Kể chuyện dân tộc bằng ngôn ngữ thời đại

Vượt qua hơn 250 đội thi từ 11 quốc gia, 3 nữ sinh đến từ Trường THPT chuyên Nguyễn Du (Đắk Lắk) xuất sắc giành giải Ba Cuộc thi Thử thách sáng tạo kinh doanh Việt Nam (VBIC) 2025.

Nhóm nữ sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Du (Đắk Lắk). Ảnh: ND

Nhóm nữ sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Du (Đắk Lắk). Ảnh: ND

Ý tưởng sáng tạo “thổi hồn” dân tộc vào bao bì hộp sữa của các em không chỉ thu hút giới trẻ, mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ về bản sắc văn hóa Việt Nam.

Tìm bản sắc giữa dòng ý tưởng

Cuộc thi VBIC sau lần đầu tổ chức năm 2024, VBIC 2025 mở rộng quy mô, thu hút hơn 250 đội thi từ 11 quốc gia như: Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Singapore, Qatar… Vượt qua nhiều vòng loại với áp lực cao và tính cạnh tranh toàn cầu, đội thi của Trường THPT chuyên Nguyễn Du gồm: Nguyễn Lê Bảo Thy - lớp 11A1 (trưởng nhóm) và Hồ Hoàng Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Tú Trinh (cùng lớp 12A1) gây ấn tượng bởi các ý tưởng đầy sáng tạo, bắt nguồn từ chất liệu văn hóa bản địa.

Ở vòng 1, nhóm chọn Bảo tàng Đắk Lắk làm trung tâm ý tưởng với đề tài “Hồi âm nghệ thuật từ Bảo tàng Đắk Lắk”, nhằm lan tỏa những nét đẹp văn hóa Tây Nguyên đến với giới trẻ, đặc biệt thông qua nền tảng số và hoạt động trải nghiệm tương tác tại bảo tàng.

Tiếp nối vòng 2, nhóm thể hiện sự sáng tạo khi khai thác ẩm thực dân gian. Hai ý tưởng được trình bày gồm: Sự kết hợp giữa mắm ruốc Huế với vị lẩu Thái trong các gói sốt nấu lẩu; kết hợp vị dừa truyền thống Việt Nam với matcha Nhật Bản để tạo thành hỗn hợp nước sốt phù hợp khẩu vị giới trẻ.

“Chúng em nghĩ khởi nghiệp không chỉ tạo ra sản phẩm, mà còn tìm cách tiếp cận độc đáo từ những gì mình có, như di sản, hương vị, trang phục, hình ảnh… Đó chính là lý do chúng em trở về với truyền thống để bắt đầu đổi mới”, trưởng nhóm Bảo Thy chia sẻ.

Vòng chung kết VBIC 2025, các đội phải giải bài toán thực tế từ doanh nghiệp: Vinamilk yêu cầu các đội xây dựng chiến lược giúp tăng mức độ nhận diện thương hiệu và độ hấp dẫn của dòng sữa mới hướng tới Gen Z, một tệp khách hàng được xem “khó chiều” và đầy thách thức về thị hiếu.

Đội thi của 3 nữ sinh đến từ Trường THPT chuyên Nguyễn Du đã mang đến ý tưởng mang trang phục của 54 dân tộc lên bao bì hộp sữa, với thông điệp “Vị sữa mặc hồn dân tộc”. Cụ thể, nhóm đề xuất thay đổi bao bì bằng thiết kế mang hình ảnh trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Mỗi hộp sữa được tích hợp một mã QR riêng. Khi quét mã, khách hàng được trải nghiệm mặc thử trang phục truyền thống bằng công nghệ thực tế tăng cường (AR), đồng thời được nghe câu chuyện văn hóa đặc trưng của dân tộc đó.

