Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc

Tây Bắc đã trở thành vựa trái cây và cây công nghiệp lớn. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, chủ yếu tiêu thụ trong nước, giá trị xuất khẩu chưa cao, mới chỉ đạt vài trăm triệu USD mỗi năm…

Một số nông sản của Sơn La trưng bày tại Diễn đàn. Ảnh Chu Khôi.

Một số nông sản của Sơn La trưng bày tại Diễn đàn. Ảnh Chu Khôi.

Chiều ngày 1/7/2025, tại tỉnh Sơn La, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam chủ trì Diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc”.

Diễn đàn được phối hợp đồng tổ chức bởi nhiều cơ quan: Báo Nông nghiệp và Môi trường; Hội Làm vườn Việt Nam; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Văn phòng SPS Việt Nam; Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La...

VỰA TRÁI CÂY VÀ NÔNG SẢN LỚN

Ông Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông lâm sản hàng hóa. Năm 2024, sản lượng lúa đạt 773,5 nghìn tấn, ngô đạt 638,4 nghìn tấn, sắn đạt 899 nghìn tấn, mía đạt 1,15 triệu tấn.

Đặc biệt, với ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng, vùng Tây Bắc còn sản xuất nhiều loại cây ăn quả ôn đới và á nhiệt đới như xoài (đạt 79,8 nghìn tấn), nhãn (81,3 nghìn tấn), mận (94,5 nghìn tấn), chanh leo (7,6 nghìn tấn), cam (108,1 nghìn tấn), chuối (116,6 nghìn tấn), bưởi (125,9 nghìn tấn); cây lâu năm như cà phê (32,9 nghìn tấn), cao su (19,2 nghìn tấn); lâm sản ngoài gỗ và các sản phẩm có giá trị sinh học, dược liệu bản địa.

Ông Lê Quốc Doanh: "Nhiều sản phẩm nông sản ở Tây Bắc chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, chủ yếu tiêu thụ trong nước". Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Lê Quốc Doanh: "Nhiều sản phẩm nông sản ở Tây Bắc chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, chủ yếu tiêu thụ trong nước". Ảnh: Tùng Đinh.

Tuy nhiên, sản xuất nông sản ở vùng Tây Bắc còn phân tán, nhỏ lẻ; liên kết chuỗi chưa bền vững; công nghệ chế biến, bảo quản, truy xuất nguồn gốc còn hạn chế. Nhiều sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, chủ yếu tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu thô.

"Giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu của Tây Bắc năm 2024 đạt khoảng 245 triệu USD (trong đó Sơn La đạt 190 triệu USD, Điện Biên trên 22,4 triệu USD, Lai Châu trên 6,5 triệu USD, Lào Cai 25 triệu USD). Một số mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu gồm: cà phê hơn 90 triệu USD; chè 22 triệu USD; tinh bột sắn hơn 36 triệu USD; nhãn, xoài khoảng 30 triệu USD; tinh dầu quế khoảng 22 triệu USD".

Ông Lê Quốc Doanh - Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho hay địa phương đã và đang tận dụng mọi cơ hội để phát triển nhanh và bền vững, với định hướng rõ ràng về nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, công nghiệp tái tạo và phát triển bền vững gắn với thị trường.

Ông Nguyễn Thành Công: "Sơn La đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, bền vững". Ảnh: Tùng Đinh

Ông Nguyễn Thành Công: "Sơn La đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, bền vững". Ảnh: Tùng Đinh

Tổng diện tích cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm toàn tỉnh ước đạt gần 119.898 ha. Trong đó, cây ăn quả và sơn tra 85.050 ha với sản lượng 510.000 tấn, còn cây công nghiệp lâu năm đạt 35.563 ha, sản lượng 102.078 tấn. Sơn La hiện là vùng sản xuất nguyên liệu nông nghiệp cho chế biến lớn của cả nước. Đặc biệt, tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh xoài, nhãn, chanh leo, mận hậu…

Cùng với cây ăn quả, ngành mía đường của tỉnh cũng ghi dấu ấn khi có nhà máy duy nhất tại miền Bắc vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh ngành này gặp nhiều khó khăn trên cả nước.

Một số trái cây Sơn La trưng bày tại Diễn đàn. Ảnh: Chu Khôi

Một số trái cây Sơn La trưng bày tại Diễn đàn. Ảnh: Chu Khôi

Theo lãnh đạo tỉnh Sơn La, cùng với tiêu thụ trong nước, năm 2024, Sơn La xuất khẩu khoảng 8.900 tấn chè (trị giá 21,9 triệu USD), 31.700 tấn cà phê (88,77 triệu USD), 7.600 tấn xoài tươi (1,876 triệu USD) và 7.200 tấn chuối tươi (2,1 triệu USD).

Trong định hướng sắp tới, ông Công cho biết tỉnh Sơn La xác định rõ nông nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải đi vào chiều sâu, nâng cao hàm lượng chế biến sau thu hoạch, thúc đẩy sản phẩm đặc sản, có thế mạnh gắn với thị trường. Theo đó, Sơn La đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, bền vững, nơi cây trồng không chỉ là sinh kế, mà còn là sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có chỗ đứng trên thị trường.

