Hùng vĩ thác Ông Bà

Sáng sớm nhìn từ xa, đèo Đại Ninh như mơ màng trong mây gió mưa bay. Theo con đường quanh co bên triền núi gần khu vực hồ chứa nước thủy điện Bắc Bình, chúng tôi hành trình đến thưởng ngoạn thác Ông Bà.

Đây là 1 cụm thác khá nổi tiếng của huyện Bắc Bình và còn là niềm tự hào của người dân xã Phan Lâm. Tôi không biết vì sao gọi là thác ông bà nhưng theo những người già trong làng bảo: Đây là nơi cúng tế ông bà, thần linh của đồng bào mỗi khi đi vào rừng kiếm ăn để cầu mong sự may mắn và an toàn.

Xã Phan Lâm có 8 dân tộc cùng sinh sống nhưng chủ yếu là đồng bào Raglai và K’ho với gần 640 hộ, hơn 2.600 nhân khẩu. Sẽ rất ngạc nhiên với những ai lần đầu đến nơi này vì giữa bao la là rừng núi trập trùng lại có những vườn cây ăn trái trên triền núi thật đẹp và xanh tốt, trĩu trái. Kể từ khi thủy điện Đại Ninh và thủy điện Bắc Bình xây dựng hoàn thành thì vùng đất này được đồng bào ở đây và người dân ở các nơi đến đây đầu tư phát triển kinh tế. Mùa nắng, họ chăm sóc vườn tược, mùa mưa thì ngoài trồng trỉa bắp họ còn đi lấy măng. Đầu mưa thì lấy các loại măng tre, giữa mùa mưa thì măng lồ ô và măng le. Tuy thu nhập không cao nhưng theo anh Mang Thao và Mang Bồng nếu chăm làm và phơi khô cũng đủ cho bà con trang trải cuộc sống.

Qua cánh đồng bắp lai, chúng tôi bì bõm lội qua con suối đầy đá lởm chởm là bắt đầu xuyên rừng và khám phá những điều thú vị của nó. Đường đến thác Ông Bà khá thú vị bởi vừa xong lội suối lại phải leo dốc, những con dốc khá cao men theo triền núi. Mùa này mưa nhiều rừng ẩm thấp, cây cối tươi tốt, những loại nấm lạ cũng đua nhau mọc tưng bừng. Sự thú vị của những chuyến đi rừng chính là khám phá sự mới mẻ, lạ lẫm giúp cho chúng ta hiểu biết thêm nhiều điều từ thiên nhiên kỳ thú. Đường đến thác Ông Bà rất đẹp vì bên triền núi có khá nhiều loại hoa lạ và bên dưới là dòng suối chảy róc rách vui nhộn. Rừng ở đây tre khá nhiều nhưng những cây gỗ lớn thì hầu như không có, những loại cây tạp thì xanh ngát vươn lên mạnh mẽ đón nắng. Để rút ngắn thời gian, người dẫn đường hướng dẫn chúng tôi đi đường tắt. Đường tắt tuy khó đi và gian nan hơn vì phải vượt nhiều dốc núi nhưng giúp chúng tôi đến với thác Ông Bà nhanh hơn. Với điều kiện thời tiết mát mẻ thì việc nhanh chóng đến thác sẽ giảm được cái mệt đang dần lan tỏa trong mỗi chúng tôi.

Hơn 1 giờ đi đường tắt, chúng tôi đến được tầng 1 của thác Ông Bà. Gọi là thác nhưng đây chỉ là 1 tầng nước thấp và rộng chảy qua những tảng đá bàn rộng lớn. Theo anh Mang Ngọc Sương - người dẫn đường của chúng tôi thì đây là nơi để đồng bào ở đây sắp xếp lễ vật cúng ông bà và thần linh cầu xin bình an và được mùa khi bắt đầu vào vụ sản xuất. Nơi đây có nhiều tảng đá khá lớn và bằng phẳng để nghỉ ngơi. Không khí thoáng đãng, mát mẻ, trong lành và đầy ắp hương vị của núi rừng. Tuy đây chỉ là ngọn thác thấp nhưng nếu không cẩn thận sẽ có những nguy hiểm nhất định với nước trôi và đá trơn. Sự cẩn trọng luôn là yếu tố hàng đầu của những ai muốn khám phá thác. Thác Ông Bà là 1 cụm thác gồm 3 thác chia thành 3 bậc trên dưới và cao thấp khác nhau. Thác dưới gọi là thác Ông Bà, trên thác gọi là thác Kgalai và thác cao nhất gọi là Parathao. Trong 3 ngọn thác thì thác Kgalai là cao và đẹp nhất. Vì thế, chúng tôi quyết định chinh phục thác Kgalai mặc cho núi cao, vực sâu ở phía trước.

Quả thật con đường đến thác Kgalai nguy hiểm hơn chúng tôi nghĩ nhiều với những đoạn đường dốc đứng và trơn trượt. Lên được phía trên chủ yếu chúng tôi chỉ bám vào những bờ đá nhô ra với đầy rêu và ẩm thấp. Mùa này nắng mưa bất chợt nên giữa trưa vẫn có những đám mây đen như chực trút nước xuống đầu, rừng núi thâm u, xào xạc. Gần 1 giờ bám theo vách núi mà leo, cuối cùng chúng tôi cũng lên đến ngọn thác cao và hùng vĩ nhất. Phong cảnh ở đây khá đẹp với tre rừng giăng lối và tiếng thác ầm ầm đổ.

Ngọn thác Kgalai thật hùng vĩ với 2 dòng nước cao và đổ xuống vực sâu. Vào mùa này nước rất lớn nên chúng tôi không thể nào xuống được lòng thác để thấy được hết sự hùng vĩ của nó. Thác Kgalai cũng khá giống với thác sương mù ở Đa Mi vừa từ trên cao đổ xuống, vừa hun hút sâu thẳm, xung quanh là hơi nước như sương mù bao phủ cả 1 vùng. Đến với thác Kgalai ngoài việc thưởng ngoạn dòng thác hùng vĩ, tuyệt đẹp và xung quanh thác còn có những cây thuốc quý như chuối mồ côi, bạc hà núi, tắc kè đá và cây sâm nam. Mải mê nơi này chúng tôi như quên cả thời gian. Chiều đang buông dần trên những tán lá khẽ rung rinh. Những giọt mưa cũng đổ xuống ướt lạnh. Lạ thay mưa ở núi rừng không tiếng sấm chớp, không tiếng chim kêu chỉ có tiếng nước chảy và giọt mưa cứ lộp bộp trên đầu. Một chuyến đi đầy cảm xúc với nhiều điều thật thú vị.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/hung-vi-thac-ong-ba-119709.html