Indonesia buộc các nhà sản xuất bán dầu cọ trong nước

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, bắt đầu từ ngày 27/1, Indonesia bắt buộc các nhà sản xuất dầu cọ bán một phần sản lượng trong nước với mức giá tối đa 9.300 rupiah (0,6465 USD)/kg đối với dầu cọ thô (CPO) và 10.300 rupiah/kg đối với olein.

Thu hoạch quả cọ tại một khu vườn ở Medan, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Thu hoạch quả cọ tại một khu vườn ở Medan, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh Indonesia - nhà sản xuất và xuất khẩu dầu cọ hàng đầu thế giới - đang cố gắng kiềm chế đà tăng giá dầu ăn trong nước với mức tăng khoảng 40% so với năm trước theo xu hướng của thị trường quốc tế.

Phát biểu họp báo ngày 27/1, Bộ trưởng Thương mại Muhammad Lutfi cho biết nghĩa vụ thị trường trong nước (DMO) sẽ được áp dụng đối với tất cả các nhà sản xuất dầu ăn, theo đó các công ty này phải bán 20% sản lượng xuất khẩu trên thị trường nội địa. Bộ trưởng Lutfi cho biết: “Với chính sách này, chúng tôi hy vọng giá dầu ăn sẽ ổn định hơn và phù hợp với túi tiền của người dân trong khi vẫn mang lại lợi nhuận cho người bán, nhà phân phối và nhà sản xuất”. Ông Lutfi cho hay nhu cầu dầu ăn trong nước ước tính khoảng 5,7 triệu kilô lít trong năm nay.

Trong tuần này, giá dầu cọ chuẩn Malaysia đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, một phần do mối đe dọa từ việc Indonesia kiểm soát các lô hàng xuất khẩu.

Theo ông Indrasari Wisnu Wardhana, quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Indonesia, mặc dù DMO đã được áp dụng đối với CPO, olein, dầu ăn đã qua sử dụng và dầu cặn, song chính phủ đang xem xét đặt ra yêu cầu tương tự đối với tất cả các sản phẩm phái sinh từ dầu cọ. Phát biểu tại cùng cuộc họp báo, ông Indrasari khẳng định: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp trong nước sẽ được đảm bảo”, đồng thời cho biết thêm rằng trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao, các nhà sản xuất có xu hướng thích xuất khẩu hơn.

Tình hình cũng tương tự với than nhiệt khi Indonesia quyết định đình chỉ xuất khẩu một tháng đối với mặt hàng này do các công ty không đáp ứng được DMO nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước và duy trì hoạt động của các nhà máy nhiệt điện.

Chính sách giá trần nội địa đối với dầu cọ cũng trở nên cần thiết do giá cả toàn cầu tăng cao, kéo theo việc các nhà sản xuất trong nước nâng giá bán. Khi được hỏi DMO sẽ được áp dụng đối với dầu cọ trong bao lâu, ông Wisnu cho biết chính sách này sẽ được thực thi “cho đến khi giá cả trở lại tình trạng ổn định như trước đây”. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dầu cọ Indonesia Togar Sitanggang cho rằng chính sách này có thể khiến sản lượng xuất khẩu tháng Hai sụt giảm do có thể có những cam kết xuất khẩu không thể đáp ứng được yêu cầu về DMO.

Trước đó, chính phủ Indonesia đã áp đặt yêu cầu giấy phép xuất khẩu đối với các lô hàng vận chuyển dầu cọ quốc tế. Theo đó, giấy phép này chỉ được cấp sau khi các công ty công bố kế hoạch phân phối nội địa trong 6 tháng. Ông Wisnu tiết lộ rằng không có lô hàng xuất khẩu nào được thực hiện trong những ngày gần đây trong bối cảnh chính phủ đang xác minh kế hoạch phân phối của các công ty như một phần của quá trình cấp phép nói trên.

Cũng trong ngày 27/1, Bộ Thương mại Indonesia cũng thông báo sẽ áp đặt mức giá trần bán lẻ đối với dầu ăn bắt đầu từ ngày 1/2 tới. Chính phủ nước này hiện cũng đang áp đặt chính sách một giá đối với dầu ăn.

Hữu Chiến (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/indonesia-buoc-cac-nha-san-xuat-ban-dau-co-trong-nuoc-20220128060945170.htm