BẢY NHÓM GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM CHO NÔNG SẢN TÂY BẮC

Ông Lò Hồng Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Điện Biên, cho hay tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh hiện ước đạt 4.045 ha với các cây trồng chính như: Xoài 698 ha, dứa 584 ha, mít 448 ha, bưởi 73 ha, lê 222 ha. Cây ăn quả tỉnh Điện Biên bước đầu chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, tạo thành vùng nguyên liệu phục vụ liên kết và chế biến sản phẩm. Bước đầu hình thành 5 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Mường Chà và thành phố Điện Biên Phủ với tổng diện tích cây ăn quả ước đạt 3.000 ha.

Về cây công nghiệp lâu năm, Điện Biên có khoảng 4.784 ha cà phê (sản lượng dự kiến hơn 4.800 tấn nhân), gần 630 ha chè, hơn 5.000 ha cao su và hơn 12.300 ha mắc ca. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Điện Biên cũng nhìn nhận địa phương vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu cơ sở chế biến, bảo quản sau thu hoạch, logistics yếu và sự liên kết giữa người trồng với doanh nghiệp còn lỏng lẻo.

Các chuyên gia tham gia phiên tọa đàm tại Diễn đàn. Ảnh: Chu Khôi

Các chuyên gia tham gia phiên tọa đàm tại Diễn đàn. Ảnh: Chu Khôi

Theo ông Bùi Huy Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lai Châu, toàn tỉnh hiện có trên 23.000 ha trồng dược liệu các loại, với các loài chủ lực như quế 10.000 ha, thảo quả trên 6.500 ha, sa nhân trên 2.500 ha, sơn tra trên 2.000 ha, sâm Lai Châu trên 130 ha và thất diệp nhất chi hoa trên 10 ha. Sản lượng dược liệu khai thác hàng năm ước đạt 3.000 tấn, minh chứng cho tiềm năng phát triển dược liệu to lớn của tỉnh.

Đặc biệt, sâm Lai Châu - một loài cây bản địa, đặc hữu, phân bố hẹp trên địa bàn tỉnh, được người dân bản địa sử dụng làm thuốc từ rất lâu với tên gọi tam thất đen, tam thất đỏ đang dần khẳng định vị thế là dược liệu quý, có giá trị y học và kinh tế cao.

“Tỉnh Lai Châu kêu gọi và mong muốn nhận được sự quan tâm, hợp tác đầu tư từ các nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước để cùng đưa sâm Lai Châu phát triển đúng với tiềm năng vốn có, mang lại lợi ích chung và góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành dược liệu Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Phương nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: "Trước bối cảnh sáp nhập hành chính và yêu cầu chuyển đổi mô hình phát triển, các tỉnh Tây Bắc cần những giải pháp đồng bộ và chiến lược hơn".

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: "Trước bối cảnh sáp nhập hành chính và yêu cầu chuyển đổi mô hình phát triển, các tỉnh Tây Bắc cần những giải pháp đồng bộ và chiến lược hơn".

Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Tây Bắc là vùng đất giàu tiềm năng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và bản sắc văn hóa đặc sắc.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế như sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch vùng nguyên liệu, năng lực chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn yếu, hạ tầng giao thông khó khăn, và thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Trước bối cảnh sáp nhập hành chính và yêu cầu chuyển đổi mô hình phát triển, cần những giải pháp đồng bộ và chiến lược hơn.

Trên tinh thần “hành động – hiệu quả – kết nối liên vùng”, Thứ trưởng đề xuất 7 nhóm giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, tái cơ cấu sản xuất gắn với vùng nguyên liệu: Hoàn thành quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực, thúc đẩy liên kết sản xuất – tiêu thụ theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP; hướng đến 70-80% sản phẩm tiêu thụ qua hợp đồng vào năm 2030.

Thứ hai, phát triển chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch: Xây dựng cụm công nghiệp chế biến tại Sơn La, đầu tư kho lạnh, sơ chế, đóng gói; chuyển từ xuất thô sang chế biến đa dạng giá trị theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thứ ba, mở rộng thị trường tiêu thụ: Đưa nông sản vào hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, bếp ăn, khu du lịch; xúc tiến xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, EU, UAE; xây dựng bản đồ tiêu thụ theo mùa vụ và chủng loại.

Thứ tư, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số: Xây dựng cơ sở dữ liệu mở về nông nghiệp, đẩy mạnh giống chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu, nhân rộng mô hình sản xuất đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế, đầu tư hạ tầng: Kêu gọi hợp tác với FAO, JICA, KOICA về giống, chế biến, quản lý chuỗi; huy động vốn ODA, đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, logistics.

Thứ sáu, hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù: Rà soát chính sách về đất đai, tín dụng, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ hợp tác xã và đầu tư vào vùng khó khăn.

Thứ bảy, đẩy mạnh truyền thông và quảng bá nông sản vùng.

Thứ trưởng kêu gọi toàn ngành và các bên liên quan cùng hành động đưa Tây Bắc thành vùng sản xuất nông lâm sản hiện đại, xanh, sạch, hiệu quả, bền vững.

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ket-noi-san-xuat-va-thuong-mai-nong-lam-san-cac-tinh-tay-bac.htm