Hương quế thắp sáng ước mơ vùng cao
Về Trà Bồng những ngày này, trên khắp các sườn núi xanh ngát, hương quế lan tỏa ngào ngạt như đánh thức cả đất trời cùng vào mùa thu hoạch. Trên các tuyến đường xuyên xã, liên thôn, từng tốp người gùi quế miệt mài men theo triền dốc, đưa về những điểm tập kết để bán cho thương lái...
Không khí rộn ràng, náo nức ấy không chỉ báo hiệu một vụ mùa bội thu, mà còn phản ánh nhịp sống kinh tế đang dần khởi sắc ở vùng cao. Quế, từ một loại cây trồng bản địa, đã trở thành nguồn thu nhập chính, là “vàng xanh” của đồng bào nơi đây.

Đồng bào Co ở vùng cao Trà Bồng thu hoạch quế về bán cho thương lái
Cây giảm nghèo của đồng bào Co
Quế Trà Bồng không chỉ là cây trồng truyền thống mà còn là niềm tự hào của vùng cao Quảng Ngãi. Sản phẩm đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á vinh danh là đặc sản quà tặng và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Nhờ phát triển vùng nguyên liệu, bao tiêu đầu ra và giữ gìn giống quế bản địa, nhiều hộ đồng bào nơi đây đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu từ “vàng xanh” của núi rừng.
Hiện tại, giá quế tươi dao động từ 15.000-16.000 đồng/kg, còn quế khô đạt 40.000-45.000 đồng/kg. Không khí lao động càng thêm hối hả, người lên rẫy lột vỏ quế, người tranh thủ nắng để phơi cho kịp phiên chợ.
Anh Hồ Văn Sang, người dân xã Hương Trà cho biết, gia đình anh có hơn 5.000 cây quế, trong đó khoảng 600 cây đã đến tuổi thu hoạch. “Với giá quế như hiện nay, vụ này tôi có thể thu về vài chục triệu đồng. Nhờ cây quế, gia đình tôi có thu nhập ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều so với trước đây”, anh Sang chia sẻ.
Tại thôn Cả (xã Trà Hiệp), trong số 149 hộ dân thì có tới hơn 40% hộ còn giữ và phát triển diện tích quế, với khoảng 123 ha, chủ yếu là giống quế truyền thống lâu đời.
Chị Hồ Thị Trúc, một người trồng quế lâu năm ở đây, phấn khởi: “Từ đầu mùa đến giờ tôi đã bán được gần 10 triệu đồng tiền quế. Gia đình còn hơn 600 cây đã đến kỳ thu hoạch. Hy vọng giá quế sẽ nhích lên để người dân có thêm thu nhập”.
Trà Bồng có hai vụ thu hoạch quế mỗi năm: Đợt đầu từ cuối tháng 2 đến hết tháng 4, được người Co gọi là “mùa tiên” và đợt sau vào tháng 7-8. Đây là khoảng thời gian lý tưởng bởi vỏ quế nhiều tinh dầu, dễ bóc, chất lượng cao, nếu để trái vụ thì vỏ dính chặt vào thân, khó thu hoạch.
Giữa bạt ngàn hương núi rừng, quế Trà Bồng không chỉ tỏa ngát vị cay nồng đặc trưng, mà còn thấm đẫm những câu chuyện đổi thay tích cực nơi vùng cao.
Mỗi vụ quế qua đi, không chỉ có đời sống người dân được nâng lên, mà bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống cũng được bảo tồn và tiếp nối - bền bỉ như chính hương quế nồng nàn giữa đại ngàn Trà Bồng.

Sản phẩm quế Trà Bồng có mùi hương đặc biệt, chứa lượng tinh dầu cao
“Báu vật” của làng - Hồn thiêng núi rừng và giấc mơ no ấm
Nằm dưới chân dãy Cà Đam hùng vĩ, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng người Co, một tộc người gắn bó sâu sắc với rừng núi, nơi họ tin rằng tổ tiên và thần linh trú ngụ. Với người Co, cây quế không chỉ là cây trồng, mà chính là vật thiêng - “ma quế”, được nâng niu như báu vật của làng.