“Khách hàng không biết trước mình được hóa thân vào trang phục của dân tộc nào cho đến khi quét mã. Chúng em kỳ vọng điều này sẽ khơi gợi tâm lý tò mò và mong muốn sưu tầm đủ 54 trang phục dân tộc, từ đó thúc đẩy tiêu dùng và tăng sự gắn kết giữa thương hiệu với khách hàng, đặc biệt là Gen Z”, Bảo Thy chia sẻ.

Điểm nhấn của đề xuất còn nằm ở chiến lược “sưu tầm bộ sưu tập”, người tiêu dùng được khuyến khích thu thập đủ 54 mẫu hộp sữa, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa trên mạng xã hội, đồng thời nâng tần suất mua hàng tự nhiên.

“Bao bì do nhóm tự thiết kế riêng, sau đó cố định lên hộp sữa để tạo cảm giác hộp sữa đang mặc trang phục thật. Người dùng có thể gỡ bao bì ra để sưu tầm và quét mã”, Tú Trinh nói thêm.

Giám khảo cuộc thi đánh giá cao sự đột phá về mặt ý tưởng, khả năng nắm bắt tâm lý người dùng cũng như trình bày bằng tiếng Anh xuất sắc của nhóm. Kết quả, đội thi Trường THPT chuyên Nguyễn Du giành giải Ba chung cuộc và học bổng 40% toàn chương trình cử nhân tại Đại học Fulbright Việt Nam, trị giá hơn 2 tỷ đồng.

 Đội thi đến từ Trường THPT chuyên Nguyễn Du (Đắk Lắk) trình bày phần thi. Ảnh: BTC

Đội thi đến từ Trường THPT chuyên Nguyễn Du (Đắk Lắk) trình bày phần thi. Ảnh: BTC

Để văn hóa hiện hữu trong đời sống

Nguyễn Lê Bảo Thy chia sẻ: “Gen Z có thế mạnh về công nghệ, nhưng điều chúng em muốn là làm sao để những giá trị truyền thống được thể hiện bằng chính ngôn ngữ hiện đại. Ý tưởng về hộp sữa không chỉ để thi mà có thể triển khai thành sản phẩm, nếu có cơ hội hợp tác với doanh nghiệp”.

Cô Lại Thị Ánh Vân - giáo viên chủ nhiệm lớp 11A1, bày tỏ: “Dù đến từ khu vực miền núi, các em lại nhạy bén với xu hướng quốc tế. Điều đáng quý, trong mỗi ý tưởng có sự trân trọng bản sắc dân tộc và mong muốn truyền cảm hứng tới cộng đồng”.

Theo chia sẻ của cô Ánh Vân, Bảo Thy là thành viên tích cực trong các hoạt động phong trào, do đó, em thuyết trình lưu loát mọi chủ đề. Tuy nhiên, cô Ánh Vân ngạc nhiên vì: “Bảo Thy không phải dân chuyên Anh (tiếng Anh), cuộc thi yêu cầu thuyết trình bằng 100% tiếng Anh, nhưng lại được đánh giá cao. Điều đó cho thấy, Bảo Thy và các bạn đã nỗ lực lớn trong học tập và chuẩn bị”.

Khép lại hành trình tại VBIC 2025, “Vị sữa mặc hồn dân tộc” không chỉ là một đề xuất khởi nghiệp, còn là cách tiếp cận mới mẻ của Gen Z về việc giữ gìn văn hóa trong nhịp sống hiện đại. Họ không bảo tồn văn hóa bằng cách cất giữ, mà để nó bước vào đời sống thường nhật một cách sống động, sáng tạo và thời thượng.

“Đề thi VBIC đòi hỏi thí sinh không chỉ giỏi ý tưởng, mà còn phải hiểu sâu về mô hình kinh doanh, biết tiếp thị, khai thác tâm lý khách hàng. Các em đã thể hiện được tư duy hệ thống, sự đam mê và trách nhiệm. Đó là điều khiến chúng tôi tự hào”. - Ông Nguyễn Đăng Bồng - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Du

Thành Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ke-chuyen-dan-toc-bang-ngon-ngu-thoi-dai-post739957.html