010

Đoàn công tác của Hội Nhà báo tỉnh đi cơ sở tại Đồn biên phòng Đắc Bô (người đứng là cố Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hoàng Lâm)

Đoàn công tác của Hội Nhà báo tỉnh đi cơ sở tại Đồn biên phòng Đắc Bô (người đứng là cố Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hoàng Lâm)

Trong các nhiệm kỳ II và III, tôi là Phó Chủ tịch Thường trực HNB tỉnh. Đồng chí Hoàng Lâm là Chủ tịch hội, đến năm 2014 thì ông qua đời. Trong khi chờ đại hội nhiệm kỳ mới, tôi là Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách hội. Đến tháng 7-2015, tổ chức Đại hội lần thứ IV. Cũng trong nhiệm kỳ III, ngoài tổ chức cho hội viên tham gia các giải báo chí ngành, giải báo chí quốc gia, giải báo chí chất lượng cao của HNB Việt Nam, tôi là người trực tiếp soạn thảo Đề án Giải báo chí tỉnh Bình Phước trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt và bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2013 đến nay.

Cùng với sự phát triển về số lượng cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của các cơ quan Báo Bình Phước và Đài PT-TH Bình Phước, hội viên HNB tỉnh đã tăng lên qua từng năm và chất lượng các hoạt động phong trào cũng từng bước được nâng cao. Từ đó cho thấy việc cần thiết phải có bộ phận thường trực giúp việc cho Ban Chấp hành HNB tỉnh. Tuy nhiên, việc chọn được một cán bộ từ cơ quan báo, đài sang làm chuyên trách công tác hội là rất khó, hầu như không ai muốn đảm nhận. Điều đó cũng cho thấy, hội chưa có sức hút, vì làm chuyên trách công tác hội thu nhập sẽ thấp hơn, nhiều điều kiện khác không bằng ở các cơ quan báo chí.

Từ yêu cầu cấp thiết phải có bộ phận văn phòng chuyên trách, Chủ tịch HNB tỉnh đã giao tôi soạn thảo các văn bản, đề án trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc thành lập bộ phận thường trực HNB tỉnh. Tháng 10-2010, Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt đề án và cho phép thành lập bộ phận văn phòng hội làm nhiệm vụ chuyên trách với 4 biên chế, trong đó Chánh Văn phòng là nhà báo Hán Đăng Đông, 1 trưởng phòng của Báo Bình Phước tình nguyện chuyển qua làm nhiệm vụ này. Từ sau khi có bộ phận chuyên trách làm công tác hội, hoạt động của HNB tỉnh trở nên sôi nổi, thiết thực hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phục vụ tốt hơn cho quyền lợi của hội viên.

Đoàn cán bộ, phóng viên Hội Nhà báo tỉnh Bình Phước đi cơ sở tại Đồn biên phòng Đắc Ka năm 2010

Đoàn cán bộ, phóng viên Hội Nhà báo tỉnh Bình Phước đi cơ sở tại Đồn biên phòng Đắc Ka năm 2010

Lớp đại học báo chí hệ vừa học vừa làm do HNB tỉnh phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức đã hoàn thành khóa học với 64 học viên tốt nghiệp, bổ sung đáng kể về trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí. Cũng trong nhiệm kỳ III, lần đầu tiên (năm 2012) hội tổ chức thành công triển lãm hội báo xuân, làm tiền đề cho các hoạt động sau này. Hằng năm, hội tổ chức ít nhất 1 lần cho hội viên đi thực tế về cơ sở, nhất là ở vùng sâu, xa, biên giới và các đơn vị biên phòng để thu thập tư liệu nhằm sáng tác nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao.

Hiện nay, HNB tỉnh đã có bộ phận làm nhiệm vụ chuyên trách, có trụ sở làm việc và hoạt động khá hiệu quả. HNB tỉnh luôn phát huy vai trò trong quản lý hoạt động, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho người làm báo trên địa bàn tỉnh. Hội đã triển khai thực hiện hiệu quả, chất lượng Giải báo chí quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành, đặc biệt là Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải búa liềm vàng); giải báo chí của tỉnh, báo chí chất lượng cao… tạo sân chơi sôi nổi, thiết thực, bổ ích cho các hội viên và người làm báo địa phương. Đồng thời đóng góp xứng đáng vào những trang sử của báo chí tỉnh nhà, hòa trong dòng chảy hướng đến 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam.

Năm 2015, HNB tỉnh có 107 hội viên, với 3 chi hội. Đến năm 2024, hội có 160 hội viên, sinh hoạt ở 4 chi hội trực thuộc, gồm: Chi hội Nhà báo Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, Chi hội Nhà báo Tạp chí Văn nghệ, Chi hội Nhà báo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chi hội Nhà báo Văn phòng và Nhà báo cao tuổi.

Tiến Bình

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/165248/hoi-nha-bao-tinh-trong-dong-chay-bao-chi-cach-mang