Hướng đến đồng bộ pháp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển
Sáng 10.7, tại Phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình đề xuất bổ sung 4 dự án Luật nhằm đảm bảo yêu cầu hoàn thiện thể chế, phục vụ quản lý, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới.
4 dự án Luật cần thiết, cấp bách

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình đề xuất bổ sung 4 dự án Luật
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, Chính phủ đề nghị bổ sung 4 dự án Luật vào Chương trình lập pháp năm 2025, gồm: Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế); Luật Thương mại điện tử; Luật Giám định tư pháp (thay thế) và Luật An ninh mạng.
Trong đó, hai dự án Luật đầu tiên được đề xuất xây dựng theo trình tự, thủ tục thông thường, hai dự án sau được đề nghị thực hiện theo trình tự rút gọn, nhằm đảm bảo tính kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế) có phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm các lĩnh vực: quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, vốn đầu tư công; khai thác tài nguyên, năng lượng; quản lý thời gian lao động trong khu vực công và hoạt động sản xuất, tiêu dùng của tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội.
Điểm nhấn của dự án là thể chế hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị, hướng tới hình thành văn hóa tiết kiệm và ý thức phòng, chống lãng phí.
Dự luật sẽ quy định rõ “Ngày toàn dân tiết kiệm, chống lãng phí” (31.5 hằng năm); bổ sung yêu cầu lồng ghép nội dung giáo dục tiết kiệm, chống lãng phí trong hệ thống giáo dục quốc dân; đồng thời thiết lập cơ chế pháp lý đồng bộ cho việc giám sát, phát hiện và xử lý hành vi lãng phí.
Dự án Luật An ninh mạng, sẽ tiếp tục là công cụ pháp lý trọng yếu nhằm đảm bảo chủ quyền không gian mạng quốc gia, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi tham gia không gian mạng.
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật bao gồm cả cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động trên không gian mạng tại Việt Nam.
Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, sự phát triển của các nền tảng xuyên biên giới và xu hướng tội phạm mạng ngày càng phức tạp, việc sửa đổi Luật An ninh mạng là cần thiết để đảm bảo năng lực quản lý và phản ứng chính sách linh hoạt, hiệu quả hơn.

Các đại biểu tại phiên họp
Trong khi đó Luật Thương mại điện tử sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho mô hình kinh doanh số. Một trong những điểm nổi bật của Tờ trình là đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Thương mại điện tử nhằm đáp ứng những chuyển biến nhanh chóng của nền kinh tế số.
Dự luật sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung quy định liên quan đến các mô hình thương mại điện tử mới như livestream bán hàng, tiếp thị liên kết, nền tảng tích hợp, thương mại trên mạng xã hội và nền tảng đa dịch vụ.
Đặc biệt, dự luật sẽ đề xuất cơ chế định danh người bán qua VNeID; quy định trách nhiệm cụ thể của các chủ thể cung cấp nền tảng thương mại điện tử; kiểm soát hành vi thao túng thuật toán, lạm dụng vị thế thị trường; đảm bảo minh bạch và chống thất thu thuế trong các giao dịch phi chính thức.
Ngoài ra, sẽ có quy định riêng về điều kiện hoạt động của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có giao dịch tại Việt Nam, nhằm đảm bảo an toàn pháp lý, kỹ thuật và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Luật Giám định tư pháp (thay thế) sẽ củng cố chất lượng hoạt động chuyên môn phục vụ tố tụng. Dự án Luật sẽ kế thừa phạm vi điều chỉnh của Luật hiện hành nhưng được hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn tổ chức và hoạt động giám định tư pháp. Đối tượng áp dụng bao gồm các tổ chức, cá nhân và cơ quan nhà nước có liên quan đến công tác giám định.
Việc sửa đổi nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, hiệu lực pháp lý và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia giám định tư pháp; đồng thời khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra qua thực tiễn thi hành luật, góp phần bảo đảm công bằng, khách quan trong hoạt động tố tụng.
Đảm bảo chất lượng, đồng bộ trong xây dựng pháp luật

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp
Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp và các cơ quan chức năng tán thành với đề xuất của Chính phủ về sự cần thiết bổ sung 4 dự án Luật này vào Chương trình lập pháp năm 2025.
“Đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, yêu cầu đổi mới tư duy lập pháp, xây dựng luật ngắn gọn, đúng thẩm quyền của Quốc hội, chú trọng chất lượng và bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan, đặc biệt là các luật mới vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9”, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Việc điều chỉnh Chương trình lập pháp lần này không chỉ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia mà còn thể hiện sự linh hoạt và chủ động của Quốc hội, Chính phủ trong việc thích ứng với yêu cầu thực tiễn, đảm bảo pháp luật luôn là công cụ dẫn dắt, đồng hành với phát triển bền vững và tiến bộ xã hội.