IMF nâng dự báo tăng trưởng của các quốc gia mới nổi trong năm 2023, cảnh báo lạm phát còn kéo dài
IMF đã nâng dự báo tăng trưởng cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển lên mức 4%, tăng 0,3% so với báo cáo hồi tháng 10/2022 và cao hơn mức 3,9% của năm 2022.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định về một “bước ngoặt” của nền kinh tế toàn cầu khi nâng mức dự báo tăng trưởng lần đầu tiên sau 1 năm, với quan điểm nền kinh tế Mỹ vẫn đang khỏe mạnh và nhu cầu hồi phục khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại, theo Bloomberg.
Cụ thể, trong báo cáo cập nhật hàng quý về Triển vọng kinh tế thế giới, IMF dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ đạt 2,9% trong năm 2023, tăng 0,2% so với dự báo mà tổ chức này công bố hồi tháng 10/2022.
Dù mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn mức 3,4% của năm 2022, IMF vẫn kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ chạm đáy trong năm nay trước khi tăng tốc trở lại vào năm 2024.
IMF tăng dự báo tăng trưởng của các nước phát triển trong năm 2023 lên 1,2%, tăng 0,1% so với mức dự báo được đưa ra trước đó và chưa bằng một nửa so với mức 2,7% năm 2022.
Trong nhóm này, nền kinh tế Anh có mức dự báo tăng trưởng thấp nhất, ở mức 0,6%. Mỹ dự kiến có mức tăng trưởng 1,4%, tăng 0,4% so với dự báo trước đó, trong bối cảnh nhu cầu nội địa tăng.
IMF cho rằng khả năng nền kinh tế Mỹ tránh khỏi suy thoái trong năm 2023 chỉ là “con đường hẹp”, bất chấp tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 5,2% vào năm tới, từ mức 3,7% trong năm nay, theo ông Pierre-Olivier Gourinchas - kinh tế trưởng của IMF.
Sự thay đổi lớn nhất chính là dự báo về nền kinh tế Nga. IMF dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 0,3%, so với mức giảm 2,3% đưa ra trong tháng 10 năm ngoái.
IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng đối với các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển lên mức 4%, tăng 0,3% so với dự báo tháng 10 năm ngoái. Trung Quốc có mức dự báo tăng trưởng 5,2%, tăng 0,8%. Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đóng góp khoảng một nửa đà tăng trưởng của thế giới trong năm 2023, theo Gourinchas.
"Việc triển vọng không xấu đi đã là một tin tốt lúc này. Nhưng như thế là chưa đủ. Vẫn còn một số thách thức trên con đường phục hồi bền vững trên diện rộng và lâu dài", ông Pierre-Olivier Gourinchas cho biết.
Cuộc chiến chống lạm phát sẽ còn kéo dài
Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF cũng cho rằng cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa có kết quả. Theo đó, chính sách tiền tệ thắt chặt cần phải được duy trì và một số quốc gia thậm chí phải thắt chặt hơn nữa trước khi lạm phát tăng chậm lại.
Lạm phát cũng có thể kéo dài hơn dự tính. Thị trường tài chính có thể trở nên bất ổn và căng thẳng quốc tế do cuộc xung đột mà Nga phát động gây ra có thể khiến hệ thống toàn cầu bị chia cắt, cản trở sự hợp tác giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, các rủi ro đã cân bằng hơn so với tháng 10, Gourinchas nói. Một rủi ro tăng giá là tiêu dùng mạnh hơn, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ, được thúc đẩy bởi nhu cầu bị dồn nén từ thị trường lao động thắt chặt và hỗ trợ tài chính trong đại dịch của chính phủ.
Ngược lại, lạm phát có thể giảm nhanh hơn dự kiến trong bối cảnh chi tiêu chuyển sang dịch vụ, cho phép các ngân hàng trung ương giảm mức độ thắt chặt tiền tệ.
“Chúng ta còn lâu mới chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát,” Gourinchas cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 31/1 với Rishaad Salamat của Bloomberg Television./.
Nguồn tham khảo: Bloomberg