Hưng Điền A 'về đích' nông thôn mới
Khởi đầu xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, có điểm xuất phát thấp; nguồn lực, kết cấu hạ tầng,... còn hạn chế. Thế nhưng, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, đến cuối năm 2022, xã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.
Diện mạo nông thôn thay đổi
Trở lại xã Hưng Điền A những ngày này, hai bên đường là những căn nhà ngói đỏ, mái tole; giao thông nông thôn (GTNT) phát triển; hệ thống trường, lớp được xây dựng khang trang.
Chủ tịch UBND xã Hưng Điền A - Trương Hồng Non cho biết: “Khi phát động XDNTM, tiêu chí GTNT là nỗi trăn trở của địa phương vì cần nguồn kinh phí đầu tư lớn, trong khi việc huy động sức dân để xây dựng cầu, đường giao thông còn hạn chế. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân hiểu được lợi ích, ý nghĩa của chương trình XDNTM nên rất đồng lòng, chung sức cùng địa phương thực hiện”.
Thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", người dân xã Hưng Điền A tích cực đóng góp tiền, ngày công để mở rộng, nâng cấp các tuyến đường GTNT, phục vụ việc đi lại, sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nông sản. Địa phương đã huy động trên 99 tỉ đồng (trong đó, người dân đóng góp trên 5 tỉ đồng, doanh nghiệp đóng góp gần 2 tỉ đồng) để xây dựng các công trình GTNT.
Tuyến đường cặp kênh Láng Vạt chiều dài gần 4km “nắng bụi, mưa lầy” ngày nào, được triển khai thi công láng nhựa. Anh Lê Văn Tuấn (ấp 3, xã Hưng Điền A) chia sẻ: “Trước đây, tuyến đường này trải đá đỏ, nhỏ, hẹp, trời mưa lầy lội, đi lại rất khó khăn. Giờ đây, tuyến đường được láng nhựa sạch sẽ, thông thoáng, không chỉ tạo bộ mặt nông thôn khang trang mà còn giúp việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân dễ dàng hơn”.
Đến nay, xã Hưng Điền A có 16km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa (đạt 100%); 49,8km đường trục ấp, liên ấp được bêtông hóa, cứng hóa (đạt 100%); 90% đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; trên 99% đường trục chính nội đồng bảo đảm đi lại thuận tiện quanh năm.
Bên cạnh giao thông, nhiều tiêu chí khác cũng được quan tâm thực hiện. Hiện xã có 99,6% hộ dân sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh (trong đó, có 90,3% hộ dân sử dụng nước sạch); 92,8% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Trường học được xây dựng khang trang, xã có 2/2 trường học đạt chuẩn quốc gia. Xã thường xuyên phối hợp các ngành chức năng tổ chức các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với hộ nghèo. Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng được xã quan tâm.
Để đạt 19/19 tiêu chí xã NTM, địa phương huy động nguồn lực trên 187 tỉ đồng, trong đó, người dân đóng góp trên 19 tỉ đồng và doanh nghiệp hỗ trợ trên 6,5 tỉ đồng.
Nâng cao đời sống người dân
Thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Xã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là các mô hình liên kết sản xuất (hợp tác xã, tổ hợp tác). Người dân mạnh dạn đưa các giống cây, con có chất lượng, năng suất cao và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập. Đến nay, hộ nghèo của xã còn 3,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/năm.
Ông Hồ Văn Đực (ấp Gò Xoài, xã Hưng Điền A) nói: “Trước đây, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, tình trạng “được mùa, rớt giá” hay “được giá, mất mùa” thường xuyên xảy ra. Từ khi địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, kinh tế của nhiều hộ gia đình có tiến triển hơn trước. Ngoài cây lúa, nhiều hộ dân còn đầu tư nuôi bò, chuyển đổi cây trồng (xoài, mít, bưởi, sầu riêng,...). Riêng gia đình tôi chuyển đổi trên 2ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng mít, xoài, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, cuộc sống đỡ vất vả hơn trước”.
“Thời gian tới, xã vận động người dân tiếp tục chuyển đổi vật nuôi, cây trồng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhất là triển khai, thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của xã; đồng thời, khuyến khích phát triển kinh tế hộ theo hướng gia trại, trang trại; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, xã chú trọng đầu tư phát triển và nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn như đê bao, trạm bơm điện gắn với giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển sản xuất,...” - ông Trương Hồng Non cho biết thêm./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hung-dien-a-ve-dich-nong-thon-moi-a154541.html