Hơn 23.300 tỷ đồng đầu tư hệ thống các Cảng biển Đà Nẵng tới năm 2030

Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện cơ chế và các điều kiện để huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch.

Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tạo cơ hội phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tạo cơ hội phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Xây dựng vừa ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Cảng biển Đà Nẵng gồm khu bến Tiên Sa; Liên Chiểu; Thọ Quang; Mỹ Khê; bến cảng biển huyện đảo Hoàng Sa và các khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh, trú bão.

Đến năm 2030, Cảng biển Đà Nẵng được quy hoạch có hàng hóa từ 23 - 29 triệu tấn hàng hóa thông qua (trong đó hàng container từ 1,33 - 1,71 triệu TEU, chưa bao gồm hàng container trung chuyển quốc tế); hành khách từ 532.300 - 597.000 lượt khách.

Giai đoạn này, cảng có tổng số 12 - 15 bến cảng gồm 20 - 23 cầu cảng với tổng chiều dài từ 4.220,3 - 5.745,3 m (chưa bao gồm các bến cảng khác).

Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng biển Đà Nẵng tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,5 - 5,5%/năm.

Ngoài ra, trong giai đoạn này sẽ hoàn thành đầu tư khu bến cảng Liên Chiểu có quy mô định hướng phát triển tổng thể 22 bến cảng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hàng hóa gồm: 8 bến cảng lỏng/khí; 8 bến cảng container; 6 bến cảng tổng hợp, hàng rời, phát triển hàng container theo kỳ quy hoạch khi có nhu cầu. Sau năm 2030 sẽ từng bước chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa thành bến cảng du lịch phù hợp với tiến trình đầu tư, khai thác khu bến Liên Chiểu.

Bộ Xây dựng cũng triển khai kết nối đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và ven biển theo quy hoạch được duyệt.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng ước tính nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 23.335 tỷ đồng gồm: vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 6.505 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 16.830 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).

Để hiện thực hóa vốn đầu tư, Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện cơ chế và các điều kiện để huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch và thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền huy động nguồn lực; khai thác nguồn lực từ quỹ đất, mặt nước, nguồn thu từ cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng đầu tư từ nguồn ngân sách; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển…

Bộ Xây dựng sẽ có cơ chế thu hút đầu tư xây dựng bến cảng, đặc biệt là các bến cảng phục vụ chung tại các khu kinh tế, công nghiệp, cụm công nghiệp để nâng cao hiệu quả đầu tư bến cảng, quỹ đất, mặt nước; hỗ trợ các doanh nghiệp cảng thực hiện trong quá trình đầu tư, xây dựng, đặc biệt là tiến độ trong công tác giải phóng mặt bằng.

“Các bến cảng hiện hữu được phép cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới phù hợp với quy mô, công năng, cỡ tàu đã được quy định trong quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050,” lãnh đạo Bộ Xây dựng nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/hon-23300-ty-dong-dau-tu-he-thong-cac-cang-bien-da-nang-toi-nam-2030-post1023755.vnp