Hướng tới Net Zero 2050: Bài toán lớn cho thị trường carbon Việt Nam

Trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thị trường carbon đang trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận chính sách. Để đạt được mục tiêu này, thị trường carbon cần vượt qua rào cản về thể chế, kỹ thuật và cách tiếp cận.

Từ Nghị định đến hiện thực thị trường carbon

Theo ông Phạm Hồng Lượng - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, ý tưởng xây dựng Nghị định về dịch vụ môi trường rừng, trong đó có tín chỉ carbon, đã manh nha từ năm 2017, thời điểm Luật Lâm nghiệp được Quốc hội thông qua. Trong luật, một chương riêng về dịch vụ môi trường rừng đã quy định rõ ràng việc rừng hấp thụ và lưu giữ carbon là một loại dịch vụ có thể được định giá và chi trả.

Qua nhiều năm thử nghiệm, đặc biệt với Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ, năm 2025 được coi là thời điểm chín muồi để xây dựng một Nghị định chính thức, áp dụng trên toàn quốc. Dự thảo hiện hành gồm 18 điều, quy định rõ các chủ thể tham gia: từ chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân đến các tổ chức, nhà đầu tư có nhu cầu bù trừ phát thải.

Ông Phạm Hồng Lượng - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường).

Ông Phạm Hồng Lượng - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường).

Không dừng ở quy định kỹ thuật, Dự thảo còn hướng đến tạo lập cơ chế tài chính minh bạch, cụ thể, bao gồm cách thức đo đạc, báo cáo, thẩm định và giám sát quá trình phát triển dự án carbon rừng. Đặc biệt, để hỗ trợ chủ rừng nhỏ lẻ, vốn khó tiếp cận các quy trình phức tạp, Dự thảo cho phép Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng được trích lại 10% nguồn thu để chi trả cho các hoạt động kỹ thuật.

Lý do là lo ngại về việc thất thoát lượng tín chỉ trong nước, vốn được kỳ vọng sẽ phục vụ nhu cầu bù trừ phát thải của các ngành công nghiệp trong tương lai, đặc biệt khi ngành hàng không sẽ chịu ràng buộc từ năm 2027. Đồng thời, có ý kiến e ngại việc xuất khẩu tín chỉ sẽ ảnh hưởng đến nghĩa vụ giảm phát thải quốc gia theo cam kết NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định).

Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa (Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển) lại đặt ra một vấn đề “nóng” cần lời giải: “Ai đang quan tâm 14 triệu người dân tộc thiểu số sống bằng rừng? Tại sao doanh nghiệp được ưu tiên tiếp cận tín chỉ carbon, còn người nghèo lại bị từ chối một nguồn thu chính đáng?” Theo ông, cần thay đổi tư duy “tài sản quốc gia thì để nhà nước lo”, trong khi chính người dân đang là lực lượng gìn giữ rừng hiệu quả nhất.

Dù vậy, theo ông Phạm Hồng Lượng, để văn bản thực sự đi vào cuộc sống, cần thêm nhiều góp ý từ các bên, đảm bảo nghị định không chỉ khả thi mà còn giúp thu hút nguồn lực xã hội trong bảo vệ rừng và ứng phó biến đổi khí hậu.

Bài toán công bằng và mâu thuẫn lợi ích

Trái ngược với kỳ vọng, thực tế lại cho thấy nhiều chủ rừng hiện vẫn “bất lực” trong việc bán tín chỉ carbon, dù đã có đối tác nước ngoài đặt cọc và sẵn sàng giao dịch. Câu chuyện của TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ là minh chứng điển hình. Ông cho biết, bản thân hiện đang quản lý một khu sinh thái, trong đó có một khu sinh quyển với 300 ha rừng tự nhiên. Đây có thể nói là một trong những cánh rừng có hệ sinh thái tốt nhất hiện nay ở Việt Nam.

Ngoài ra, bản thân ông cùng với các cộng sự đã hoàn thành các khâu đo đạc, xác minh và lượng hóa tín chỉ carbon, nhưng khi trình bày đề xuất thì gặp phải khó khăn trong việc xuất bán ra nước ngoài.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển.

Nút thắt thể chế và năng lực vận hành

Theo PGS. Nguyễn Đình Thọ – Phó viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường, điểm yếu lớn nhất của Việt Nam khi bước vào thị trường carbon là năng lực. Không chỉ thiếu nhân lực chất lượng cao, Việt Nam còn chưa có hệ thống thị trường hoàn chỉnh: không có hàng hóa carbon rõ ràng, chưa có cơ chế giao dịch, thiếu liên kết giữa thị trường tự nguyện và tuân thủ.

Việc thực hiện Điều 6.2 của Thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2015 là điều kiện tiên quyết để chuyển nhượng tín chỉ carbon quốc tế, cũng chưa được triển khai hiệu quả. Các dự án carbon muốn được phép bán ra nước ngoài buộc phải chứng minh lượng tín chỉ đó vượt mức NDC quốc gia đã cam kết. Do thiếu quy trình đánh giá chính thức, hầu hết dự án vẫn đang bị tạm dừng giao dịch.

