HTX tiên phong 'số hóa', kiến tạo tương lai cho đồng bào vùng cao

Nhiều HTX ở Hà Giang đang đứng trước cơ hội lịch sử để bứt phá nhờ sức mạnh của công nghệ thông tin (CNTT), thương mại điện tử (TMĐT). Một số HTX như những 'cánh chim đầu đàn', tiên phong ứng dụng CNTT, mở ra những chân trời mới cho sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng.

Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương, Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Hà Giang và sự vào cuộc của các tổ chức, doanh nghiệp, việc ứng dụng công nghệ và TMĐT tại Hà Giang đang dần có những chuyển biến tích cực.

Cầu nối công nghệ đến với đồng bào

Tiêu biểu nhất là trong thời gian gần đây, Viện Phát triển kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam) đã chủ trì, phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Hà Giang, chính quyền địa phương hai huyện Yên Minh và Xín Mần triển khai chương trình tập huấn nâng cao năng lực TMĐT cho thành viên HTX và đại diện các hộ sản xuất kinh doanh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Đơn vị này cũng đẩy mạnh tư vấn cho người dân, HTX về quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.

Tại các lớp tập huấn, các chuyên gia của Viện Phát triển kinh tế hợp tác đã hỗ trợ người dân, HTX về cách thức quảng bá hình ảnh và sản phẩm bằng công nghệ số; Ứng dụng chuyển đổi số trong quy trình sản xuất, kinh doanh tại HTX (truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử: Tiktok, Shopee, Lazada, Tiki…).

Các thành viên HTX, người dân cũng được tập huấn các kỹ năng quản lý, phục vụ cho việc bán hàng trên mạng (quản trị gian hàng, quảng cáo sản phẩm, tạo lập và quản lý đơn hàng, thanh toán và vận chuyển đơn hàng); Hướng dẫn về giải pháp ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu sản phẩm nông sản, bán hàng và kết nối nông sản…

Lớp tập huấn về thương mại điện tử của Viện Phát triển kinh tế hợp tác tổ chức vào tháng 4/2025 tại Hà Giang.

Lớp tập huấn về thương mại điện tử của Viện Phát triển kinh tế hợp tác tổ chức vào tháng 4/2025 tại Hà Giang.

Theo các chuyên gia của Viện Phát triển kinh tế hợp tác, Viện đã căn cứ vào tình hình thực tiễn và đặc điểm của các đối tượng học viên là người nghèo, người không có thu nhập và đồng bào DTTS&MN, nên quá trình xây dựng nội dung tập huấn cũng đã bám sát nhu cầu của địa phương, phù hợp với khả năng nhận thức của bà con.

Những lớp tập huấn được tổ chức nhằm góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong xây dựng thương hiệu và thương mại hóa sản phẩm cho các HTX vùng DTTS&MN. Qua đó, các HTX tiếp cận được nhiều khách hàng, đối tác. Các HTX, cán bộ phụ trách tham mưu hoạt động quản lý nhà nước về HTX nâng cao nhận thức trong lĩnh vực kinh tế tập thể, từ đó có kế hoạch phát triển HTX nâng cao chuỗi giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Những lớp tập huấn của Viện Kinh tế hợp tác được coi là nền tảng quan trọng song song với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý khác trong việc giúp người dân, thành viên HTX ở vùng DTTS&MN vượt qua khó khăn để cùng nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Từ đây, nhiều người dân đã biết liên kết, tham gia các HTX để cùng nhau ứng dụng KHCN, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng kinh tế chia sẻ để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Đến nay, không ít HTX ở Hà Giang đang thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách số, nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng CNTT cho đồng bào DTTT&MN. Với lợi thế về sự gắn kết cộng đồng, hiểu rõ đặc điểm văn hóa và nhu cầu của người dân địa phương, các HTX đang trở thành những "cầu nối" hiệu quả, mang công nghệ đến gần hơn với cuộc sống và sinh kế của bà con.

Những HTX tiêu biểu tiên phong số hóa

Trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, các HTX như HTX Du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng, HTX Đồng Quê… đã sử dụng các nền tảng đặt phòng trực tuyến, quảng bá hình ảnh du lịch trên mạng xã hội, thu hút du khách và tăng thu nhập cho thành viên và người dân.

Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông sản, HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ đã tận dụng tối đa các nền tảng TMĐT như Postmart, Sendo, Voso, Lazada, Shopee để quảng bá và bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương như sâm khoai, mật ong bạc hà, thịt lợn treo, lạp sườn. HTX đã xây dựng gian hàng trực tuyến hiệu quả, tiếp cận được nhiều khách hàng trên cả nước và duy trì doanh thu ổn định. Đơn vị này còn hướng dẫn bà con là đồng bào DTTS sử dụng điện thoại thông minh để giao dịch và kết nối với khách hàng.

HTX Po Mỷ tiêu thụ nông đặc sản khá thuận lợi nhờ ứng dụng thương mại điện tử.

HTX Po Mỷ tiêu thụ nông đặc sản khá thuận lợi nhờ ứng dụng thương mại điện tử.

Tương tự, HTX Cộng đồng Nặm Đăm đã đưa các sản phẩm dược liệu của mình lên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki và bán hàng qua fanpage của HTX. Theo thống kê của các thành viên, HTX đạt được khoảng 200 đơn hàng trực tuyến mỗi tháng, với doanh thu từ bán dược liệu online đạt khoảng 500 triệu đồng/năm giúp nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân.

Trong khi đó, thành viên HTX Thổ cẩm Pà Thẻn đã sử dụng hình thức livestream bán hàng trên mạng xã hội để giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của dân tộc Pà Thẻn. Việc bán hàng online đã giúp sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến hơn, đặc biệt là các đối tác mua hàng số lượng lớn, giúp tăng gấp đôi lợi nhuận so với cách bán hàng truyền thống.

Còn tại HTX Tây Côn Lĩnh, các thành viên chuyên sản xuất chè Shan tuyết cổ thụ và đã ứng dụng công nghệ vào tất cả các khâu, bao gồm cả quảng bá và phân phối sản phẩm trên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Voso.vn. HTX còn in mã QR trên bao bì để minh bạch hóa thông tin sản phẩm. Nhờ điều này, HTX đã mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu và khẳng định vị thế chè Shan tuyết Hà Giang trên thị trường.

Tiềm năng ứng dụng công nghệ vùng DTTS&MN

Còn nhiều HTX khác ở Hà Giang cũng đã bắt đầu đưa sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh như cam vàng Hà Giang, mật ong bạc hà, chè Shan tuyết, thổ cẩm, dược liệu… lên các sàn TMĐT như Postmart, Voso.vn và các sàn TMĐT của tỉnh (dacsanhagiang.net).

Đặc biệt, thông qua sự hỗ trợ của ngành chức năng, trong đó có Liên minh HTX tỉnh, Bưu điện Hà Giang cũng đã có những hợp tác với các HTX nông sản để tiêu thụ sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử Postmart.

Rõ ràng, sự thành công của các HTX trong ứng dụng TMĐT, chuyển đổi số ở Hà Giang không chỉ dừng ở sự nỗ lực của chính thành viên HTX mà còn nhờ một phần vào những hỗ trợ phù hợp từ các cấp chính quyền và hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, trong đó có Liên minh HTX tỉnh.

Tỉnh Hà Giang và Liên minh HTX tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các HTX về kỹ năng TMĐT, xây dựng gian hàng trực tuyến và kết nối với các sàn TMĐT. Thị trường trực tuyến ngày càng phát triển, tạo cơ hội cho các HTX tiếp cận khách hàng trên phạm vi rộng hơn.

Thông qua các lớp đào tạo tập huấn, các HTX đã nhận thức được tầm quan trọng của TMĐT và chủ động tìm hiểu, ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Hà Giang, nhiều HTX ứng dụng TMĐT hiệu quả cho thấy vai trò tiên phong và đầy tiềm năng trong việc nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng CNTT cho đồng bào DTTS&MN. Với sự sáng tạo, nỗ lực và sự hỗ trợ kịp thời, các HTX sẽ tiếp tục là những "ngôi sao" dẫn đường, giúp người dân vùng cao Hà Giang vươn mình mạnh mẽ, hướng đến cuộc sống no đủ, hạnh phúc.

Quang Am

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/htx-tien-phong-so-hoa-kien-tao-tuong-lai-cho-dong-bao-vung-cao-1106674.html