Hương vị Tết xưa

Đất trời chuyển mùa, những chồi non lộc biếc cũng chuẩn bị khoe sắc để đón chào năm mới rộn ràng. Giữa không khí nhộn nhịp ấy, tôi lại thấy bồi hồi, xúc động nhớ về hương vị Tết xưa. Không đủ đầy, sung túc như bây giờ nhưng hương vị Tết đi cùng năm tháng, cùng ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ để tôi luôn khát khao, nhung nhớ, tìm về...

Quây quần bên nồi bánh chưng Tết (Ảnh minh họa)

Tết ở đâu cũng rộn ràng nhưng Tết ở quê tôi có nét đặc trưng, độc đáo riêng. Làng tôi vốn nổi tiếng bởi nghề hàng xáo và trồng rau màu, có lẽ thế mà ngày Tết thường đến sớm hơn và kéo dài hơn. Ngày Tết bắt đầu khoảng ngày 20 tháng Chạp, khi người dân trong làng nô nức kéo nhau ra đồng thu hoạch nông sản để kịp thời vận chuyển đến các chợ lân cận phục vụ bà con mua sắm Tết. Nhìn những đám khoai tây, khoai lang chất đống trên đầu bờ, những ruộng cà chua chín đỏ cả cánh đồng, luống rau mùi xanh non mơn mởn, thơm phức… người dân quê tôi lại rạng ngời lên niềm vui về cái Tết đủ đầy, sung túc.

Ngày 28 tháng Chạp là phiên chợ làng cuối cùng trong năm. Phiên chợ tất niên ấy vui lắm, hàng hóa tràn ngập, hầu như cả làng đi chợ Tết, ai không mua sắm gì cũng đi chơi chợ. Chợ đông, người chen nhau, nhưng không ai khó chịu về điều đó. Chợ quê ngày Tết đông vui, nhộn nhịp, đầy ắp những sản vật. Đó là những dãy hàng hoa dài hun hút với la liệt các chậu cúc, thược dược, lay ơn, đào, quất. Mẹ tôi tranh thủ đi một vòng quanh chợ, mua câu đối đỏ, vài ống giang, khăn ấm cho ông bà và vài bộ quần áo mới cho các con. Trong không gian giao thoa giữa tiết hanh hao cuối đông và cái mơn man của những làn gió báo Xuân, chợ Tết thật đặc biệt với mùi với vị, với những gam màu đa sắc, với sự hối hả tất bật và cả những ánh mắt lạ lẫm xen lẫn háo hức của lũ trẻ chúng tôi...

Ngày Tết quê tôi, nhà nào cũng làm rất nhiều các loại bánh: Bánh chưng, bánh tẻ, bánh nếp, bánh rán, bánh mật, bánh cốm… Bọn trẻ trong xóm vui nhất là được mẹ phân công đi xay bột để làm bánh. Chúng í ới rủ nhau, mang thùng to, thùng nhỏ đến nhà cụ Diệm đầu làng để xếp hàng xay bột làm bánh. Ở làng có rất nhiều nhà xay bột nhưng nhà cụ Diệm luôn đông đúc nhất, bởi tính cụ cẩn thận, sạch sẽ lại cân đo đong đếm chuẩn lượng nước nên bột xay ở nhà cụ lúc nào cũng dẻo, mịn, làm bánh rất ngon. Ngày bé, tôi rất khâm phục các bà, các mẹ, bởi dưới bàn tay khéo léo của họ mà những hạt gạo nếp, gạo tẻ, đỗ xanh, đường đen biến thành thứ bánh có hình hài độc đáo, nhiều vị, nhiều màu và rất ngon mang đậm đà hồn quê, tình đất.

Hương vị Tết là mùi ấm nồng từ bếp luộc bánh chưng bên ánh than hồng rực. Mùi củi cháy, mùi thơm của lá dong, mùi gạo nếp cùng nhân đậu xanh, thịt ba chỉ hòa quyện với nhau trong chiếc nồi lớn, nước sôi sùng sục rồi bốc hơi mang theo mùi thơm quyến rũ. Ngày gói bánh chưng, người lớn, trẻ con quây quần vui không tả xiết. Chẳng hiểu sao thời ấy, mùi Tết rõ đến thế. Khi bắc nồi luộc bánh, cái mùi thơm kỳ diệu của khói bếp, củi cháy, lá dong cứ cuộn bay trong không gian, bám chặt vào người. Lũ trẻ chúng tôi ngồi chồm hỗm quanh chiếc chiếu góc hè để xem bố gói bánh và háo hức nhất là được bố gói cho những chiếc bánh chưng nhỏ.

Đặc biệt, năm nào chiều tất niên, mẹ tôi cũng đun một nồi nước lá mùi thật to để cho cả nhà tắm gội. Người già tắm trước, trẻ tắm sau, tất cả đều mang một niềm tin tắm gội nước mùi thơm phưng phức ấy thì gột rửa những điều “đen đủi” của năm cũ và hướng tới một năm mới hạnh phúc, may mắn hơn.

Chiều 30, mâm cỗ tất niên được dâng lên bàn thờ tiên tổ, nén hương trầm thơm ngọt được thắp lên. Mùi hương lan tỏa trong một không gian thành kính và ấm cúng... Quanh bếp lửa của nồi bánh chưng xanh, cả gia đình ngồi quây quần, râm ran trò chuyện thâu đêm, cảm nhận hơi ấm của bếp lửa than nồng, của tình gia đình da diết, sâu nặng. Thi thoảng đã nghe tiếng pháo tép trẻ con đốt canh chừng chờ năm mới. Tết còn có vị ngọt của hương đất tỏa buổi sáng sớm đầu tiên khi mở cửa nhà. Mưa xuân mỏng như sương rắc, chỉ đủ làm ẩm không gian và gọi mùi ngai ngái lan từ đất mềm, mùi nhựa cây mới ứa, mùi chồi nụ đang cựa mầm, lòng người ai cũng háo hức, kỳ vọng về năm mới bình an, hạnh phúc.

Bây giờ cuộc sống đã đủ đầy, nhà nhà no ấm, vui tết đón xuân trong bao đổi thay. Nhưng hương vị tết xưa thì vẫn còn mãi, thơm lừng trong kí ức của tôi mỗi khi tết đến xuân về. Để rồi khi bất chợt nghe ấm áp mùi hương trầm nhà ai thoang thoảng trong mưa phùn, gió lạnh cuối năm lại nôn nao nhớ về hương vị Tết những ngày xưa cũ.

Phúc Hưng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202202/huong-vi-tet-xua-97c0c4e/