PGS. Nguyễn Đình Thọ – Phó viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường.

PGS. Nguyễn Đình Thọ – Phó viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường.

Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Singapore đã nhanh chóng hoàn thiện hệ thống và thậm chí đặt mục tiêu trở thành trung tâm giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu. Việt Nam vì thế đang bị chậm chân ngay trên “sân nhà”.

PGS. Nguyễn Đình Thọ cho rằng, cần phổ cập kiến thức về thị trường carbon đến tận người dân, doanh nghiệp, đặc biệt thông qua các nền tảng trực tuyến, phần mềm dùng chung và hệ thống MRV (đo lường, báo cáo, xác minh).

“Nếu không chia sẻ công cụ, thị trường sẽ mãi chỉ phục vụ các doanh nghiệp lớn có điều kiện tiếp cận kỹ thuật hiện đại”, ông Thọ nói thêm.

Tín chỉ carbon không chỉ là carbon

Từ góc nhìn quốc tế, bà Betty Pallard, Đồng sáng lập Ủy ban Tài chính bền vững EuroCham, nhấn mạnh rằng, việc xây dựng thị trường carbon không thể chỉ tập trung vào yếu tố kỹ thuật.

“Bên cạnh việc hấp thụ carbon, vốn là một yếu tố dễ dàng đo lường, chúng ta cần kể được câu chuyện ý nghĩa đằng sau đó. Chúng ta đang góp phần bảo tồn một nền văn hóa độc đáo, một phần lịch sử quý báu của nhân loại.Có rất nhiều nhà đầu tư trên khắp thế giới quan tâm đến những giá trị như vậy, chứ không chỉ đơn thuần là các thông số kỹ thuật. Việc quảng bá tín chỉ carbon của Việt Nam cần phải làm được điều này”, bà Betty Pallard chia sẻ.

Theo đó, bà Petty Ballard dẫn ví dụ: thay vì mua toàn bộ tín chỉ giá rẻ để bù trừ, doanh nghiệp nên dành một phần ngân sách đầu tư vào tín chỉ gắn với các giá trị văn hóa, sinh thái đặc biệt – những yếu tố giúp xây dựng thương hiệu mạnh mẽ cho tín chỉ carbon Việt Nam. Chính những “câu chuyện đằng sau con số” sẽ thu hút nhà đầu tư toàn cầu, thay vì chỉ cạnh tranh bằng giá rẻ.

Đây là lúc chúng ta cần đề cập đến một khái niệm quan trọng hơn, đó là "Tài chính chuyển đổi" (Transition Finance). Nó không chỉ đơn thuần là câu chuyện về carbon, mà còn bao gồm cả vấn đề biến đổi khí hậu và tình hình kinh tế thực tế. Sai lầm lớn nhất mà chúng ta thường mắc phải là chỉ tập trung vào các yếu tố kỹ thuật của tín chỉ carbon mà bỏ qua những giá trị vô hình khác”, bà Betty Pallard nói thêm.

Bà Betty Pallard, Đồng sáng lập Ủy ban Tài chính bền vững EuroCham.

Bà Betty Pallard, Đồng sáng lập Ủy ban Tài chính bền vững EuroCham.

Thực tế đã cho thấy, trong 170 dự án mà bà cùng EuroCham đã đăng ký, có đến 60 dự án thất bại vì không kết nối được với thị trường. Nguyên do là nhà đầu tư làm đúng về mặt kỹ thuật, nhưng lại thiếu tầm nhìn về tiếp thị và phát triển sản phẩm carbon như một hàng hóa có giá trị gia tăng. Do đó, để xây dựng một “thương hiệu tín chỉ carbon Việt Nam” cần lồng ghép cả các yếu tố văn hóa, cộng đồng, sinh thái bên cạnh tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế.

Tương lai nào cho thị trường carbon Việt Nam?

Việt Nam đang ở một ngã rẽ quan trọng. Nếu tiếp tục duy trì tư duy cũ, trì hoãn cải cách thể chế và thiếu đầu tư cho hạ tầng thị trường, rất có thể chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội “vàng” từ thị trường carbon toàn cầu – một thị trường được định giá hàng trăm tỷ USD trong thập kỷ tới.

Để hiện thực hóa cam kết Net Zero vào năm 2050, Việt Nam không thể thiếu thị trường carbon. Nhưng thị trường ấy không thể chỉ dành cho những doanh nghiệp lớn, mà cần mở ra cho cả người dân nghèo đang gìn giữ tài nguyên quý giá nhất: rừng.

Đó là lúc chúng ta phải thay đổi tư duy, từ một hệ thống quản lý tập trung, khép kín sang một thị trường minh bạch, công bằng và hiệu quả. Và hơn hết, là một thị trường carbon mang đậm dấu ấn văn hóa và trách nhiệm xã hội, nơi mà mỗi tín chỉ không chỉ đại diện cho một tấn CO₂, mà còn là câu chuyện về sinh kế, công bằng và tương lai xanh của quốc gia.

Đức Bách

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/huong-toi-net-zero-2050-bai-toan-lon-cho-thi-truong-carbon-viet-nam-100647.html