Từ bao đời nay, quế đã ăn sâu vào đời sống văn hóa và tâm linh của bà con nơi đây. Rừng quế vừa mang lại sinh kế, vừa giúp giữ đất, giữ nước, giữ hồn làng, bảo vệ những dòng suối trong xanh và chống chọi với những biến động khí hậu khắc nghiệt.
Ông Hồ Ngọc An, một cao niên ở xã Trà Thủy kể rằng: Người Co mang giống quế từ rừng về, trồng sau làng, nhân giống theo tập tục canh tác truyền thống. Mỗi cây quế phải mất 5-7 năm mới đủ tuổi thu hoạch và có thể gắn bó với người dân hàng chục, thậm chí cả trăm năm.
Nhưng ông cũng không khỏi đau đáu trước thực tế nhiều rừng quế bị chặt bỏ để nhường chỗ cho cây keo tràm - loại cây đem lại lợi ích kinh tế nhanh nhưng ngắn hạn. “Vì cuộc sống, nhiều người buộc phải chọn keo, nhưng nếu không gìn giữ, mai này con cháu chúng ta lấy gì để tự hào?”, ông An trăn trở.
Ngày nay, cây quế đã vươn mình thành cây trồng chủ lực của huyện Trà Bồng. Gần như nhà nào cũng có quế, ít thì vài nghìn cây, nhiều thì phủ kín cả những quả đồi.
Toàn huyện hiện có khoảng 5.500 ha quế và đang đặt mục tiêu nâng lên 6.000 ha vào năm 2030 - không chỉ để tăng sản lượng mà còn tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào Co, đặc biệt ở các xã vùng cao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương cho biết, huyện đang tích cực hỗ trợ nguồn giống chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chăm sóc và thu hoạch, nhằm nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm, bảo vệ thương hiệu Quế Trà Bồng - niềm tự hào của Quảng Ngãi.
Hằng năm, Trà Bồng thu hoạch từ 1.800 - 2.000 tấn quế, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc…
Nhờ hàm lượng tinh dầu cao, hương thơm đặc trưng, sản phẩm quế nơi đây rất được ưa chuộng. Ngoài vỏ quế và tinh dầu, nhiều sản phẩm mỹ nghệ độc đáo như bình, chén, hộp trà, tăm nhang từ vỏ quế cũng được tiêu thụ mạnh, góp phần đa dạng hóa sinh kế và giữ gìn bản sắc thủ công truyền thống.
Giữa nhịp sống hiện đại, quế Trà Bồng vừa mang lại thu nhập bền vững, vừa là sợi dây nối liền người Co với núi rừng, với tổ tiên và với chính căn tính văn hóa của mình. Nếu được gìn giữ đúng cách, “báu vật” ấy sẽ còn tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ no ấm của cả một cộng đồng, giữa đại ngàn xanh thẳm.
Dấu ấn đặc biệt của Quế Trà Bồng
2009: Được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Quế Trà Bồng - Tây Trà”.
2012: Lọt vào Top 4 đặc sản nổi bật của Quảng Ngãi, xác lập kỷ lục Việt Nam, góp mặt trong Top 10 đặc sản thiên nhiên nổi tiếng của Việt Nam.
2013: Được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là đặc sản xác lập kỷ lục châu Á.
2014: Vinh danh với danh hiệu “Văn hóa nghệ thuật ẩm thực và tinh hoa đặc sản ba miền”.
2020: Chỉ dẫn địa lý “Trà Bồng” cho sản phẩm quế chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký (ngày 23.11.2020).
Hiện có hơn 20 sản phẩm từ quế Trà Bồng đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, góp phần khẳng định giá trị kinh tế - văn hóa - thương hiệu bền vững của “vàng xanh” Trà Bồng.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/huong-que-thap-sang-uoc-mo-vung-cao-129111.html